Top
Được tạo bởi Blogger.
Bài đăng nổi bật
NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH
Toại Khanh Tôi đi xa mới về. Thùng thư trước nhà đầy ắp, cả cái hộp thư riêng ở bưu điện cũng không còn chỗ nhét. Ngoài phần lớn những thứ đ...
Tìm kiếm Blog này
Lưu trữ Blog
- tháng 9 2020 (2)
- tháng 7 2020 (3)
- tháng 5 2020 (2)
- tháng 4 2020 (8)
- tháng 3 2020 (9)
- tháng 2 2020 (67)
- tháng 1 2020 (255)
- tháng 12 2019 (102)
- tháng 11 2019 (5)
- tháng 10 2019 (22)
- tháng 9 2019 (37)
- tháng 8 2019 (42)
- tháng 7 2019 (10)
- tháng 1 2019 (14)
- tháng 7 2018 (3)
- tháng 2 2018 (2)
Từ khoá
random posts
Labels
Popular Posts
-
Một buổi làm lễ thọ giới Tỷ Kheo tại chùa Wat Nong Pah Pong (Thái Lan) tháng 7/2017.
-
Chùa Bửu Long quận 9 HCM I- ÐỊA CHỈ CHÙA NAM TÔNG TẠI SÀI GÒN QUẬN 2 CHÙA NGUYÊN THỦY 33-A đường 10,khu Phố 1, phường Cát Lái, Q.2, Tp.HCM Ð...
-
[ Kinh Trung Bộ / 147. Tiểu kinh Giáo giới La-hầu-la (Cùlaràhulovàda sutta) ] Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetav...
-
[Trích Kinh Trung Bộ / 41. Kinh Sàleyyaka (Sàleyyaka sutta) ] : Sau khi ngồi xuống một bên, các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la bạch Thế Tôn: -- ...
-
Mục lục Phần I Phần II 61. Thời Pháp tại Chiengmai 62. Chiến đấu một mất một còn để thành tựu mục tiêu cuối cùng 63. Đại niệm và Đại tu...
-
KINH TRƯỜNG BỘ Dìgha Nikàya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt 3. Kinh A-ma-trú (Ambattha sutta) -ooOoo- Như vầy tôi nghe. Tụng phẩm t...
-
[ Tương Ưng Bộ / Tập V - Thiên Ðại Phẩm / [46] Chương II. Tương Ưng Giác Chi / IV. Phẩm Triền Cái] : 33.III. Cấu Uế (1) (S.v,92) 1) ... 2)...
-
[Trích Kinh Tăng Chi Bộ / Chương Ba Pháp / 12. Phẩm Ðọa Xứ ] 114 Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ...
-
Tôn giả Sariputta (Xá lợi phất) và Tôn giả Mahacunda (Ðại Chu-na) tới thăm Tôn Giả Channa (Xiển-đà) bị ốm nặng. Vì những đau đớn về thể xác ...
-
Trong khi nghiên cứu Tương Ưng Bộ / Tập I - Thiên Có Kệ, tôi thấy có sự không rõ ràng trong kinh khi nói về Giai Cấp Sát Ðế Lỵ So sánh giữa ...
Kinh Phật
Phật sự
‹
›
Thần Thông
Thiên Giới
Chùa Nam Tông
Đọa Xứ
Video
Tóm tắt
I) Tạng Luật: Những quy định của Đức Phật về những gì tăng ni nên làm và không nên làm.II) Tạng Kinh: Nội dung Tứ Diệu Đế được thuyết giảng qua nhiều cách khác nhau, cho những đối tượng khác nhau, với cách trình bày gần gũi nhất, dễ hiểu nhất cho tất cả những đối tượng hữu duyên mà Đức Phật gặp trên đường du hóa.
Tứ Diệu Đế: Bốn sự thật trên đời này
1. Khổ Đế - Tất cả mọi hiện hữu trên đời đều là khổ.
2. Nếu mọi thứ ở đời là khổ thì chúng ta thích cái gì cũng là thích trong cái khổ (Tập đế).
3. Nếu muốn hết khổ thì phải chán những gì đã đam mê (Đạo đế). Đạo đế ở đây là một cách gọi khác của Tứ Niệm Xứ.
4. Khi sự chán đúng mức thì sẽ dẫn đến sự chứng ngộ - giải thoát - niết bàn (đây chính là diệt đế).
III) Tạng A Tỳ Đàm: Là nội dung Tứ Diệu Đế được trìng bày theo cách chuyên môn nhất, rốt ráo nhất, bằng những khái niệm và từ ngữ khá xa lạ để hướng người nghe lên một tầm nhận thức mới. Như một người chắc chắn sẽ có hai cảm nhận khác nhau khi nghe từ NƯỚC và H2O.
Như ở Tạng Kinh Phật dạy một người thiện nam hay tín nữ nỗ lực làm lành lánh dữ để không bị đọa và được sinh về nhân - thiên, nếu đủ duyên thì được giải thoát sinh tử.
Nhưng ở Tạng A Tỳ Đàm thì Phật lại dạy khác: khi 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành thì sẽ tạo ra 6 căn biết 6 trần như ý. Nếu đủ duyên thì trong tương lai sẽ không còn 6 căn tái hiện nữa.
Toàn bộ sự hiện hữu của những gì mà ta vẫn gọi là chúng sanh, vũ trụ, gồm cả phàm, thánh, siêu, đọa, đều nằm gọn trong sự có mặt và sự hoạt động của 6 căn, 6 trần. Từ vô thỉ luân hồi tất cả phàm phu đều sinh tử theo công thức đơn giản này:
- 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành thì đời sau kiếp khác sinh ra với 6 căn biết 6 trần như ý.
- Trường hợp thứ hai là có kẻ dùng 6 căn biết 6 trần bằng tâm bất thiện thì đời sau kiếp khác sinh ra sẽ có mặt với 6 căn biết 6 trần bất toại.
Hai trường hợp trên đây được gọi theo ngôn ngữ thông thường lá SIÊU và ĐỌA.
Từ vô lượng kiếp chúng ta hết siêu lại đọa, hết đọa lại siêu. Phật ra đời dạy cho ta thấy rằng sự quẩn quanh trong vòng tròn siêu đọa ấy chỉ là sự lặp lại buồn tẻ và vô vị, nên Ngài đã dạy cho ta thấy ra những sự thật mà bao đời nay ta chưa từng có lúc nhận ra. Đó là Tứ Diệu Đế, đó là mối tương quan giữa 6 căn với 6 trần, với thiện ác.
Tạng Kinh là lời Phật được trình bày theo cách gần gũi nhất với lối nghĩ của đa phần chúng sinh. Tạng A Tỳ Đàm vẫn là về những sự thật ấy nhưng vói một cách nói trừu tượng hơn, rốt ráo hơn, cách nói vốn thích hợp với những người không chịu suy nghĩ theo lối thường thức.
Đức Phật thuyết Pháp cho chúng sinh tùy theo căn cơ của mỗi người:
- Với một vị vua mới mất người vợ yêu quý, Đức Phật thuyết: Thương yêu sanh sầu muộn, thương yêu sanh lo sợ. Với người không còn thương yêu nữa thì sẽ không có sầu muộn, không có lo sợ. Người đó nghe xong lập tức đắc đạo.
- Một vị vua khác mất đứa con trai duy nhất, Đức Phật thuyết: Từ đâu ta có khổ? Vì ta có mặt trên đời này mà ta khổ. Vì đâu ta có mặt trên đời? Vì ta có sự tái sanh. Vì đâu có sự tái sanh? Vì có nghiệp tái sanh. Vì đâu có nghiệp tái sanh? Vì có tham ái. Vì đâu có tham ái? Vì ta có 6 căn. Vì đâu ta có 6 căn? Vì kiếp xưa ta đã từng đam mê trong 6 trần. Vì kiếp xưa có 6 căn và đam mê trong 6 trần nên đời này ta mới có 6 căn tiếp tục, từ đó có thương phải xa, ghét phải gần, muốn không được...
- Một người khác đang rất đau khổ, Đức Phật thuyết: Mọi hiện hữu chỉ là sự có mặt của Danh Sắc. Buồn vui cũng là sự hiện hữu của danh sắc. Đủ duyên thì danh sắc có mặt. Đủ duyên thì buồn vui có mặt. Đủ duyên thì danh sắc biến mất. Đủ duyên thì buồn vui biến mất.
Hồi đó đến giờ mình khổ vì mình nghĩ mình là cái gì đó. Khi mình nghĩ mình LÀ cái gì đó thì nảy ra mình CÓ cái gì đó. Khi nghĩ mình LÀ cái gì đó, thì ta đã trở thành tấm bia cho những chuyện đời buồn vui nó bắn vào. Khi nào thấy được mình chỉ là những chấm nhỏ mà không phải một tấm bia, thì ta sẽ không còn hứng chịu chuyện đời buồn vui nữa.
Người phàm phu không thấy đời là vô thường vì nghĩ đời là một đường thẳng, trong khi nó chỉ là một tập hợp những dấu chấm thiện-ác-vui-buồn-trẻ-già-đẹp-xấu-khoẻ-đau... Không thấy mọi sự là khổ vì bị ám ảnh bởi những tư thế sinh hoạt tiếp nối nhau tạo ra ảo tưởng dễ chịu, hạnh phúc tiếp nối nhau (sự dễ chịu thay thế sự khó chịu và ngược lại)...
[đến phút thứ 1:23:46]
A Tỳ Đàm - Giác Nguyên - Pháp - Video
Thập nhị nhân duyên là 12 điều kiện tùy thuộc vào nhau mà sinh và cũng tùy thuộc vào nhau mà diệt, có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Trong Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên sinh chính là tập đế, khổ đế. Thập nhị nhân duyên diệt chính là đạo đế, diệt đế. Vậy Thập nhị nhân duyên chỉ là cách nói khác của Tứ diệu đế, chứ không phải như người ta thường hiểu lầm Tứ diệu đế là pháp môn tu của Thanh Văn và Thập nhị nhân duyên là pháp môn tu của Duyên Giác. Chỉ vì trùng nhau chữ duyên mà người ta liên tưởng một cách sai lầm. Trên thực tế, ai muốn tu hành thành Phật cũng đều phải tu Tứ diệu đế mà trong đó đã bao hàm 12 nhân duyên.
Có hai cách hiểu Thập nhị nhân duyên:
- Một là hiểu như vòng luân hồi sinh tử trong 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai.
- Hai là hiểu như tiến trình tâm - sinh - vật lý được điều động bởi vô minh, ái dục trong 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai (đây chỉ nói Thập nhị nhân duyên sinh).
Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt trình bày 2 ý nghĩa trên của Thập nhị nhân duyên:
1. Thập nhị nhân duyên mô tả diễn biến của vòng luân hồi sinh tử trong 3 thời:
Trong những kiếp quá khứ, do thiếu sáng suốt (vô minh) chúng ta đã tạo các hạnh nghiệp (hành), rồi thác sinh vào những cảnh giới tương ứng trong hiện tại. Kiếp sống quá khứ chấm dứt với tử tâm (cuti).
Sau đó thức tái sanh, tức là kiết sinh thức (patisandhi-viññāna) khởi lên nối liền với kiếp sống hiện tại.
Thức này còn gọi là hương ấm thuộc về danh (tâm), kết hợp với tinh cha huyết mẹ thuộc về sắc (thân), tạo thành sự sống của cái phôi gồm đủ hai yếu tố danh và sắc nên gọi là danh sắc.
Dần dần cái phôi lớn lên, sắc hình thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là ngũ căn, và danh hình thành từ thức gọi là ý căn. Năm căn hòa hợp với ý căn tạo thành tác dụng của lục nhập, tức là 6 cơ quan tiếp nhận đối tượng của chúng.
Khi hình thành một thai nhi đủ điều kiện ra khỏi bụng mẹ, hài nhi ra đời và lục căn bắt đầu tiếp xúc với lục trần (ta có xúc). Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sự tiếp xúc giữa căn trần vừa xảy ra thì liền có thọ, tức là những cảm giác khổ, lạc, xả và hỷ. Nói đến xúc tức là đã bao hàm các thức, vì vậy ở đây:
- Nhãn thức thọ xả.
- Nhĩ thức thọ xả.
- Tỷ thức thọ xả.
- Thiệt thức thọ xả.
- Thân thức thọ khổ và lạc.
- Ý thức thọ xả và hỷ (chưa có ưu).
Đã có khổ, lạc, xả, hỷ, thì liền có ưa, ghét khởi lên. Đó là ái. Ở đây ái chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái hoặc dục ái, sắc ái, vô sắc ái như chúng ta đã nói trước đây (đến đây mới có ưu).
Khi đã có ưa, ghét (ái) thì ưa sinh đam mê, ghét sinh hiềm hận. Sự nắm giữ ái như vậy gọi là thủ. Nói rõ hơn thủ có 4 loại:
- Dục thủ là nắm bắt lục dục.
- Kiến thủ là chấp giữ quan niệm.
- Giới cấm thủ là chấp giữ hình thức, nghi lễ.
- Ngã luận thủ là chấp giữ bản ngã, linh hồn.
Do chấp thủ tư kiến, tư dục, hình thức và bản ngã mà chúng ta tạo nghiệp. Đó chính là hữu. Hữu tức là tạo tác để trở thành (becoming), có nghĩa là tạo nghiệp bất thiện, thiện và bất động.
Ái có dục ái, sắc ái, vô sắc ái nên hữu (nghiệp) cũng có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, nghĩa là tạo nghiệp để tái sinh trong tương lai ở 3 cõi 6 đường.
- Nghiệp bất thiện thì tương lai tái sinh trong 4 đường khổ: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la.
- Nghiệp vừa thiện vừa bất thiện thì tương lai tái sinh vào cõi người.
- Nghiệp thiện thì tương lai tái sinh trong các cõi trời dục giới như Tứ đại thiên vương, Đao lợi, Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên.
- Nghiệp sắc giới thì sẽ tái sinh vào các cõi sắc giới, tùy theo sự chứng đắc của mình.
- Nghiệp bất động thì tương lai tái sinh trong các cõi vô sắc giới, tùy theo khả năng thiền định của mình.
Khi đã tái sinh thì lại tạo nghiệp và đưa đến già chết (lão tử), cứ thế sinh sinh tử tử trong vòng luân hồi lẩn quẩn triền miên.
Tóm lại, từ vô minh đến ái dục, từ tạo nghiệp đến gặt quả, từ tái sinh đến già chết, đó là những gì được mô tả rõ ràng qua các yếu tố điều kiện phát sinh trong Thập nhị nhân duyên.
Có người hỏi:
- Nếu Thập nhị nhân duyên được dùng giải thích vòng luân hồi tái sinh thì có phải chăng vô minh chính là khởi thủy hay nguyên nhân đầu tiên của chúng sinh? Thập nhị nhân duyên có phải là vũ trụ quan hoặc nhân sinh quan Phật giáo không?
- Vô minh là nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên của luân hồi sinh tử, vì là điều kiện phát sinh nên vô minh vừa là nguyên nhân của vòng sinh tử sau, vừa là kết quả của vòng sinh tử trước, nghĩa là vô minh cũng do nhân duyên phát sinh, không nên hiểu vô minh như là Đấng Tạo Hóa.
Cũng đừng gán cho Thập nhị nhân duyên nhãn hiệu vũ trụ quan hay nhân sinh quan. Thập nhị nhân duyên chỉ mô tả trình tự duyên khởi của diễn tiến tâm-sinh-vật-lý do vô minh điều động mà thôi.
Có lẽ chúng ta ai cũng có thể chấp nhận cách giải thích theo truyền thống như đã trình bày ở trên, nhưng bây giờ chúng ta thử tìm hiểu một ý nghĩa khác của Thập nhị nhân duyên, thực tế hơn, gần gủi hơn ngay trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Phật dạy: "Thấy Thập nhị nhân duyên tức thấy pháp, thấy pháp tức là thấy Như Lai". Chúng ta cũng đã biết pháp là thiết thực hiện tại hay thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, tự mình chứng nghiệm từ bên trong.
Nếu thấy được Thập nhị nhân duyên sinh thì chúng ta cũng có thể thấy Thập nhị nhân duyên diệt. Như vậy ngay trong hiện tại chúng ta có thể giác ngộ ra sự thật duyên khởi này, và nhờ đó có thể chấm dứt vòng luân hồi sinh tử ngay tại đây và bây giờ vì pháp là thiết thực hiện tại, vượt khỏi thời gian, có phải vậy không? Ngày xưa, ngay khi Đức Phật thuyết về Thập nhị nhân duyên, có rất nhiều vị giác ngộ ngay lập tức và chấm dứt hoàn toàn vòng luân hồi sinh tử.
Nếu chúng ta có thể thay đổi tiến trình tâm hay chấm dứt ngũ uẩn (bản ngã) ngay bây giờ, thì chính là chúng ta đã chấm dứt vòng duyên khởi tái sinh.
Thập nhị nhân duyên chỉ là triển khai rộng rãi và chi tiết hơn của ngũ uẩn hay tiến trình tâm mà thôi.
Thập Nhị Nhân Duyên và Ngũ Uẩn
Trong quá khứ, nếu thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ sinh khởi trong tình trạng si mê, bất giác, thất niệm, tức là bị vô minh chi phối, thì ái, thủ và hữu cũng phát sinh, đó là hành.
Vô minh và hành trong quá khứ là nhân tái sinh khởi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ trong hiện tại. Từ đó lại phát sinh ái, thủ, hữu.
So với ngũ uẩn chúng ta thấy:
Như vậy ngũ uẩn tương đương với phần hiện tại của Thập nhị nhân duyên. Thực ra chúng ta chỉ cần duyên khởi trong hiện tại từ thức đến hữu tức là chúng ta có thể thấy duyên khởi trong quá khứ. Tuy trong quá khứ chỉ nói vắn tắt là vô minh và hành, nhưng trong thực tế cũng bao gồm từ thức đến hữu như trong hiện tại.
Trong tương lai cũng vậy, từ sinh đến lão tử chính là từ thức đến hữu như trong hiện tại.
Thức khởi sinh rồi đi xuyên suốt qua danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu và cuối cùng thức làm công tác của thức uẩn là ghi lại tiến trình vừa trải qua. (Tương đương đồng sở duyên trong tiến trình tâm của Abhidhamma và A-lại-da của Duy Thức).
Tóm lại phần hiện tại của Thập nhị nhân duyên chính là tiến trình ngũ uẩn vậy.
2. Thập Nhị Nhân Duyên Với Tiến Trình Tâm
Như chúng ta đã biết, một tiến trình tâm trong quá khứ được đồng sở duyên ghi lại và chìm vào hữu phần. Khi có một đối tượng tác động qua 5 môn hoặc qua ý môn thì thức lại hiện khởi. Đó cũng chính là thức trong Thập nhị nhân duyên.
Sau khi thức hiện khởi, tiếp nhận đối tượng thì Javana phản ứng trên đối tượng. Javana chính là ái, thủ, hữu trong Thập nhị nhân duyên.
Trong Thập nhị nhân duyên vai trò của đồng sở duyên được hiểu ngầm, nhưng thật ra nó vẫn có mặt giữa hữu và sinh lão tử.
Để thấy rõ hơn chúng ta thử xem Thập nhị nhân duyên diễn ra theo tiến trình tâm như thế nào?
Giả sử chúng ta đang ngồi đây hoặc đang đi lui tới như thế này trong trình trạng si mê, bất giác, không sáng suốt, thiếu tỉnh thức, nghĩa là chúng ta đang ở trong trạng thái vô minh. Lúc đó tâm chúng ta rất dễ vọng động, vì nó ẩn chứa và sẵn sàng phát sinh các ái đó chính là hành.
Vậy một tâm thức không sáng suốt, dễ vọng động chính là vô minh và hành. Trong điều kiện sẵn có như vậy, nếu có một đối tượng tác động vào, thì thức sẽ khởi lên kết hợp với sắc căn để tiếp nhận đối tượng ấy. Kết hợp đó gọi là danh sắc. Sự kết hợp trong trình trạng như thế không được trong sáng, hỗn độn và bất an. Đó chính là một hỗn hợp thân-tâm không sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay nói một cách khác là thân tâm thiếu điều phục.
Danh - Sắc là từ để gọi chung một tổ hợp thân tâm gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Vì vậy danh-sắc sẽ hiện rõ trong từng căn tùy theo đối tượng trần cảnh mà khởi sinh lục nhập.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về sắc. Ý thuộc về danh. Nếu đối tượng là sắc tướng thì mắt khởi dụng, nếu đối tượng là âm thanh thì tai khởi dụng, v.v...
Mắt khởi dụng có nghĩa là tiếp nhận sắc tướng. Nhưng sự tiếp nhận chỉ thực sự xảy ra khi có sự tham dự của nhãn thức.
Sự kết hợp giữa căn trần và thức gọi là xúc (trong ngũ uẩn gọi là sắc uẩn).
6 căn + 6 trần + 6 thức = xúc
Khi có tiếp xúc của căn-trần-thức thì thọ liền phát sinh.
Trong Thập nhị nhân duyên, thọ vừa đóng vai trò cảm giác, vừa đóng vai trò tri giác.
Sau khi tiếp nhận đối tượng (xúc) với đầy đủ cảm giác (thọ) và tri giác (tưởng), ý chí (tư) bắt đầu phản ứng trên đối tượng. Phản ứng ấy được biểu hiện qua thái độ ưa, ghét (ái), bám víu (thủ), và tạo tác (hữu). Như vậy ái, thủ, hữu chính là hành trong ngũ uẩn và Javana (tốc hành tâm) trong tiến trình tâm.
Ví dụ: khi tai nghe một âm thanh khó chịu, có nghĩa là thức → danh sắc → lục nhập → xúc đưa đến thọ khổ. Thọ khổ đưa đến ghét tức là phi hữu ái. Nếu âm thanh dễ chịu tức là thọ lạc, thọ lạc đưa đến ưa thích - hữu ái. Nếu âm thanh không gây khó chịu hay dễ chịu, tức là thọ xả, đưa đến tâm khởi lên tìm kiếm lạc thọ, đó là dục ái.
Nhưng người ta không đơn giản chỉ ưa hay ghét rồi thôi mà ưa ghét trở thành thành kiến, quan niệm, cố chấp, đam mê, thù hận, v.v... do đó ái đưa đến thủ.
Nếu chúng ta ưa một cái gì thì thành đam mê cái đó. Nếu chúng ta ghét một cái gì thì thành thù hận cái đó. Vậy đối với trần cảnh đam mê hay thù hận chính là dục thủ.
Cố chấp đối với ưa hay ghét đưa đến thành kiến, quan niệm. Ưa thì dễ sinh thường kiến, ghét thì dễ sinh đoạn kiến, rồi chấp chặt quan niệm đó nên gọi là kiến thủ.
Xét cho cùng thì dục thủ hay kiến thủ cũng đều phát xuất từ chấp ngã. Nếu không chấp bản ngã thì lấy ai chấp ưa ghét hay thường đoạn, có phải vậy không? Chấp ngã chính là ngã thủ.
Dục thủ, kiến thủ, ngã thủ đưa đến hình thành những phong cách, những đời sống, những hình thức nghi lễ, những tập tục tín ngưỡng, rồi người ta tự trói buộc vào những quy phạm mà người ta đã đặt ra. Đó là giới cấm thủ.
Nói chung, thủ là chấp trước. Nếu chỉ mới chớm sinh ưa ghét mà chúng ta giác kịp thì cũng chưa sao. Nhưng khi đã cố chấp thì chúng ta liền tạo tác lăng xăng. Tạo tác chính là hữu hay nói cho dễ hiểu là tạo nghiệp.
Do dục ái, hữu ái, phi hữu ái, chúng ta đã tạo nghiệp trong 3 cõi là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
Đến đây chúng ta cần lưu ý một điểm là dù chúng ta đắc các thiền định trong sắc giới hoặc vô sắc giới, thì vẫn do ái-thủ-hữu mà ra (trừ Thánh định). Rất nhiều người ưa thích thiền định vì ham mê năng lực và hỷ lạc của thiền định. Như vậy là bị ái-thủ-hữu chi phối rồi, không thể nào chấm dứt luân hồi sinh tử được.
Đức Phật chỉ dùng thiền định với 2 mục đích chính: một là đoạn trừ các phiền não do 5 triền cái che lấp (Nānākilesappahānam), hai là tồn tâm dưỡng tánh, hay nói một cách khác là nghỉ ngơi trong trạng thái tích cực gọi là hiện tại lạc trú (ditthadham-masukhavihārā). Nhờ tâm an ổn mà trí tuệ soi chiếu đưa đến hoàn toàn giải thoát giác ngộ.
Như vậy, Thập nhị nhân duyên trong hiện tại còn lại 8 điều kiện phát sinh (trừ 2 điều kiện quá khứ và 2 điều kiện tương lai). 8 điều kiện này tương đương với 6 giai đoạn trong tiến trình tâm:
Chúng ta cần lưu ý khi đem so sánh 8 điều kiện hiện tại của Thập nhị nhân duyên với ngũ uẩn, chúng ta thấy đó chỉ là 2 cách diễn đạt khác nhau của cùng một hiện tượng. Nhưng khi đem so sánh 8 điều kiện này với tiến trình tâm thì ta thấy chúng chỉ tương đồng trong tam giới mà thôi. Tiến trình tâm siêu thế (lokuttara) không còn so sánh với Thập nhị nhân duyên sinh được nữa.
Như vậy, Thập nhị nhân duyên sinh chỉ là tiến trình tâm trong tam giới (lokiya). Vì tốc hành tâm có 2 loại: tốc hành tâm siêu thế (lokuttarajavana) và tốc hành tâm trong tam giới (lokiyajavana). Ái, thủ, hữu chính là tốc hành tâm trong tam giới, chứ không phải tốc hành tâm siêu thế.
Trong tiến trình tâm siêu thế, tốc hành tâm không còn ái, thủ, hữu mà được thay bởi Đạo Tuệ và Quả Tuệ. Tuệ tức là minh, khi minh soi chiếu thì Thập nhị nhân duyên diệt.
Vậy tiến trình tâm siêu thế chính là tiến trình Thập nhị nhân duyên diệt:
Thập nhị nhân duyên sinh = tiến trình tâm hiệp thế
Thập nhị nhân duyên diệt = tiến trình tâm siêu thế
Vậy thế nào là Thập nhị nhân duyên diệt?
Giả sử chúng ta đang ngồi đây hay đi lui đi tới như thế này trong tình trạng hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn sáng suốt, không mê muội, biết rõ thân tâm và hoàn toàn an tĩnh, nghĩa là không bị vô minh và hành chi phối. Nếu bây giờ có một đối tượng khởi sinh, chẳng hạn như tai nghe một âm thanh hay mắt thấy một hình sắc, nhờ ở trong trình trạng tự chủ, ổn định (tịnh) và sáng suốt, tỉnh thức (minh) nên thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ đều được soi sáng trong định tuệ. Khi cảm giác và tri giác trong sáng, chính xác, không bị ảo giác, ảo tưởng xen vào thì hành động sẽ không bị chi phối bởi ái, thủ, hữu nữa, và vì vậy sẽ không còn nhân tạo tác sinh-lão-tử trong tương lai. Nghĩa là sinh tử chấm dứt.
***
Vậy Thập nhị nhân duyên diệt vừa có nghĩa là chấm dứt vòng luân hồi sinh tử trong tam giới, mà cũng có nghĩa là chấm dứt sinh tử luân hồi ngay khi sự sống đang vận hành, vì luân hồi sinh tử chỉ là ảo ảnh đối với sự sống đích thực. Nói cho dễ hiểu là ngay khi chúng ta đang nói năng, hành động, suy nghĩ mà vẫn sáng suốt, định tỉnh, trong lành một cách hoàn toàn thì chúng ta đang thoát khỏi sự trói buộc của vòng sinh tử vô minh ái dục.
Trích từ sách "Thực Tại Hiện Tiền" của HT. Viên Minh
Nguồn: budsas.org
Pháp
A Tỳ Đàm - Giác Nguyên - Pháp - Video
Chùa Từ Quang 63 Trần Bình Trọng, P. 1 quận Gò Vấp, ngày 4-3-2017.
Giác Nguyên - Pháp - Video
Giảng tại chùa Siêu Lý, quận 6. HCMC ngày 3-9-2017
Giác Nguyên - Pháp - Video
Giảng tại chùa Siêu Lý, quận 6. HCMC ngày 2-9-2017
Giác Nguyên - Pháp - Video
sư Giác Nguyên |
Bài giảng ngày 2-1-2018 của sư Giác Nguyên
#NhậtKýChépBằngKinh , #SưGiácNguyên
#NhậtKýChépBằngKinh , #SưGiácNguyên
MỤC LỤC
Những nữ đệ tử xuất sắc của Đức Phật (Bài giảng ngày 2-1-2018)Trưởng lão ni nandā
Tỳ kheo ni sonā
Tỳ kheo ni bakulā
Tỳ kheo ni kundalakesā
Bhaddākāpilāni
Bhaddakaccānā
Kisāgotamī
Singālakamātā
Các vị thiện nam xuất sắc của Đức Phật
Tapassu, Bhallikā
Sudatta Anāthapindika
Tản mạn
-ooOoo-
XIV. PHẨM NGƯỜI TỐI THẮNG (tt8)
Trưởng lão ni nandā
“6. Trong các vị nữ đệ tử... tu Thiền, tối thắng là Nandà.”
Thưa quí vị, chiều nay mình học tiếp, cuộc đời của trưởng lão ni Nandā. Trưởng lão ni Nandā là em ruột của ngài Nanda - người em cùng cha khác mẹ với thái tử Tất Đạt - con ruột của Kiều Đàm di mẫu. Nandā là một kiều nữ sắc nước hương trời. Sau khi toàn bộ quí bà mệnh phụ phu nhân hàng đầu của hoàng tộc Thích Ca (trong đó có bà Gotamī, có bà Yasodharā) đi xuất gia hết, thì nàng cũng đi xuất gia. Nhưng vì nàng quá đẹp và có điểm giống như nàng Khemā là xuất thân danh giá và có nhan sắc thiên kiều bá mị nên nàng có cái tôi rất lớn. Nàng đi xuất gia nhưng nàng ngại gặp Đức Phật. Bởi vì nàng nghe kể lại là Đức Phật có những pháp thoại có nội dung về sự bất tịnh của thân xác và hình như trong giáo pháp của Ngài không có chỗ nào trang trọng cho nhan sắc nữ giới nên nàng ngại không muốn gặp Thế Tôn. Nhưng đã là người xuất gia thì cũng có lúc gặp Đức Phật chứ đâu thể tránh hoài được, và Đức Phật xét thấy duyên lành giác ngộ của nàng đến lúc chín muồi nên Ngài dùng cách mà Ngài đã độ cho nàng Khemā.
Khi tỳ kheo ni Nandā đến hầu Ngài thì Ngài dùng thần thông tạo ra một mỹ nữ đứng quạt hầu cho Ngài. Nàng không nghe pháp mà cứ nhìn cô mỹ nữ đó, một lát sau thì cô mỹ nữ đó từ một người trẻ tuổi trong từng phút từng phút trở thành một bà lão cằn cỗi héo tàn. Nàng nhìn mà kinh cảm; nhân đó Đức Thế Tôn thuyết pháp. Trong sự kinh cảm đó, nghe pháp xong là nàng chứng quả La-Hán. Sau khi chứng quả thì nàng có biệt hạnh là thường xuyên nhập định. Phần lớn thời gian trong ngày và trong đời của nàng là nhập định. Nhân sở trường này của nàng, một ngày kia trước mặt đại chúng, Đức Phật đã tuyên dương: “Trong đệ tử tỳ kheo ni của ta, tỳ kheo ni Nandā là vị đệ nhất trong các thiền giả thường xuyên sống trong thiền.” [ ‘Jhānābhiratā’: người thích thú hoan hỷ trong thiền định.]
Đó cũng là một cái hạnh, có người thích hạnh này, có người thích hạnh kia nhưng khi chúng ta ôn kỹ lại biệt hạnh của các bậc thánh tăng ni sẽ thấy tất cả các hạnh đều nằm trong hai trường hợp sau đây: 1.Do phước xưa 2. Do luyện tập nhiều đời.
Do phước xưa:ví dụ đệ nhất tài lộc, kiếp này ngài không cần làm gì hết tự nhiên cũng có; hoặc phước vô bệnh, không cần làm gì hết tự nhiên cơ thể khỏe mạnh khang kiện; hoặc phước được chư thiên ái kính, ngài không làm gì hết, chỉ đi tu hành đắc đạo rồi tự nhiên trở thành nhân vật được chư thiên ái kính.
Do luyện tập nhiều đời:ví dụ đệ nhất trí tuệ, đệ nhất đa văn, đệ nhất đầu đà, đệ nhất thần thông… đều do nỗ lực của đời xưa và cũng phải do đời này nữa.
Trường hợp của nàng Nandā thì cũng phải do luyện tập, nghĩa là sau khi chứng đạo rồi thì nàng phải như thế nào mới được Thế Tôn tuyên dương là Đệ nhất thiền giả, tức là thường xuyên nhập định, nhiều nhất so với các vị tỳ kheo ni khác. Phải nói hình ảnh một vị thánh ni thường xuyên nhập định cũng là một tấm gương sáng cho hậu tấn đời sau thấy rằng không có một pháp nào đáng để cho một người tu hành an trú hơn là thiền định, dù đó là Thiền Chỉ hay Thiền Quán. Bởi vì thế giới này là thế giới của 6 trần, suy đi xét lại không có trần nào đáng để cho mình sống chìm sâu trong đó hết. Bất đắc dĩ, khi chứng rồi mà chưa đến duyên niết-bàn thì phải làm sao, thế là vị đó sống an trú trong cái gì sạch sẽ nhất, an toàn nhất và dễ làm gương sáng cho chúng sanh nhất. Ngoại trừ những vị đi hoằng pháp như Đệ nhất pháp sư, Đệ nhất trì luật, Đệ nhất dàn xếp trú xứ, tăng chúng, Đệ nhất trong việc dàn xếp cư sĩ v.v... thì một vị A-la-hán thường xuyên trú thiền cũng là một kiểu nêu gương cho đời.
^^^
Tỳ kheo ni sonā
“7. Trong các vị nữ đệ tử... tinh cần tinh tấn, tối thắng là Soṇā.”
Cuộc đời về tỳ kheo ni Soṇā là một câu chuyện buồn. Buồn nhưng mà đẹp. Buồn là vì bà xuất thân là một người cũng có chồng có con, cũng có một cuộc đời giàu sang phú quý nhưng rồi đến tuổi già thì con cái sau khi được chia gia tài rồi họ thấy không lý do gì chăm sóc một bà cụ lọm khọm nay bệnh mai đau, người này đẩy cho người kia, người kia đẩy cho người nọ, đẩy qua đẩy lại rồi cuối cùng không ai nuôi bà hết.
Chuyện này cũng không phải là chuyện lạ, thời nay cũng có chứ không phải là không; một đời tuổi trẻ lo cho con, lo cho cháu nội, có người lo cho cả cháu cố nữa cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Tôi là người xuất gia mà nói những điều này giống như chọt cho quí vị “bị cháy nhà” thì không nên, nhưng đang kể tích này thì cũng phải nói luôn.
Cái bậy nhất của mình là không giữ lại cái gì cho mình. Làm phước thì làm phước, lo cho con thì lo cho con, nhưng phải nhớ rằng ngoại trừ Phật pháp, không có một cái gì làm điểm tựa cho chúng ta trong cuộc đời hơn là tiền bạc.
Bởi vì có tiền rồi thì mình nói chuyện được với đủ thứ người. Có người mình chỉ cần một ít tiền là nói chuyện được với họ, có người mình cần nhiều hơn một chút và có người mình cần phải xài một số tiền lớn thì mới dễ nói chuyện; đó là nói theo quan điểm thế gian.
Chứ mình cứ một lòng một dạ tin mình thương con thì con nó sẽ thương mình thì suy nghĩ đó hơi thiếu cơ sở. Vì sao, vì con gái sẽ nghe lời chồng, con trai sẽ nghe lời vợ, mà rể dâu là người dưng. Chưa kể là con mình khi lớn lên sẽ thương con của nó chứ đâu có thương mình.
Chuyện trông đợi con có hiếu thì tôi xin nói trước, đó là sự trông đợi rất mạo hiểm, chỉ 50% thôi. Vì 50% kia là nó dành tâm tư tình cảm công sức cho con của nó chứ không dành cho mình. Trong room này ai có con chí hiếu thì tôi long trọng chúc mừng, chứ tôi nói thiệt, khả năng con thương cha mẹ hơn thương con của nó thì hơi thấp.
Bà Soṇā chưa biết chuyện này, bà giao hết cho con, nên khi bà chỉ còn hai bàn tay trắng thì các cô cậu bèn trở mặt. Trong tuổi già cô đơn quạnh hiu ấy bà chợt nghĩ đến chùa. Bà nghĩ cửa Phật từ bi bao giờ cũng rộng mở cho những cảnh đời cơ nhỡ như mình nên bà vô ni viện xin xuất gia. Thế rồi bà học thêm bài học thứ hai mà bà không có ngờ. Không phải ai trong chùa cũng từ bi. Vô chùa là phải có đại thí chủ gởi gắm, hay phải có thân thế gia đình thì may ra chứ tự nhiên xách bị vô chùa cộng với tuổi già hom hem nhếch nhác thì cũng hơi khó, nhất là khi gặp toàn là phàm phu. Người ta cũng thương tình cho bà tu nhưng đẩy bà vào thế Osin già, cái gì dơ, nặng, mất công, tốn thời gian thì đẩy cho bà. Chỉ chừng đó thôi, còn tất cả đặc ân đặc quyền đặc lợi gì thì không có phần bà.
Một ngày kia các tỳ kheo ni phàm phu được người ta mời đi trai tăng. Lẽ ra với tinh thần lợi hòa đồng quân thì ai cũng được đi hết nhưng họ thấy bà kinh kệ thì không có nên cho ở nhà làm tạp dịch. Trước khi đi họ có dặn: “Tụi này đi trai tăng xong về thì phải có nước nóng để tắm chứ đi xa về mệt khó ngủ trưa lắm.” Họ dặn bà ở nhà xách nước. Ni trẻ thì đông quá mà bà thì chỉ có một cái thân già, xách bao nhiêu cho đủ. Loay hoay làm sao không biết bà té ngã gãy xương chân. Trong lúc gãy xương đau quá, bà lấy cái đau đó làm đề mục niệm xứ và đắc một lèo Lục thông, Bốn trí vô ngại, bà ngồi nhập thiền luôn.
Những tỳ kheo ni kia trai tăng về rồi đi tắm, thấy bà cụ hom hem nhếch nhác ngồi lim dim, xung quanh thì thùng một nơi quang gánh một nẻo, nước bắn tung tóe. Họ trách: “Bà già này nhờ một việc không nên thân còn báo đời báo đạo nữa, một chút xíu nước nóng tắm cũng không có nữa.” Bà nghe như vậy thì chỉ tay ra bồn nước:
“Cần nước sôi thì ngoài đó có kìa.” Bà chỉ tay một cái là ngoài đó đầy ắp nước lạnh để pha và nước nóng khói lên nghi ngút. Họ hết hồn, tưởng bà là phù thủy, là Dạ xoa.
Trong đó có người biết chuyện thì biết bà đắc đạo đắc thiền rồi. Trong vòng ba giây sau thì chuyện đến tai Đức Phật. Đức Phật xác chứng rằng:
“Trong đệ tử của ta, nếu nói Đệ nhất tinh tấn thì phải nói đây chính là người đệ nhất tinh tấn. Tuổi già, nhẫn nhục, chịu đựng, không than trách một lời, trong chừng đó thời gian mà chu toàn bao nhiêu chuyện tạp dịch cho ni viện, không sơ thất tắc trách. Đã vậy ngay trong cơn đau đớn của thân xác lại vẫn lấy đó làm đề mục tu tập thì phải nói là có một không hai. Cho nên xét tiền duyên nguyện cũ của nàng trong kiếp trước, bây giờ ta xác nhận đây là tỳ kheo ni hạng nhất trong đạo của ta về hạnh tinh tấn.”
^^^
Tỳ kheo ni bakulā
“8. Trong các vị nữ đệ tử... thiên nhãn, tối thắng là Sakulā.”
Trong Chú giải chỉ kể vắn tắt, ở đây tôi cũng xin nói thêm. Bà con vào Google gõ mấy chữ “Chú giải Pháp cú”. Xem hai bản dịch, bản dịch của HT Pháp Minh hoặc của Thiền viện Viên Chiếu. Tại sao tôi giới thiệu hai bản dịch này? Đây là hai bản dịch được xem là sáng sủa nhất, giống tiếng Việt cho người Việt nhất, còn các bản dịch khác thì tha hồ có vấn đề. Chẳng hạn như trưa nay tôi đi tìm cho quí vị đọc, chớ bây giờ kể thì nhiều cái lê thê lại có chút phong thần nữa, để quí vị tự xem thì tốt hơn. Tôi không có ngờ là trong đó có một bản dịch động trời như thế này:
“Ông ngoại của Visākhā được xem là ông triệu phú Ram.” Tôi ngạc nhiên, tiếng Việt không ra tiếng Việt, tiếng Pāḷi không ra tiếng Pāḷi, vậy triệu phú Ram là cái gì? Lúc đó tôi mới chợt nhớ ra là ông ngoại của nàng Visākhā tên là Mendaka, Mendaka nghĩa là con cừu, trong bản tiếng Anh là Ram. Không biết vì sao người ta không dịch mà lại kêu ổng là triệu phú Ram. Tôi… đuối luôn. Trường hợp này quí vị mà gặp đừng có lạ. Sẵn ở đây tôi cũng cho quí vị biết luôn là trên internet có những bản dịch rất là thú vị, ví dụ chữ ‘Dhamma’ (pháp) họ dịch là ‘nước Pháp’; ‘Guna’ (ân đức) họ dịch là ‘Germany’. Nếu quí vị muốn thưởng thức những bản kinh này thì không khó, cứ lấy hai hàng: “dhamma france / guna germany” bỏ vào Google thì nó sẽ dắt quí vị tới một trang blog rất là thú vị. Tôi tình cờ gặp mà giựt mình. Internet đúng hệt như lời của cụ Nguyễn Du, “Trăm năm … Google”, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có hết. Vì vậy chúng tôi xin nghiêm cẩn đề nghị chỉ chú ý đến hai bản dịch, của HT Pháp Minh và của Thiền viện Viên Chiếu. Đây là hai bản dịch ok, thấy hay nên chúng tôi giới thiệu. Tôi nôn nóng trông đi qua phần giáo lý mới hấp dẫn chứ phần kể chuyện này thì bà con có thể lục tìm đọc được.
Nàng Bakulā này cũng có một trăm ngàn đại kiếp tu tập ba-la-mật, đến đời Đức Phật của mình thì nàng sanh làm cô tiểu thư rồi đi xuất gia, chứng Lục thông, chỉ vậy thôi. Lục thông gồm có thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông, biến hóa thông, lậu tận thông. Nói đến Lục thông thì La-Hán nào cũng có khả năng giống nhau nhưng sở dĩ nói là Đệ nhất bởi vì hai lý do: 1.Vị đó chuyên sống trong đó. 2.Khả năng này không ai bì được. Trong kinh chỉ kể vắn tắt là bà Bakulā chứng Lục thông rồi thì cũng như các vị La-Hán, nhưng sở trường của bà là có thể thấy xa, thấy nhiều và thấy nhanh hơn những vị khác.
Vì sao có chuyện thấy nhanh? Theo Chú giải, ví dụ như Túc mạng minh, vị nào kém thì thấy theo kiểu dò giống như xách đèn dầu đi từng bước từng bước mà rọi, “đây là hoa lý hoa ngâu, không bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng”, còn thấy nhiều thấy nhanh thì giống như rọi đèn pin. Ngài Anuruddha đệ nhất thiên nhãn, có thể nhìn thấy vô số (vô số tức là nhiều chứ không phải vô lượng vô biên như chư Phật) hệ mặt trời với tốc độ rất nhanh, cần là thấy. Ví dụ như ngài muốn biết chuyện này ngoài nơi đây thì nó có thể có ở vũ trụ thế giới khác hay không, là trong tích tắc ngài thấy ngay một cách tường tận.
Trong các biệt hạnh thánh nhân của các đệ tử Thanh văn của Đức Phật, tôi mê đệ nhất trí tuệ, đệ nhất thiên nhãn, đệ nhất luận nghĩa, đệ nhất vô bịnh. Dĩ nhiên đâu có vị nào “gồm thâu lục quốc” đâu nên mỗi vị chỉ được có một thứ.
^^^
Tỳ kheo ni kundalakesā
“9. Trong các vị nữ đệ tử... có thắng trí mau lẹ, tối thắng là Bhaddā Kundalakesā.”
‘Kesā’: tóc; ‘Kuṇḍala’: xoắn, uốn cong; ‘Kundalakesā’: nàng tóc xoăn. Giống như Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng vậy.
Bà cũng có 100 ngàn đại kiếp huân tu ba-la-mật với hạnh nguyện trở thành đệ nhất tốc chứng như ngài Bāhiya bên tăng. Nghĩa là không cần nghe nhiều, chỉ cần nghe sơ qua một phát là chứng.
Có bốn hạng người trong Phật pháp: (1) Ugghatitaññu: Nghe một câu đã chứng. (2) Vipañcitaññu: Nghe hết một pháp thoại đầy đủ mới chứng. (3) Neyyo: Phải được hướng dẫn hành trì từng bước mới chứng. (4) Padaparamo: Giỏi lắm cũng chỉ là một pháp sư Tam tạng. (Pada: từ chương, chữ nghĩa; paramo: maximum.)
Hạng (1) Ugghatitaññu (nghe một câu đã chứng) chia ra nhiều cấp. Có vị nghe xong thì đắc một lèo lên tới La-Hán, hoặc đắc từng bậc Sơ, Nhị, Tam, Tứ quả. Có người đắc chậm vì thiếu trí, có người đắc chậm vì quá nhiều trí như vua đi đâu phải chuẩn bị nhiều hơn một người nghèo (đây là kinh nói chứ không phải tôi nói). Người nghèo thì một ba lô, một chai nước, một nắm cơm vắt muối mè; hoặc nếu như ở bên Tây thì một khúc bánh mì, một trái táo, một chai nước suối là xong. Còn nếu mình là một triệu phú thì khi đi đâu thì nào là vệ sĩ, ôsin, thú nuôi, thú cưng…; vali hành lý thì vài chục, cồng kềnh rườm rà lắm. Trong Chú giải Pháp Cú nói Ngài Xá Lợi Phất nghe một câu là đắc liền vì ngài là người nhanh trí, nhưng mất hai tuần sau ngài mới chứng La-Hán, sự chậm này là do ngài nhiều trí.
Sau một trăm ngàn đại kiếp tu hành, đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nàng Kundalakesā cũng có đầy đủ phước báo nên sanh ra trong một gia đình giàu sang phú quí. Tôi chỉ kể vắn tắt thôi. Nàng đẹp người đẹp nết, con nhà giàu, đủ điều kiện để lấy chồng công hầu khanh tướng. Nhưng một ngày kia nàng đang đứng trên lầu cao nhìn xuống thì thấy người ta đang dẫn ra pháp trường để chém đầu một tên cướp “râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao” giống như Từ Hải. Y như Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến giăng bẫy. Nàng thấy hình tướng của ‘Từ Hải’ này là chịu không nổi, cái tình của kiếp xưa mà. Thế là nàng chạy xuống năn nỉ ỉ ôi với cha già bằng mọi giá “đi cửa sau” với nhà chức trách để thả người này ra, tức là bỏ tiền ra mua mạng.
Từ một người chân trong chân ngoài nơi quỷ môn quan tự nhiên bây giờ được một giai nhân kiều diễm cưới làm chồng, được tắm rửa sạch sẽ ăn mặc bảnh bao sang trọng thơm tho, cái này không phải chuột sa hũ nếp mà là vựa nếp, lại là nếp một đó. Trời khiến như vậy đó quí vị biết không. Tôi nói điều này chắc quí vị ngạc nhiên khi thấy tôi không nghiên cứu kinh điển kinh điển mà lại đọc báo chí làm chi chớ thỉnh thoảng tôi đọc báo chí tôi thấy có nhiều người y chang như anh chàng này. Có được một người yêu giàu đẹp, trí thức trong khi mình là một cái thằng thất học lưu manh xăm trổ đầy người tự nhiên một ngày đẹp trời được người ta để mắt; vậy mà nghĩ làm sao không biết, trong một lần ân ái đè người ta ra bóp cổ chết để lấy đi có vài triệu. Chuyện vậy mà xảy ra thường ngày ở VN, đúng là khiến. (Tôi nghe mà tức, bây giờ có một thí chủ cư sĩ nào đem tôi về nuôi kêu tôi giảng kinh là tôi giảng, kêu tôi nín giảng là tôi nín giảng, không dám nhúc nhích. Mà giảng kinh đó nghen, kêu giảng là giảng, kêu dẹp là dẹp.)
Anh này y chang như vậy, cái phước tới đó là hết rồi, không còn phước để hưởng nữa. Lấy được người con gái đẹp như vậy, ngon lành như vậy mà anh ta không cam tâm, muốn trở lại cuộc đời bay nhảy, cho nên anh ta dụ nàng lên trên núi và nói rằng ngày xưa trong lúc bị kêu án tử anh ta có khấn với linh thần nếu thoát chết nạn này thì anh ta sẽ có một lần đi trả lễ. [‘Balikamma’: lễ cúng.]
Tôi đọc mà tiếc hùi hụi. Nàng thương quá rồi nàng cũng gật đầu. Hai người sắm sửa lễ phẩm một mâm hoành tráng đem lên núi chỗ mà anh ta đã lựa chọn chắc ăn rồi. Lên đến nơi anh ta nói thiệt: “Anh không có hứa với thần thánh nào cả, anh không thể sống với em được nữa mà anh cũng không thể nào để em sống.” Nàng nghe như vậy thì thấy thua rồi. Nàng nói: “Ok, một ngày vợ chồng nghìn năm ân nghĩa, trước khi giết em để tạ lễ thần lễ thánh gì đó thì anh cho em lạy để tạ từ.”Anh ta nghe vậy lim dim khoái, thế là nàng đẩy một cái anh ta rơi từ trên đỉnh núi xuống vực. Nàng cũng hơi có cái lưu manh một chút nhưng không xài cái gan sao thoát được kẻ gian. Khổng Tử có nói lòng hại người thì không nên có nhưng lòng đề phòng thì không nên không.
Giết xong rồi thì nàng nghĩ bụng, ‘‘na sakkā mayā iminā niyāmena puna gehaṃ gantuṃ, itova gantvā ekaṃ pabbajjaṃ pabbajissāmī’’ti – phận đời trớ trêu, tình đã tan, tim đã nát, trong tình huống này mặt mũi nào về, rồi ăn nói làm sao với bố mẹ. Ngày xưa thì lạy lục van xin cầu khẩn gia đình đi chuộc thằng trời ơi đó về, bây giờ về nói làm sao, cộng với trái tim đã tan nát. Đá nát vàng phai thì còn gì để mà sống ngoài đời nữa. Nàng quyết định đi tu. Do huệ căn rất nhiều đời nên sau khi đi xuất gia nàng vô trong đạo này học ba mớ thấy dở ẹc bỏ qua đạo nọ. Sau thời gian truân chuyên trôi nổi nhiều tông phái thì nàng đã học được tất cả bí kíp kinh điển mật ngôn của các bộ phái và cuối cùng trở thành đệ nhất biện sĩ, giỏi lắm.
Bên châu Âu thời Trung Cổ khi có vấn đề giữa đàn ông với nhau người ta giải quyết bằng đấu kiếm, còn bên Ấn Độ thì có điểm đặc biệt phổ biến này: những ai dầu là tu sĩ hay người đời mà xét thấy cần có một cuộc thách đấu về trí tuệ, về biện tài thì cứ công khai thách đấu, sẽ có người tìm đến với mình, chẳng hạn như bố mẹ của Saccaka biện sĩ cũng là hai người tài, ngày nọ họ thách đấu với nhau rồi cảm mến nhau, rồi lấy nhau sanh ra Saccaka “miệng lằn lưỡi mối” đó. Nàng Kundalakesā cũng thách đấu, hình thức thách đấu rất là dễ thương: tự mình vun một đống cát rồi cắm lên đó lấy một nhánh cây. Trừ con nít, ai nhổ nhánh cây đó là chấp nhận lời thách đấu. Bữa đó ngài Xá Lợi Phất đi bát gần đó, ngài hỏi mấy đứa bé: “Cái này là có người ghim phải không, ai ghim vậy.” Lũ trẻ trả lời: “Cây này là của một bà rất giỏi”. Ngài nói: “Nhổ giùm ta đi. Nếu người ghim hỏi ai nhổ thì cứ nói là tôn giả Xá Lợi Phất đang ở đó, ở đó…”
Chúng ta biết rồi, ngài Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ, lại bốn trí vô ngại nữa nên khi nàng tìm đến ngài để tranh biện thì nàng bái phục ngài và đi xuất gia. Ngài hỏi nàng một câu thôi: “Không ai sống ở đời lại không nhắc đến mấy con số, nhưng con số 1, 2, 3… quan trọng nhất phải biết là gì?”
Không ai sống trên đời này mà không nhắc đến những con số, dù là mù chữ họ cũng phải nhắc, ví dụ 1 đồng, 2 đồng, 1 xu, 2 xu, 1 ngôi nhà, 1 con sông, 5 quả đồi, 8 ngọn núi v.v..., vậy con số 1 quan trọng nhất là gì, số 2 quan trọng nhất là gì, số 3 quan trọng nhất là gì nàng biết không. Dĩ nhiên nàng làm sao biết được. Bởi vì trong kinh nói Ngài dạy rằng, ai sống ở đời cũng phải nhắc đến những con số, nhưng có những con số mình biết vô lượng kiếp mà mình vẫn chây lì ra đó làm kẻ phàm phu sinh tử trong biển đời bát ngát bao la. Nhưng có những con số mà mình biết rồi thì quãng đường sinh tử tự dưng rút ngắn lại. Những con số đó là cái gì?
‘Ekanamakim’, con số 1 quan trọng nhất chính là muôn loài sống nhờ Thực phẩm. Số 2 quan trọng nhất là Danh và Sắc,… cứ như vậy. Nói chung, mình biết được những con số này thì mới dẫn đến giải thoát chứ dù có là tiến sĩ toán học, tiến sĩ vật lý, tiến sĩ hóa học, biết bao nhiêu con số, bao nhiêu bảng phân loại tuần hoàn đi nữa thì không có con số nào quan trọng hơn mấy con số này hết.
Nàng Kundalakesā nghe vậy thấy lạ quá, từ đó đến giờ chưa bao giờ được nghe. Nhất là khi nàng được hiểu câu đầu tiên mà ngay cả Phật tử VN mang tiếng mấy chục năm học đạo vẫn không bao giờ chịu hiểu câu đầu tiên này: “Muôn loài sống nhờ thực phẩm”. Tôi nhớ đã giải thích câu này rồi, câu này là nội dung của toàn bộ Phật pháp. Tức là, pháp thiện là thực phẩm cho người thiện, nhờ có pháp thiện mình mới có nhan sắc, có sức khỏe, có trí tuệ. Pháp bất thiện cũng là thực phẩm, nhờ pháp bất thiện mình mới có thời gian ở địa ngục, mới có lửa địa ngục để mình xài, mới có nỗi khổ niềm đau, mới có sự đói lạnh, thương thích, ghét sợ… của loài đọa xứ chứ. Nói chung mọi thứ trên đời này đều có nguồn năng lượng hỗ trợ, nguồn năng lượng hỗ trợ đó là thực phẩm. Vấn đề là chúng ta là loại chúng sanh nào, sống bằng loại thực phẩm nào, và loại thực phẩm đó sau đó biến ta thành loại gì tiếp theo. Như vậy thì toàn bộ Phật pháp chỉ là vấn đề thực phẩm thôi. Hôm nay hoặc từng bữa đầu tuần, đầu ngày bà con vào room nghe chúng tôi nói chuyện cũng là đang ăn đó, còn ăn bằng tâm trạng gì, bằng hệ thống tuần hoàn tiêu hóa hô hấp ra sao thì đó là chuyện của quí vị. Một lần đọc sách, một lần nghe ai đó nói chuyện là một lần mình đang nạp thực phẩm, nạp dưỡng tố vào đời sống của mình. Muôn loài sống nhờ thực phẩm, từ đất đá, cây cỏ, con ong cái kiến cho đến Ngọc hoàng thượng đế, Thái Thượng lão quân, Đại phạm thiên, Ác Ma thiên tử, Đế thích, Chuyển Luân Vương, Càn-thát-bà, Cưu-bàn-trà, Kim-xí-điểu v.v... tất thảy đều sống trong hỗ trợ của nghiệp thiện nghiệp ác, tất cả đều nằm trong bốn loại thực phẩm. Ở đây ngài chỉ nói gọn muôn loài đều sống nhờ thực phẩm, chỉ một kiểu thực phẩm này thôi là bao gồm nhất thiết càn khôn sum la vạn tượng.
Nàng Kundalakesā nghe thích quá, xin xuất gia và về sau trong một dịp trước mặt đại chúng Đức Thế Tôn xác nhận rằng: “Trong đệ tử của ta không có một tỳ kheo ni nào có khả năng chứng đắc nhanh như vậy.” Đó là chuyện đời vừa đẹp vừa buồn của nàng Kundalakesā.
^^^
Bhaddākāpilāni
“10. Trong các vị nữ đệ tử... nhớ đến các thời quá khứ, tối thắng là Bhaddā Kapilānī.”
Bhaddākāpilānī là Đệ nhất Túc mạng minh, giống như ngài Sobhita bên Tăng. Tín nữ nên xem Bhaddākāpilānī là một trong ba hình mẫu để chọn lựa: 1. Quên đi phái tính, vùi đầu để tu. 2. Cùng nắm tay với một vị Bồ tát để chung lo đại sự. 3. Chọn một người như bạn đời hoặc bạn đường.
1. Quên đi phái tính, vùi đầu để tu.
Lạnh lùng băng giá, quên đi phái tính chỉ biết cắm đầu vun bồi thiện pháp, cắm đầu vùi mặt tu hành để nếu đủ duyên thì thành nam cho vui với người ta, cạo râu lần cuối trước khi niết-bàn, bằng không thì chứng đạo ngay trong thân nữ, vẫy tay giã biệt trầm luân.
2. Cùng nắm tay với một vị Bồ tát để chung lo đại sự.
Như bà Yasodharā, bên cạnh tình riêng đối với Bồ tát, bà có tấm lòng của một người nghĩ đến vạn loại hữu tình trong ba cõi mười phương. Cực lắm, chứ nếu chỉ là nhi nữ thường tình thì không đủ cái gan mà đi suốt con đường của bà Yasodharā đâu thưa quí vị. Tôi nghĩ, mỗi lần nhắc tới bà Yasodharā thì mình chỉ nên có một động tác là chắp tay cúi đầu quỳ lạy mà thôi. Bà đã tu 4 a-tăng-kỳ thì lâu gấp đôi Phật Độc Giác, gấp bốn ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất, không lạnh xương sống sao được, mà trong chừng đó thời gian chỉ làm một việc là hỗ trợ cho người khác thành Phật, còn bản thân thì vẫn đứng bên lề lịch sử. Đây mới đúng là tâm tư của một vị đệ nhất anh thư.
3. Chọn một người như bạn đời hoặc bạn đường
Đi một mình thì quạnh hiu, thôi thì hãy chọn lấy một người, lúc thì coi nhau như bạn đời khi thì coi nhau như bạn đường. Có nhiều người bắt họ làm nam thì họ cũng còn tiếc một thỏi son nhưng họ cũng đã vượt khỏi cái tầm nhi nữ thường tình lâu rồi. Họ đã sống bằng cái tâm hồn của nam tử hán đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất, chỉ có điều trong một góc sâu thẳm nơi đáy tim, họ cũng thèm một bờ vai, một vòng tay đủ mạnh đủ ấm để tựa. Đó là ai? Chính là Bhaddākāpilāni mà mình đang học đây. Suốt cả trăm ngàn đại kiếp, nàng chỉ thương có một người thôi, đó là ngài Mahā Kassapa. Tam thiên đại thiên thế giới này trong mắt của nàng chỉ có một bóng tùng quân là con người đó thôi. Hễ gặp nhau, ngài làm vua thì nàng làm hoàng hậu; ngài là chủ nhà thì nàng là nội tướng phu nhân. Mà điều đặc biệt là hễ ngài Mahā Kassapa vào rừng tu thì nàng cũng lò dò đi theo sau. Ngài Mahā Kassapa đắc thiền thì nàng cũng lập tức đắc thiền (vụ này tôi cũng xin ngã mũ ngàn lần vì vụ này hơi khó). Mình thương người ta, mình đi theo người ta học hạnh lành bố thí, trì giới, phục vụ, hồi hướng, thính pháp, nghe pháp, những cái đó thì coi bộ được. Nhưng cái vụ người ta đắc thiền mình bèn đắc theo, người ta bỏ nhà mình bèn bỏ theo, người ta lên rừng mình bèn lên theo thì tôi chỉ thấy có nam thôi. Vậy mà nữ có người làm đặng. Ấy chính là bà Bhaddākāpilānī của chúng ta, nhiều và rất nhiều kiếp.
Giống như bà Yasodharā, ai cũng tưởng bà đối với Bồ tát chắc tình cảm ái ân tràn trề. Nhưng không phải đâu, thương lắm nhưng (lúc người ta đến xin bà Yasodharā) Bồ tát chỉ cần cầm tay nàng mà nói "Người ta cần nàng, ta cần Phật đạo, giúp ta một lần đi" thì nàng gạt nước mắt mà ra đi. Khi ngài nói như vậy thì đại địa chấn động, cả tam thiên đại thiên thế giới rung lắc, chịu không nổi! Nhiều lần và rất nhiều lần như vậy.
Đến lúc sắp niết-bàn, bà có kể lại chuyện đó: "Ngày xưa bao nhiêu kiếp đi theo Thế Tôn, Thế Tôn cho nhà, cho đất, cho cả nam nô nữ lệ, cho hết, cái gì con cũng chịu. Cuối cùng ngài đem mấy đứa con của mình cho luôn, con gạt lệ mà chia tay không dám nửa lời trách móc. Và khi không còn vật sở hữu gì để cho, không còn người để cho, ngài bèn đem cả con mà cho luôn, con vẫn lạy tạ ngài con đi". Khiếp như vậy!
Ở đây bà Bhaddākāpilānī thì chưa tới mức đó nhưng hễ có ngài Mahā Kassapa ở đâu thì nàng ở đó, ngài đắc thiền thì nàng đắc theo, ngài về Phạm thiên nàng về theo. Ở cõi Phạm thiên thì lìa dục ái và sân, lên trên đó không còn nam nữ nữa, hết trên đó rồi trở xuống. Ai ở trên Phạm thiên mới xuống thì không còn cảm giác trong tình cảm nam nữ nữa, trong chuyện hưởng thụ 5 trần thì tê lưỡi và nghẹt mũi. Nàng cũng vậy, nhưng mà thương thì cứ thương. Đây là thứ tình cảm lạ lùng lắm. Thương người ta thì phải hỗ trợ người ta chứ không phải thương mà kéo người ta xuống sình. Muốn thương Từ Hải phải cỡ Kiều; cỡ Loan mới thương Dũng; cỡ Trương Quỳnh Như mới thương Phạm Thái được.
Chuyện này tôi đã kể rồi, nhưng nãy giờ tôi cố ý kể nhiều vì tôi muốn nhấn mạnh một chuyện mà không mấy khi có dịp kể, đó là mang thân nữ phải là nữ cỡ nào cho đáng! Để làm chi? Để có thể gặp những bóng tùng quân có ‘số má’ trong Tam giới. Và ngược lại nam cũng vậy, nam cũng phải nam cỡ nào để được cỡ này nương dựa; còn nếu không được ai dựa thì một mình trong trời đất cũng sung sướng.
Sau nhiều kiếp, đến kiếp cuối cùng nàng là một triệu phú tiểu thư, còn chàng là một thiếu gia triệu phú. Gia tư không phải “thường thường bậc trung” mà là bậc thượng, giàu lắm. Trang trại của ngài Mahā Kassapa rộng đến mức không tài nào đi bộ được mà phải cưỡi ngựa. Ngày ngày ngài cưỡi ngựa một vòng, dòm ngó bảo ban người làm một chút rồi đi chớ không thể nào đi bộ được. Nhiều lần những buổi trưa nắng chang chang ngài cưỡi ngựa vô thăm trang trại thấy mấy con trùn, con dế nóng quá nhảy ra ngoài đất, những con chim sẻ nhỏ xuống bắt ăn, những con chim lớn rượt giành mồi của mấy con chim nhỏ. Những nông phu, gia nhân, mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng như lửa thiêu. Bản thân ngài tuy là quần là áo lụa nhưng cũng nóng nực, ngay cả con ngựa cũng khó chịu. Thấy tất cả những điều đó, ngài nghĩ: “Luân hồi sao ngán quá, mình là công tử mà còn chịu không nổi; đời nào cũng sanh ra như vậy làm sao chịu nổi.”
Ngài thì nghĩ như vậy đó, còn chúng ta thì sao? Trưa nắng thì mặc trưa nắng, miễn có tiền để mình đếm là thỏa mãn rồi. Ngài thì không, ngài chán cuộc sống như vậy quá mà gia đình thì ép ngài lấy vợ. Ngài thuê thợ làm một tượng nữ nhân thật đẹp bằng vàng. Ngài nói chỉ lấy vợ nếu có người nào đẹp như vậy. Ngài nghĩ đẹp như vậy thì không thể nào có. Không ngờ gia đình cũng tìm ra được một người như vậy. Và dĩ nhiên người thiệt còn đẹp sống động hơn tượng nữa. Trong ngày rước dâu, hai người lén gửi thư cho nhau, đều nói cười là theo lệnh của gia đình cho cha mẹ vui chứ không ái ân gì cả vì nản lắm rồi. Đêm hợp cẩn thì mỗi người riêng một góc giường. Sau đó cả hai người đi tu với lời hẹn ai tìm được đạo bất tử trước thì sẽ về tìm người còn lại.
Ngài Mahā Kassapa gặp Đức Phật trước. Ngài đi xuất gia và sau đó ngài mới gặp lại nàng Bhaddākāpilāni. Và nàng cũng chứng quả A-la-hán, được Đức Phật xác nhận là Đệ nhất Túc mạng minh. Nghĩa là một đêm như vậy nàng có thể nhớ hàng trăm đại kiếp, nhớ nhanh, nhớ nhiều, nhớ giỏi và thường xuyên sống trong những lần nhập định để sử dụng Túc mạng minh nhiều hơn những vị khác (khả năng, biệt tài đó tiếng Pāḷi gọi là ‘ciṇṇavasī’).
^^^
Bhaddakaccānā
“11.Trong các vị nữ đệ tử... đã chứng đạt đại thắng trí, tối thắng là Bhaddā Kaccānā.”
Bhaddā Kaccānā chính là bà Yasodharā. Bà có nhiều tên gọi: Bhaddā Kaccānā, Bimba, Rāhulamātā (mẹ của Rāhula), Yasodharā. Liếc vào Chú giải thì thấy ngắn ngủn. Tại sao ngắn? Vì bà là một nhân vật quá nổi tiếng, cuộc đời của bà không cần kể nhiều, hễ kể về cuộc đời Đức Phật thì phải kể về bà. Vì vậy bao nhiêu chi tiết lớn nhỏ về bà thì chúng ta đọc thấy trong Phật sử hết rồi. Ở đây chỉ kể vắn tắt thôi. Nói đến bà là nói đến hai sự kiện:
1- Bốn a-tăng-kỳ trước bà đã quỳ trước mặt Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) nguyện trở thành người hộ pháp cho Bồ tát Sumedha, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
2- Sự kiện thứ hai quan trọng trong cuộc đời sinh tử của bà đó là cách đây một trăm ngàn đại kiếp bà đã quỳ trước Đức Phật Padumuttara và nguyện trở thành vị tỳ kheo ni Đệ nhất thắng trí (ngũ thông nói chung). Nghĩa là ngũ thông của bà không ai bì được trong hàng ni. Nên bên ni thì có những vị đệ nhất Túc mạng minh, đệ nhất thiên nhãn, nhưng tròn trịa cả 5 như bà thì không.
Tại sao không phải Lục thông? Bởi vì thông thứ 6 là Lậu tận thông, thông này chính là quả vị La-Hán. Có nhiều loại La-Hán: La hán 3 thông (Tam minh), La hán lục thông (có ngũ thông), La-Hán nhất thông chỉ hết phiền não, không có thần thông gì cả. Còn những trường hợp nữa, trong kinh nói rõ có nhiều vị có đắc thần thông nhưng do tiền nghiệp vị đó không đủ ngũ thông, ví dụ ông Sunakkhatta, ông chỉ có được tha tâm thông, nhãn thông, nhưng không được thiên nhĩ thông.
Trong đây có kể mỗi vị Chánh Đẳng Giác có bốn vị đệ tử nhớ hơn một a-tăng-kỳ. Ở đây gồm có hai vị thượng thủ Thanh văn, bà Yasodharā, ngài Bakkula, tổng cộng là bốn vị nhớ 1 a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp tiền thân. (Ekassa hi buddhassa cattārova janā mahābhiññā honti, na avasesasāvakā. Avasesasāvakā hi kappasatasahassameva anussarituṃ sakkonti, na tato paraṃ. Mahābhiññāppattā pana kappasatasahassādhikaṃ asaṅkhyeyyaṃ anussaranti. Amhākampi satthu sāsane dve aggasāvakā bākulatthero bhaddā kaccānāti ime cattāro ettakaṃ anussarituṃ sakkhiṃsu.)
Bà đã rất nhiều kiếp phò trì hỗ trợ Bồ tát. Bồ tát tu hành thì bà nấu cơm, quét nhà, giặt giũ chăn đệm mùng mền, nhiều kiếp phải có một nội tướng như bà thì Bồ tát mới yên tâm làm việc tu hành ba-la-mật. Đặc biệt là bà không có léo nhéo phiền trách vì bà tin ngài làm đúng. Phải nói là không dễ tìm một người phụ nữ chia sẻ lý tưởng với người đàn ông đâu quí vị. Có nhiều bà mới đầu chí lớn cùng chồng đi hoạt động cách mạng bôn ba làm quốc sự chính khách, nhưng tới hồi có chút của ăn của để, có chút tiếng tăm thì lo đi đánh ghen. Ngày xưa như chúng ta thấy ông Tôn Dật Tiên cưới bà Tống Khánh Linh Mỹ Linh thì lấy Tượng Giới Thạch, nhưng nhắm có xứng đáng hay không. Một người đàn bà như bà Yasodharā khó kiếm lắm, đầu gối tay ắp thì dễ nhưng chia sẻ chuyện lớn thì khó. Phải là người “chuyện lớn chia sẻ, chuyện nhỏ cảm thông”, lỡ có ai đầu mày cuối mắt vì chồng mình thì bà cũng tỉnh bơ vì bà hiểu ngài mà, có một chút sa cơ mềm lòng cũng là chuyện nhỏ thôi. Còn chúng ta thì không có khả năng này, nam thì không đáng mặt anh hào mà nữ thì không đáng mặt anh thư nên cứ ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Tôi có biết một cô Phật tử, đã có chồng, cũng trọng tuổi, cổ coi phim cuộc đời Đức Phật do Ấn Độ đóng, tôi nghe cổ nói mà không biết nên khóc hay nên cười. Cổ nói: “Trời đất ơi, con nhìn con thấy cái ông diễn viên đóng Bồ tát Tất Đạt đẹp trai quá trời mà bà Yasodharā cũng đẹp quá cỡ, tự nhiên con nghĩ những cặp như vậy mới nên xáp vô chứ sao con thấy mình bây giờ toàn cào cào với châu chấu không, con muốn hết lấy chồng luôn.” Mình nhìn thấy ngài Mahā Kassapa với nàng Bhaddā Kāpilānī thiệt là đẹp đôi, Bồ tát Tất Đạt với bà Yasodharā thiệt là đẹp đôi, nếu tìm không ra thì sống một mình chứ đừng ráp sai nồi lộn nắp thì khó lòng lắm. Học cuộc đời của bậc thánh không phải học để cho vui mà để mình gẫm lại. Tôi phải làm sao để bản thân tôi xứng với người khác và người đến với tôi cũng phải xứng với tôi.
Tôi sẽ là một con người như thế nào để có thể có những người bạn đường và bạn đời thật ngon lành. Nếu mình là người nam thì mình phải là người bạn trai xứng đáng với những người vợ, người bạn gái thật xuất sắc. Nếu mình là người nữ thì mình phải trang bị làm sao để cho người ghé mắt nhìn mình dù hạng bét cũng phải là Từ Hải. Chứ còn thứ Mã Giám Sinh hay Sở Khanh thì uổng đời quá.
^^^
Kisāgotamī
“12. Trong các vị nữ đệ tử... mang thô y, tối thắng là Kisāgotamī” [‘Kisā’: ốm o gầy mòn.]
Có nhiều huyền thoại kể về nàng Kisāgotamī. Nàng vốn sinh ra mang phận gái nhà nghèo. Cách đây 100 ngàn đại kiếp thì cũng tu hành cũng phát nguyện lung tung như người ta, nhưng sau nhiều đời sinh tử, kiếp chót cuối cùng khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời hoằng hóa độ sanh thì nàng lại sanh vào trong một gia đình nghèo khổ, thân hình ốm nhách. Nhưng tại sao nàng lại lấy được chồng đại gia?
Có ông chủ một tiệm vàng to đùng, một buổi sáng nọ mở cửa dọn hàng ông phát hiện ra tất cả bán vàng thoi bạc nén của ông đều thành than hết, một loại than nấu bếp. Tôi tổng hợp lại rồi kể chứ trong Chú giải nói chỗ có chỗ không. Thấy ông kêu trời, có người mách cho ông như thế này:
- Chuyện này không phải tự nhiên đâu, chuyện này là chuyện lạ đó. Ông cứ để vầy đừng dọn. Khi nào có người có phước tới thì tự nhiên mọi sự trở lại như cũ.
Một hai ngày sau thì một người con gái là Kisāgotamī đi ngang, thấy đống than liền cầm lên nói: “Vàng bạc ai đổ đống như thế này như than đốt lò là sao?”
Ông nghe thấy hết hồn nói: “Than chứ đâu phải vàng!”
Nàng nói: “Đây là vàng sao ông nói than đốt lò, ông bị bệnh hả?” Phần nào nàng cầm lên thì thành vàng hết. Ông biết đây là người đặc biệt, không thể xa người này được. Thương thì không phải thương nhưng cần thì rất là cần. Đây là một bài học! Trên đời có những món, có những người, thương thì mình không thương, thích thì mình không thích, nhưng cần thì cũng phải chịu. Nói ra hơi bạc nhưng sự thật là như vậy. Có nhiều món mình không thích ăn, có món ngon mà không lành, có món lành mà không ngon. Về VN có nhiều món rất ngon nhưng mình yên tâm là nó không lành. Bên cạnh đó về quê thì có nhiều món ăn rất lành như rau bình bát, rau tập tàng, bông thiên lý, nhãn lồng mọc ở bờ rào bụi chuối bờ ao, không ngon gì nhưng ăn thì lành. Trong quan điểm nhân sinh, trong tình người, hay trong chuyện sở hữu tài sản cũng y chang như vậy, có người thì thấy không ngon nhưng lành, không lành nhưng ngon. Ông thấy nàng trông không bắt mắt nhưng thấy cần cho mình nên ông cưới. Cưới nhưng nhà chồng coi rẻ thân thế của nàng lắm. Một ngày kia khi nàng có một đứa con, cả dòng họ bu lại thờ nàng như thờ nữ thần. Bởi vì nàng là người có phước thì họ thấy rồi, nhưng xấu quá. Bây giờ thêm đứa con trai đích tôn nữa thì nàng muốn trời mưa có mưa, muốn trời nắng có nắng. Xui cho nàng, đứa con chưa được một hai tuổi gì đó thì nó lăn ra chết.
Quí vị tưởng tượng đi, một người con gái “sanh ra trời bắt xấu”, không nhan sắc, do một chút may mắn mà bước chân vào cửa hào môn, sâu tợ bể, để rồi bây giờ trong một phút giây, điểm tựa sau cùng để nắm níu tựa nương trong cuộc đời là thằng con trai, vậy mà một sớm mai hồng nó ra đi không báo trước, không từ giã một lời, làm sao nàng không đau cho được.
Thế là nàng trở nên điên dại, không nghĩ gì đến chuyện chôn cất an táng, nàng bồng xác con điên dại đi trên đường, vừa đi vừa khóc: “Ai cứu lấy con tôi, cho tôi xin thuốc để cứu con tôi.” (puttassa me bhesajjaṃ dethā), cứu con mà cũng cứu cả đời nàng. Động trời ở chỗ cứu con mà cũng cứu cả mình nữa.
Có người thương nàng quá mới nói: “Ai mà cứu được, đã chết rồi. Giờ chỉ còn một cách, nghe nói, sa-môn Gotama ở Kỳ Viên hình như cái gì Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, hình như cái gì Ngài làm cũng được. Đó là người duy nhất sau cùng để gõ cửa. Nếu Ngài mà từ chối thì xem như hết phương rồi.”
Nàng nghe như vậy tất tả bồng con chạy tới gặp Thế Tôn và quỳ xuống: “Xin Thế Tôn cứu!” Đức Phật vừa nhìn thấy nàng thì biết rằng đứa con gái lưu lạc của mình trong vô lượng kiếp đã về đến nhà. Nên khi nàng xin như vậy thì Ngài bảo hãy ra làng ra phố, tìm cho Ngài một ít hột cải trắng (siddhatthaka/ white mustard) đem về thì có thể cứu được, với điều kiện là trong gia đình, dòng họ của người cho hạt cải chưa từng có người chết, chớ nhà nào có cha chết, mẹ chết, ông bà chết… thì không được. [‘Matapubba’: từng có người chết; ‘Na matapubbo’: chưa từng có người chết]
Nàng đi suốt “mùa thu cách mạng” mà không tìm được. Đây là một cách nói minh triết, hiền trí, chứ không phải là gạt nàng. Hữu sự thì vái tứ phương, nàng bồng xác con đi gõ cửa từng nhà xin hột cải trắng. Hột cải trắng người ta có thể cho nàng cả thúng, nhưng điều kiện của nàng đưa ra hơi kỳ. Khi hỏi họ, họ nói với nàng: “Điên hả, làm gì có gia đình nào không có người chết.” Cánh cửa đóng sầm lại, nàng tiếp tục gõ cửa nhà người khác. Nắng đã xế, tay bồng xác con đã mỏi, trong cơn mỏi mệt đau thương tận cùng ấy, trong đầu nàng bỗng lóe lên một nhận thức, thì ra hột cải trắng không thiếu, nhưng không có ai trong cuộc đời này mà gia đình, dòng họ lại không có người chết, như vậy sanh ly tử biệt không phải là ngoại lệ, không phải là nỗi đau riêng tư của một mình ta. Như vậy là Thế Tôn rõ ràng đã dùng mẹo này mà cứu ta. Nghĩ vậy rồi nàng bồng xác con vào nghĩa trang chôn cất rồi trở lại gặp Thế Tôn xin xuất gia. Sau khi xuất gia rồi thì dĩ nhiên chứng La-Hán. Có điều, chứng La-Hán xong nàng đặc biệt hoan hỉ với một cái hạnh mà người ngoài nghe hơi thấy khó chịu, đó là suốt đời từ khi đắp y đến khi viên tịch nàng chỉ mặc một loại y phấn tảo mà thôi. Y phấn tảo có hai chữ Pāḷi: Paṁsukulacivara, lūkhacīvara, là y thô xấu, có xuất xứ mạt hạng như vải quấn xác, vải liệm tử thi, vải liệng đống rác mà trước đó người ta dùng vào việc gì có trời biết chẳng hạn như vải băng bó vết thương, vải sử dụng trong nguyệt kỳ hoặc lúc sanh nở của phụ nữ… đem về giặt sạch, nhuộm, cắt may thành y.
Phải coi cái thân mấy chục ký lô của mình tệ hơn rác, rẻ tiền cỡ nào, mới đủ cái gan, đủ khiêm cung, đủ điều kiện tâm lý để khoác lên người lá y này. Người mặc được lá y này là đã tự coi mình chân trong chân ngoài quan tài rồi, không còn sợ hãi gì nữa. Chứ người còn tham sống sợ chết, còn coi mình quan trọng thì không làm sao đủ can đảm thò tay lấy miếng vải quấn xác máu me đem về nhuộm cắt may. Không phải dễ, trừ những người nghèo khó ngoài đời không biết Phật pháp, hết đất sống, bí quá phải như vậy. Họ có thể mặc vải liệm nhưng nay mai có tiền họ không muốn quay lại với chuyện đó, hạng này thì mình không có phục. Người nào mặc y này suốt kiếp không chán nó, không sợ nó thì mới gọi là người mặc phấn tảo y, còn nghèo quá mặc tạm thì không kể.
Có gan trì hạnh phấn tảo cũng là cái gan đáng để nhân thiên ba cõi cúi đầu. Cũng như cái gan ăn đồ khất thực cũng là cái gan đáng để chúng ta cúi đầu. Mới nghe qua thì thấy có gì đâu mà cúi, xin thưa quí vị, quí vị có biết trong bình bát của mấy ông sư người ta để cái gì hay không. Quí vị làm ơn đừng có dòm vô bình bát trong lễ bát hội, trong lễ đó người ta để toàn đồ đàng hoàng. Bát hội ở VN người ta còn có cho tiền, họ cho cái gì mình còn biết xuất xứ. Còn khất thực ở làng xa, xóm nhỏ, quê nghèo họ để cái gì thì trời biết. Ví dụ buổi sáng họ dỡ cơm đi ruộng còn một góc, mình đi ngang họ múc cho mình một góc cũng đỡ, còn như cơm thiu cơm hẩm chảy nước nhớt lầy nhiều khi người cho cũng không ngờ chảy nước rồi, họ thấy mình đi ngang họ cũng hốt một nắm liệng vô bát, hay nhiều khi cơm thừa canh cặn mình đâu có biết. Nói chung khi biết chút ít về thực phẩm sạch, về dưỡng sinh, về vi khuẩn vi trùng thì mới thấy cái gan ăn được đồ khất thực cũng đúng là anh hùng hào kiệt có mấy tay.
Nếu đúng là chân tu, bần tăng khổ sãi, thanh tu khổ hạnh thì trong cái ăn cái mặc đã đòi hỏi mình một vốn liếng tâm lý, một hành trang tâm tư ghê gớm lắm chứ không phải dễ. Hạnh xài được y thô xấu có xuất xứ mạt hạng, cũng là hạnh tu đáng để cho nhân thiên cúi đầu.
^^^
Singālakamātā
13. Trong các vị nữ đệ tử Tỷ-kheo-ni của Ta, đầy đủ tin thắng giải, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Siṅgālakamātā
Tỳ kheo ni Siṅgālakamātā là Đệ nhất tín giải thoát, tương đương với ngài Vakkali bên tăng. Nàng cũng có 100 ngàn đại kiếp huân tu (tích lũy) ba-la-mật. Kiếp cuối cùng thì nàng sanh vô trong một gia đình triệu phú, đi nghe pháp rồi xuất gia. Người đến nghe pháp, được chiêm ngưỡng tôn nhan của Thế Tôn thì rất nhiều, nhiều vô số, nhưng nàng có một điểm đặc biệt là nàng nhìn một lần là biết rằng mình phải xuất gia tu hành dưới chân con người đó. Người ta nhìn Đức Phật người ta chỉ thấy đẹp thôi, còn nàng nhìn tôn dung Ngài thì nàng thấy ở đó có từ tâm, có trí tuệ, có bao nhiêu là hạnh lành nơi đó, có giới, có định, có tuệ, có ta có người, có nhân thiên, đại địa càn khôn vũ trụ trong đó. Cái đẹp đó đại diện cho cái thiện muôn đời, chân lý muôn thuở, nàng thấy trong đó có con đường giải thoát sinh tử trầm luân. Nàng nhìn trong đó giống như nhìn một tấm gương sáng cho muôn đời vạn đại hữu tình. Người chiêm ngưỡng tôn dung Thế Tôn thấy thích thú có niềm tin thì nhiều, nhưng với cái nhìn mà thấy ở đó có con đường giải thoát, có giới định tuệ, có cái đẹp trong và đẹp ngoài thì không phải dễ. Cho nên nàng đi xuất gia và xem chuyện chiêm ngưỡng Thế Tôn giống như một cái hạnh tu vậy.
Có lẽ quí vị nghĩ tôi phăng thêm, thật sự như vậy không phải tôi phăng đâu, khi nàng quan sát Thế Tôn nàng thấy nơi đó tất cả hạnh lành. Giống như ông bá tước Keyserling của Đức, ông nói rằng: Mỗi lần tôi có chuyện buồn, tôi nhìn lên bức ảnh của Đức Phật, dầu người ta vẽ lại dĩ nhiên không giống nhưng tôi thấy trong ánh mắt đó, trên vầng trán đó không có chỗ cho những tị hiềm, đố kị ghen ghét. Trên vầng trán đó không có chỗ cho những suy nghĩ lối mòn hay những suy tư thiếu máu tật nguyền. Trên vầng trán đó tôi không thấy có chỗ cho sự toan tính, cho những thành kiến, những bảo thủ, những lì lợm, ngoan cố. Trên vầng trán đó tôi thấy tất cả những hạnh lành, những đức tính đẹp nhất mà nhân loại có thể có. Nghĩa là hai mươi lăm thế kỷ sau trên hành tinh này vẫn có người suy nghĩ như vậy khi nhìn về tôn dung của Đức Phật.
Vào một ngày thích hợp, trước mặt đại chúng, Thế Tôn chính thức xác nhận: “Trong đệ tử tỳ kheo ni của ta, Đệ nhất tín giải thoát – lấy niềm tin làm nền tảng cho trí tuệ giải thoát - không ai hơn được tỳ kheo ni Siṅgālakamātā.”
Như vậy hôm nay mình đã học xong phần tỳ kheo ni. Còn lại là học về hạnh lành của các vị thiện nam và tín nữ. Hôm nay là ngày Thứ Ba, chúng ta còn học ba ngày nữa đó là ngày mai, ngày Chủ Nhật, ngày Thứ Hai. Sau đó chúng tôi vắng mặt vì có việc phải đi – chân tu, tango mà.
Bây giờ chúng ta học đến những vị thiện nam có đặc hạnh xuất sắc trong giáo pháp của Đức Phật. hai nhân vật đầu tiên là anh em nhà Tapussa và Bhallika.
^^^
PHẨM NGƯỜI TỐI THẮNG (Nam Cư Sĩ )
Tapassu, Bhallikā
“1. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta, này các Tỷ-kheo, đã quy y đầu tiên, tối thắng là các người buôn bán Tapassu Bhallikā”
Trong room này tôi nghĩ rằng rất nhiều bà con biết hai nhân vật này rồi. Hôm nay có ai đi về Miến điện mà không biết đại tháp Shwedagon ở Yangon. Tương truyền rằng trong đó đang tôn trí 8 sợi tóc của Đức Phật và lịch sử của 8 sợi tóc này bắt nguồn từ Ấn Độ. Bắt nguồn từ một thành phố tên là Asitañjana.
Cách đây 100 ngàn đại kiếp có hai người thiện nam thấy Đức Phật Padumuttara nhắc trước mặt đại chúng: “Trong giáo pháp của ta có vô số chúng sanh từ Long vương, Càn-thát-bà, Dạ xoa, Kim xí điểu, Dục thiên, Phạm thiên nhưng trong đó người đầu tiên nhìn thấy Như Lai sau ngày giác ngộ chính là mấy người này…” Họ chỉ nghe như vậy mà về muốn kiếp sau được như vậy. Họ chỉ nguyện như vậy. Sau một trăm ngàn đại kiếp tu hành đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Tất Đạt sau 6 năm khổ hạnh thành Phật dưới gốc bồ đề, trước khi thành Phật, Ngài nhận cơm sữa của nàng Sujāta, vắt thành 49 vắt nhỏ, dùng hết 49 vắt đó rồi Ngài mới thành Phật. Sau khi thành Phật rồi thì Ngài nhịn suốt bảy tuần lễ (49 ngày). Nói theo mình bây giờ thì cơ thể lúc đó đang thực sự rất cần thực phẩm. Lúc đó có một đoàn thương lái đi buôn bằng xe bò 500 chiếc đi ngang cánh rừng gần chỗ Ngài đang ngồi. Khi hai anh em người đánh xe thuê (kiểu như là bảo tiêu, ông Bavari là người đầu tiên, hai anh em này cũng là dạng bảo tiêu) vận chuyển hàng đi ngang thì một vị thọ thần trong rừng vốn là bà con kiếp trước của hai anh em bảo tiêu này, biết Đức Thế Tôn đã nhịn đói quá nhiều ngày cần thực phẩm, đây là cơ hội bằng vàng để hai người bà con của mình tạo phước, nên đã dùng thần thông khiến cho những cổ xe bị lún xuống. Hai anh em đang loay hoay không biết phải làm sao thì ông hiện ra nói: “Có một vị đại sa-môn cực kỳ khả kính đang ngồi gần đây, Ngài đang rất cần thực phẩm. Hai người có đồ ăn nhiều thì đem cúng cho Ngài đi.”
Thực phẩm đường dài thì đâu có gì ngon, chỉ có bánh bột thôi. Quí vị phải đồng ý với tôi rằng ở đời này có nhiều chuyện xảy ra rồi mình mới biết chứ còn mình ngồi tưởng tượng, dệt mộng làm thơ, hình dung liên tưởng là khó lắm; khi Ngài đang ở trên Đâu Suất kiếp áp chót thì chư thiên, Phạm thiên trong bao nhiêu vũ trụ hằng hà sa số tới thỉnh Ngài giáng trần để thành Phật, rồi từ lúc Ngài đản sanh thì từng bước từng bước trong cuộc đời của Ngài chư thiên theo dõi quan sát chăm sóc biết là bao nhiêu. Ấy vậy mà sau bảy tuần lễ không ăn gì thì không biết chư thiên dắt nhau đi đâu sạch bách. Thật là lạ, tại sao không ai dòm ngó gì hết, để cho Thế Tôn sau 49 ngày nhịn đói phải dùng ngọ bằng một món - không phải tôi chê - nhưng không đáng với Ngài. Trong kinh nói rõ là bánh bằng bột như bánh đa bánh đúc của mình vậy. Hai anh em này nghe thọ thần nói vậy nên bưng mâm tới cúng cho Ngài.
Trong thời gian khổ hạnh thì bình bát Ngài bỏ mất tiêu rồi, lúc này Ngài biết liền khi hai người đem mâm bánh tới, Ngài nghĩ liền, Chánh Đẳng Giác không bao giờ nhận thức ăn bằng tay, chỉ nhận bằng bát, mà ta hiện giờ không có bình bát. Lúc đó Tứ thiên vương mới lập tức xuất hiện, mỗi vị bưng một bình bát dưng cho Ngài. Ngài muốn cho cả bốn vị đều hoan hỉ nên Ngài lấy 4 bình bát chồng lên và chú nguyện: “Thành một đi!” Bốn cái hóa thành một, Ngài không nhận của riêng ai hết. Khi thành một rồi thì Ngài mới nhận mâm bánh của hai anh em. Ngài nói đạo cho họ nghe. Xong xuôi, trước khi từ giã ra đi họ có nói thế này: (Bhante, amhākaṃ paricaraṇacetiyaṃ dethā’’ti vadiṃsu. Satthā dakkhiṇena hatthena sīsaṃ parāmasitvā dvinnampi janānaṃ aṭṭha kesadhātuyo adāsi. Te ubhopi janā kesadhātuyo suvaṇṇasamuggesu ṭhapetvā attano nagaraṃ netvā asitañjananagaradvāre jīvakesadhātuyā cetiyaṃ patiṭṭhāpesuṃ. Uposathadivase cetiyato nīlasmiyo niggacchanti.) “Chúng con hôm nay gặp Ngài ở đây không biết còn có dịp nào gặp lại, xin Thế Tôn cho chúng con một ít kỷ vật để về chúng con thờ.” Lúc đó Thế Tôn lấy bàn tay phải chạm lên tóc, lấy cho họ 8 sợi tóc. Họ đựng trong cái hộp bằng vàng đem về thành phố quê hương của mình lập tháp thờ ngay cổng thành, chỗ ra vào của thành phố Asitañjana. Cứ mỗi ngày bát quan trai thì trong ngôi tháp này tỏa ra ánh sáng màu xanh.
[‘Jīva’: còn sống; ‘kesa’:tóc (hair of the head); ‘dhātu’: xá lợi (relic); ‘jīvakesadhātuyā’: xá lợi tóc còn tươi của người đang sống (thường là người ta thờ di vật của người đã chết)]
Ở một cuốn kinh khác cho chúng ta biết rằng sau nhiều cuộc bể dâu thăng trầm luân lưu thì 8 sợi tóc đã được chuyển về Miến Điện. Có rất nhiều truyền thuyết, nhưng truyền thuyết phổ biến là 8 sợi tóc hiện đang thờ ở Shwedagon chính là 8 sợi tóc ở vụ này.
Hai anh em thọ quy giới, mà lúc đó chỉ quy y Phật, quy y Pháp thôi chứ đâu có quy y tăng. Về sau, Tapussa trở thành một thiện nam thuần thành, trọn đời tu Phật, còn người em Bhalliya xuất gia chứng lục thông.
Vào một ngày mùa thu hiu hắt, ngài Bhalliya đang ngồi thiền trong rừng thì Ác Ma nghịch xuất hiện, biến ra một hình hài cực kỳ khủng khiếp đáng sợ để hù dọa ngài. Ngài đọc một bài kệ trả lời: Ta bây giờ không còn cái để thích thì làm sao còn thứ để sợ. Ác ma bèn biến mất. Câu này hay quá phải xăm lên trán. Mình cứ giận, cứ hờn, cứ khó chịu, tại sao mình còn sợ chết, sợ ma sợ mối, sợ gián sợ chuột, sợ thằn lằn, sợ bóng đêm sợ độ cao…? Là vì mình còn có cái thích! Còn có cái thích thì còn có cái ghét. Câu trả lời của ngài Bhalliya rất bình thường, nghe hơi có vẻ ‘nghèo nghèo’ nhưng cực kỳ sâu thẳm, chứa hết nội dung của ba tạng, tông chỉ tu hành của chư Phật ba đời mười phương. Nhiều khi đọc kinh thấy chỉ kể giống như một câu chuyện thôi, nhưng khéo dụng công thì sẽ có một bài học giáo lý cực kỳ sâu sắc.
^^^
Sudatta Anāthapindika
“2. Trong các vị đệ tử nam cư sĩ... bố thí, tối thắng là gia chủ Sudatta Anāthapindika”
Quí vị để ý trong bản Pāḷi phần kể về ông Cấp Cô Độc rất là ngắn, bởi vì trường hợp của ông Cấp Cô Độc cũng là trường hợp bà Yasodharā. Ông là một người cực kỳ nổi tiếng, nổi tiếng đến mức mà kiếm được một Phật tử Nam Tông không biết về ông Cấp Cô Độc cũng là hiếm. Nhũ danh của ông là Sudatta. Ngoại hiệu, cũng là mỹ danh của ông là Anāthapindika, người cấp dưỡng kẻ cơ nhỡ, cô độc quan quả (Cô: nhỏ tuổi mà không cha không mẹ, độc: tuổi già không có con cháu nuôi dưỡng; quả: đàn bà chết chồng; quan: đàn ông chết vợ. Bốn hạng này (gọi chung là Anātha) mà không tiền không bạc, không cơm không áo thì ông cung dưỡng cho họ hết.
Ông Cấp Cô Độc có một gia thế rất hoành tráng chói lọi, gia tộc ông là những người giàu có và ông cũng là sui gia với bà Visākhā. Con trai ông Cấp Cô Độc là em rể của bà Visākhā.
Ông Cấp Cô Độc là một thương gia, người anh cũng là thương gia, cả hai anh em rất giàu có. Năm nào ông Cấp Cô Độc cũng thu xếp công việc đến thăm anh. Anh em mọi khi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Lần này ông đến thì người anh nói xin lỗi anh đang bận tay, phòng ốc sẽ có người nhà giúp em. Người anh để cho ông Cấp Cô Độc “tự sanh, tự diệt” trong ngôi nhà to lớn đó. Ông Cấp Cô Độc ngạc nhiên vì sao anh mình tất bật dọn nhà chuẩn bị như sắp có cưới hỏi. Người anh nói ngày mai có trai tăng cúng dường Đức Phật và chư tăng đông lắm. Nghe nói chữ ‘Phật’ là ông Cấp Cô Độc sững người choáng váng. Đêm đó ông ngủ không được, ông nói với người anh là muốn gặp Đức Phật lắm. Người anh bảo phải ngày mai mới được, Ngài đang ở bên cánh rừng, giờ này không biết đang nhập định hay nghỉ ngơi, rừng đêm thì tối tăm độc trùng mãnh thú, thôi hãy đợi sáng mai. Ông Cấp Cô Độc không chịu nghe, ông mở cửa đi ra ngoài băng qua sân rộng, băng qua cánh rừng, băng qua bãi tha ma để đến gặp cho được Đức Phật.
Ấn Độ có nhiều kiểu an táng người chết: lâm táng là bó xác liệng trong rừng, thủy táng là quấn sơ sơ rồi thả bè trôi sông, hỏa táng là đốt, mai táng là đem chôn, thiên táng là liệng đâu đó cho chim trời ăn. Bãi tha ma là chỗ lâm táng, những người không có danh phận khi chết thì người ta liệng vào đó cho gọn. Hôm nay mình chỉ thấy tục này còn ở một ít nơi trên thế giới như Indonesia, Philippin và một vài vùng cực kỳ hẻo lánh chứ không còn phổ biến. Nguyên một khu rừng với những xác chết đã cũ chỉ còn trơ mấy bộ xương đầu lâu trắng hếu. Nói thiệt với bà con là đầu lâu trắng hếu tôi không ngán, tôi ngán cái xác mới. Nó phình lên, xì hơi, rỉ nước. Cái xác khô thì thứ nhất là không sợ bệnh, thứ hai là bộ xương không kích thích sự tưởng tượng của mình bằng cái xác chưa rã. Tôi kể như vậy để quí vị thấy bối cảnh của ông Cấp Cô Độc lúc này rùng rợn cỡ nào. Vậy mà vì nghĩ đến Đức Phật ông đã nôn nóng đi liền trong đêm. Lâu lâu nghe tiếng con giả can tru hú rợn người, rồi tiếng những con chim heo, những con cú mèo kêu trong đêm. Ông vấp mà không biết vấp cái gì dưới chân. Khi ông nghĩ tới Ngài là thấy sáng trưng, chỗ nào trắng trắng là xương, chỗ nào đen đen là xác người, ông đi rồi vấp một phát, đó là cái xác mới. Khi bị vấp thì ông hoảng hồn, ánh sáng không còn nữa. Ánh sáng đó chỉ là ánh sáng tâm lý thôi. Nhiều lần ông tính quay lại, đi càng vô sâu thì ông thấy mình đã nhầm, càng đi thì càng nhầm. Một lát sau ánh sáng xuất hiện trở lại. Ông bắt đầu đi tiếp. Có một con Dạ xoa tên là Sivaka, cũng là quyến thuộc quá khứ của ông, biết ông là ai, một đại nhân vật như thế nào, nên Dạ xoa mới nói: “Mỗi bước chân của ông bây giờ trị giá bằng một trăm ngàn đồng vàng. Ông bước đi, cái máu thương gia trong người ông hãy tính toán mỗi bước chân của ông bây giờ trị giá một trăm ngàn đồng vàng, nên đi tới hay nên lui?”
Không phải ông tính toán lời lỗ ở đây, nhưng nghe nói mỗi bước chân trị giá một trăm ngàn đồng vàng ông ý thức được rằng cuộc đời mình bắt đầu sang trang, bước qua một bước ngoặt mới. Rõ ràng ông thấy yếu tố tâm linh lớn quá. Nếu tôi đang sợ mà nghe tiếng nói như vậy thì tôi không sợ nữa mà lại khoái, bởi vì tôi biết rằng quả thật trên đời này có chuyện kỳ lạ. Thế là ông đi tiếp. Ông qua khỏi bãi tha ma thì nghe tiếng nói: “Hãy đến đây Sudatta Như Lai đang ở đây!”
Người biết tên tộc của ông thì đâu có nhiều, nên khi nghe kêu ngay chóc tên cúng cơm của mình là ông không còn biết trời đất gì nữa, cứ phăng phăng thẳng tới chỗ đó, quỳ sụp xuống. Và Đức Phật thuyết pháp cho ông nghe.
Hôm sau ông về lại nhà người anh, ông đã trở thành người Phật tử lăng xăng dốc sức phụ giúp người anh cúng dường cho Đức Phật và chư tăng. Sau đó ông tức khắc dẹp hết chuyện làm ăn, trở về Sāvatthī tìm ngay một miếng đất để Thế Tôn và thánh chúng có chỗ cư trú và hoằng pháp độ sinh. Từ đó mới có chuyện ông đi thương lượng với ông hoàng Jeta chủ đất, vì ông thấy không có miếng nào ngon hơn miếng Kỳ Viên tinh xá hết. Ông chủ đất nói: “Không, đây là miếng đất ưng ý của tôi, làm sao tôi bán được.”
Khi thấy ông Cấp Cô Độc năn nỉ quá, ông hoàng Jeta nói: “Ông năn nỉ thì tôi bán, nhưng ông trải vàng tới đâu thì tôi bán tới đó.”
Ông chủ đất muốn làm khó ông Cấp Cô Độc để ổng khỏi năn nỉ nữa, mệt quá. Nhưng ông không ngờ là ông Cấp Cô Độc giàu tiền lại giàu tín tâm. Lấy hai cái giàu này cộng lại, ông Cấp Cô Độc bắt đầu cho người nhà đem vàng đến trải, trải đến đâu ông lấy đất đến đó. Khi gần giáp miếng đất rồi thì ông đứng chống nạnh nhìn quanh suy nghĩ nhíu mày.
Ông chủ đất hỏi: “Ông tiếc của hay ông đã hết vàng?”
Đó là một câu hỏi hay nhất trong năm. Ông nói rằng: “Ta không tiếc của mà vàng của ta thì còn khuya mới hết. Vấn đề là ta đang băn khoăn là lấy vàng ở kho nào cho gần, chứ lấy xa quá thì biết chừng nào mới xong.”
Không ngờ trên đời có một người giàu dễ sợ như vậy. Ông Jeta nghe như vậy thì hết hồn, hết hồn không phải chỉ vì cái giàu của ông Cấp Cô Độc mà còn vì tín tâm của ông này. Ông Jeta nói: “Thôi được rồi, đủ rồi, phần đã trải thì coi như đủ tiền mua đất, còn phần còn lại thì coi như ta đóng góp đi.”
Vậy là đương nhiên là xứ PG có thêm một ngôi chùa, đó là chùa Kỳ Viên. Kể từ đó, đều đều mỗi ngày ở nhà của ông Cấp Cô Độc có ít nhất là 500 tỳ kheo đến để dùng trưa. Nhiều vị thích đi xa, thích đi hóa duyên từng nhà thì cứ đi, còn những vị lớn tuổi mệt mỏi hoặc có việc riêng phải làm thì chư tăng cứ việc sắp xếp với nhau, từ chùa đến thẳng nhà ông để thọ trai khỏi đi khất thực xa xôi từng nhà. Trong Chú giải có ghi thêm, hôm nào Thế Tôn ngủ đêm ở chùa Kỳ viên (Jetavana) của ông Cấp Cô Độc thì hôm sau Ngài nghỉ trưa ở chùa Đông Phương (Pubbārāma) của bà Visākhā. Chùa Pubbārāma này bà cất 500 phòng cho chư tăng, còn chùa Kỳ Viên thì Chú giải có kể rất dài, trong đó có hội trường tên gì, chiều cao, chiều ngang chiều rộng như thế nào… Thế Tôn ngủ đêm bên đây thì ngủ trưa bên kia, ngủ đêm bên kia thì ngủ trưa bên đây. Liên tục và liên tục, ngày nào cũng có chư tăng, và từ chuyện hay ho này mới dẫn đến cớ sự, một câu chuyện động trời trong lịch sử PG.
Đó là, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) thấy ông Cấp Cô Độc là dân dã mà sao quan hệ của ổng với Đức Phật và chư tăng thân thiết quá cỡ thợ mộc. Đã vậy bà Visākhā còn nói một câu xanh dờn: “Khi ta đi vô chùa, mấy ông sư nhỏ hay nhìn vô bàn tay của ta coi ta có cầm cái gì cho họ hay không. Thế là ta không bao giờ mà đi chùa mà không có thức ăn cho buổi sáng và nước uống cho buổi chiều.”Ông Cấp Cô Độc cũng có một câu y chang như vậy, cho nên vua Pasenadi thấy mình làm vua mà thua hai người dân dã này, thế là vua cũng bèn vào xin Đức Phật cho mỗi ngày mấy trăm chư tăng đến hoàng cung thọ thực. Nhưng vì vậy mà lại nảy sinh một chuyện động trời để rồi từ đây mà máu chảy thành sông xương chất thành núi.
Sau khi Đức Phật nhận lời thì chư tăng mỗi ngày thêm một chỗ đi nữa. Trong kinh nói có bữa một ngàn, hai ngàn vị đến với Cấp Cô Độc, rồi đến chỗ bà Visākhā, rồi bây giờ thêm chỗ hoàng cung của vua Pasenadi nữa. Nhưng, có một điều, chữ ‘nhưng’ này mới là ghê gớm, đến ông Cấp Cô Độc hay đến bà Visākhā thì được chăm sóc từ ngoài ngõ, đến đó là có người cung đón vào tới nơi, có chỗ rửa chân, có khăn lau chân, ngồi xong bước xuống ra đi thì được tận tình chăm sóc, vị nào bệnh hoạn được thuốc men, được hỏi thăm chăm sóc rất ân cần. Còn chốn hoàng cung kia thì lại khác. Thâm cung vời vợi, vào thì cao sang, vô tới nơi thì loe ngoe có mấy tên lính hầu dòm dòm gãi gãi đầu. Cận giờ ăn thì mới có người ra múc chút đỉnh. Chư tăng thì thà ôm bát ăn cơm mắm ngàn nhà mà có đạo tình hơn là chỗ cao sang quyền quí ghẻ lạnh tủi thân quá. Vị nào thánh thì ok, chứ phàm thì cũng có chút chạnh lòng. Thế là từ từ tan hàng hết. Buổi đầu thì 500, bữa sau 400, rồi 200, 150, 80, riết rồi cuối cùng còn có một mình ngài Ānanda thôi. Thức ăn lúc nào cũng thừa mứa mà cách tiếp thì dở quá, vật cho không bằng cách cho. Cuối cùng vua vào than với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, Visākhā và Cấp Cô Độc bao nhiêu năm nay cúng dường chư tăng lúc nào cũng lui tới, còn riêng con thì cũng đâu thiếu đạo tâm mà chư tăng sao không quan tâm thương con.” Đức Phật kể câu chuyện xưa mà ngụ ý của câu chuyện đó là cách cho quan trọng hơn vật cho. Mình đối với người ta ra sao, chứ không phải mình cho người ta cái gì…, đại khái như vậy. Vua về suy nghĩ hoài. Vua nghĩ: “Chắc bây giờ mình phải đi thêm một bước nữa mới gần gũi Đức Phật và chư tăng được.” Thế là vua cho người đi đến dòng họ Thích Ca để cầu hôn bởi vì dòng Thích Ca có cái lệ không lấy người ngoài dòng tộc nhưng có thể lấy dòng vua Koliya của vua Pasenadi.
Trong mười sáu vương quốc đương thời, dòng Thích Ca chỉ cưới hỏi với dòng vua Koliya của vua Pasenadi. Thế là vua cho người đi kiếm một cô nào được được trong hoàng tộc để lấy dòng Thích Ca. Từ đây về sau mình là người nhà của Thế Tôn thì chư tăng sẽ đối với mình khá hơn. Vua nghĩ như vậy, ông đi cái nước đó thấy hay nhưng hóa ra dở, bởi vì thái độ của ông ra sao chứ thân thế của ông thì ai lại không biết ông là vua.
Dòng Thích Ca thì kiêu ngạo lắm, không muốn gả quận chúa đích tôn mà lại đi kiếm một cô xuất thân có vấn đề. Cô này là con riêng của một hoàng thân với cô nữ tỳ. Nghĩa là có một ông hoàng thân trong lúc dung dăng dung dẻ trong nhân gian thì có đứa con rơi. Hoàng tộc Thích Ca thấy người ta tới hỏi vợ mà mình không có thì mất lòng, mà gả đích tôn thì không ai đáng hết, thôi lượm đỡ một đứa hàng ‘thứ phẩm’ gả cho đỡ ức. Thế là đem cô con riêng của hoàng thân cho ăn mặc đàng hoàng, cũng cho lên kiệu hoa 8 người khiêng, đem gởi về cho vua, cô này mặt mũi cũng được. Vua quá sức mừng mà vua đâu có biết. Mãi về sau này, vua với cô vợ mới này có con, tên là Vidūdabha. Hoàng tử Vidūdabha lớn lên, bữa đó đi về thăm quê ngoại tức là chỗ mẹ mình ở. Về thăm nhưng dòng Thích Ca lại đối xử ghẻ lạnh, Vidūdabha đã thấy tủi rồi. Mấy ngày ở đó, người ta cũng bất đắc dĩ phải tiếp nhưng không trọng. Vidūdabha không biết lý do tại sao. Lúc từ giã ra về, trong đám lính hầu có người quên đồ quay trở lại. Khi quay trở lại anh ta thấy một cô cung nữ vừa lấy sữa lau chỗ ngồi trên ghế của khách mới rời đi vừa nói: “Xí, tưởng ngon gì, quí giá gì thứ con rơi của nô tì mà về xênh xang áo mão phát ghét.” Tiểu tâm sanh đại nạn. Trong chùa cũng thường hay có loại này, khinh thường thì giữ trong bụng chứ đừng nói ra mất lòng, không đẹp. Người ta có khả năng làm chuyện lớn còn đám này chỉ biết làm lớn chuyện thôi. Anh chàng lính hầu nghe như vậy bèn học lại với hoàng tử. Hoàng tử Vidūdabha nói: “Hôm nay họ lấy sữa tươi lau chỗ ngồi của ta, mai này ta sẽ lấy máu của họ để lau chỗ ngồi của ta.”
Đúng như vậy, về sau chính Vidūdabha xua quân tàn sát dòng Thích Ca mà mọi cớ sự khởi đi từ câu nói vô ý thức của cô lau ghế. Nguồn cội sâu xa là cũng từ chuyện ông Pasenadi lấy vợ dòng Thích Ca, truy xa hơn nữa là ông Cấp Cô Độc và bà Visākhā đại thí chủ được lòng chư tăng.
Một bài học cực lớn ở đây là chuyện đẹp nhất trên đời có thể là nguồn cơn của chuyện xấu tệ trên đời và chuyện xấu tệ trên đời có thể là nguồn cơn cho chuyện cực đẹp trên đời. Đời là tương đối nên Lão Tử có nói “Họa hề phúc chi sở tàng, phúc hề họa chi sở phục.”, trong cái phúc vốn là chỗ núp của họa mà trong họa là chỗ ẩn núp của phúc là vậy đó. Chuyện thiệt là đẹp đôi khi là nguồn cơn cớ sự cho chuyện tan nát can tràng.
Ok hết giờ rồi, xin hẹn lại các vị ngày mai. Chúng ta còn lại ba buổi giảng, đi đâu thì đi, chúng tôi cũng ráng tranh thủ để không bỏ lớp như là nửa năm qua. Bây giờ có tuổi, phải dành hết thì giờ cho ngày sau. Chúc quí vị một ngày vui một đêm an lành. #NhậtKýChépBằngKinh; #SưGiácNguyên; #NhịTường; #TăngChi_1
^^^
TẢN MẠN
Bốn sự sợ hãi
“Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sanh, sợ hãi về già, sợ hãi về bệnh, sợ hãi về chết - Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.”
(Kinh Sợ Hãi)
Bốn nỗi sợ hãi phổ quát ở ba cõi: đã sinh ra là phải già, bệnh, chết.
Đã sanh ra là phải đối diện với điều đó. Tôi nói nhiều lần, mình dễ ngươi thì thôi, chớ nếu bà con có lòng tin Phật, lúc đi lúc ngồi cứ nhìn mình từ trên xuống dưới chân biết đây là một cái xác chưa chôn. Chỉ nhớ bao nhiêu đó thôi. Đang đứng cũng có thể nghĩ như vậy. Đang ngồi, đang nằm cũng nghĩ như vậy, đây là cái xác chưa chôn. Chắc chắn sẽ có một ngày cái cục thịt này nó phải ở vào một trong hai tình huống sau đây: (1) Tai nạn nát bét, người ta lấy rổ hốt từng phần cho vô hũ chôn. (2) Còn nguyên, đem thiêu hoặc đem chôn.
Tại sao tôi bắt đầu nói cái chết trước? Bởi vì chết là gốc của già và bệnh. Tại sao mình sợ bệnh? Già và bệnh thì ngoài sự đau đớn khó chịu còn là lối về cõi chết nên ai cũng e ngại hai vụ này. Còn người hữu trí thấy một em bé chào đời là hiểu ngay rằng sẽ có thêm một đám tang trong một ngày nào đó.
Voltaire của Pháp cũng đã nói thế này: Tại sao ta phải khóc khi một ông già chết, lẽ ra ta phải khóc khi một đứa bé chào đời chứ không phải là khi một ông già nằm xuống. Chuyện đứa bé chào đời đáng khóc vì cuộc đời buồn như vầy mà con tới làm gì. Còn chuyện đã ra đời, lớn lên, già rồi chết là chuyện đương nhiên. Vấn đề ở đây, ông là một người Cơ Đốc, mặc dầu là một người bội giáo, ông không tin Chúa dù trên giấy tờ vẫn là người đạo Chúa, nhưng ông ngộ ra một điều rất Phật giáo: Chúng ta phải buồn khi một đứa bé chào đời hơn là khi một ông già nằm xuống.
Đây là bốn nỗi sợ phổ quát mà ba cõi đều phải dính hết. Có những cõi không bệnh không già nhưng chắc chắn phải chết.
Hôm trước chúng ta học về bài Kinh Sư Tử, Thế Tôn có dạy rằng, mỗi lần thú rừng nghe tiếng gầm của con sư tử thì con nào con nấy run bắn lên, trốn được thì trốn, chun được thì chun, lặn được thì lặn, bay được thì bay. Cũng vậy, khi Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác thuyết pháp Ngài vạch ra cho mọi người thấy một sự thật đó là bây giờ đẹp mấy, sướng mấy, giàu mấy tất thảy đều phải có một lúc bỏ lại hết mà ra đi. Ba-la-mật còn non yếu thì không nghe nổi mấy điều này; đã vậy, hễ thấy sợ thì bịt tai hoặc nghe sợ rồi sau đó chỉ là viên sỏi liệng ao bèo, đâu lại vào đấy. Người có nhân duyên tu hành giải thoát, hạt giống bồ đề loại xịn thì bây giờ hai chục tuổi, ba chục tuổi, sáu chục tuổi nghe xong chỗ này đều phải thu xếp.
Nhiều vị sư bạn của tôi – gom lại chắc cả trăm, ở mức thân đáng gọi là bạn đó – trong đó có 3 vị mà tôi nghĩ tiền kiếp phải là sao đó. Có vị đang học lớp 10, buổi đó trong lớp tự nhiên nhìn lên bảng, nhìn cô giáo, nhìn mấy đứa bạn rồi nghĩ, trời đất ơi, bây giờ làm thầy làm trò cho đã rồi mai mốt chết sạch hết vậy hở trời. Nghĩ như vậy rồi thấy sốc. Ổng nói ổng không còn tâm trạng nào học được nữa.
Một vị nữa tự nhiên nhìn quanh cái nhà này, cái xóm làng này, cái con đường này hình như không thuộc về mình, mình không thể nào ở đây được, tự nhiên giống như bà nhập vậy, thấy không thể nào tiếp tục cả đời sống ở đây được. Thế là tự lấy kéo nhắp nhắp gọt tóc trên đầu, trọc lóc nham nhở như xà mâu vậy rồi đi vô chùa xin đi tu. Vị trụ trì cái chùa ở địa phương không nhận, nhưng hên là bữa đó có vị khách tăng thấy mặt chú này thương quá bèn nhận đem đi về xứ của vị đó luôn. Và giờ đây cũng là một vị thương tọa tiếng tăm.
Chuyện về các vị đó cũng là một xúc tác làm cho tôi củng cố đạo tâm rất nhiều. Một người có ba-la-mật là phải như vậy đó, phải biết sốc. Hôm qua hôm kia mình mới học đây, có những con ngựa thấy dáng roi là đã vọt rồi. Có những con ngựa phải quất một cây mới vọt và có những con đập chết cũng không vọt, chỉ có được đem đi xẻ thịt. Bên cạnh đó, Ngài nói, có những chúng sanh chỉ nghe nói chuyện sanh lão tử của người ta là đã run bắn rồi. Nhưng có những chúng sanh dầu chuyện xảy ra ngay trên đầu của chính bản thân, xảy ra cho người nhà, cho cha mẹ mà vẫn trơ trơ. Cũng vô chùa, cũng khóc lóc, cúng thất này thất kia, cúng xong bảy thất rồi cũng trở về lối cũ đường xưa, cũng tào lao như cũ.
Trong khi đó, phải nói rằng một ngày nào đó mình ngồi nghĩ lại tất thảy những người quen, nhớ lại những người quen cũ coi kẻ nào còn, sẽ thấy họ đi gần hết. Nhất là cái tuổi của tôi, những người mà ngày xưa khi 15, 20 tôi gọi họ là người lớn (năm nay tôi 50, bằng tuổi của thầy Thiện Minh, thầy Nhật Từ, chúng tôi là ba con gà bằng tuổi nhau mà mỗi vị một kiểu đời), như Hòa thượng Viên Minh, hồi tôi biết HT mới có 14 hạ, trẻ hơn tôi bây giờ; HT Hộ Chơn chùa Bửu Thắng thì lúc chúng tôi biết cũng chỉ mới mười mấy hạ thôi, sư Ấn Minh - chú ruột của Sư Thiện Minh lúc đó chỉ ngoài 30, năm nay thì ngoài 70, ngài Thiện Thắng (tức ngài Tôn) ở chùa Từ Quang; rồi chúng tôi cũng có dịp nhìn thấy Sơ tổ Hộ Tông năm 80, lần cuối cùng; rồi ngài Ẩn Lâm… Những vị ấy mất là đúng rồi, nhưng những người mà thời đó chúng tôi thấy ba mươi mấy tuổi, như HT Giác Chánh, ngày chúng tôi biết thì Hòa thượng chỉ mới 32 tuổi bây giờ thì lên hàng bảy rồi. Khiếp lắm. Mới 50 thôi đó, mà nhớ lại những người mà mình gọi là người lớn đó, bây giờ một là lên Hòa thượng, hai là lên bàn thờ hết.
Còn các cụ Phật tử thì bữa đó tôi ngồi nhẩm lại thấy số người tôi quen mà chết rồi là sáu mươi mấy người. Cho nên, không phải là chuyện tào lao đâu, tôi kể cho bà con nghe để bà con thấy rằng lần lượt cái room này sẽ đi sạch không còn ai hết. Và biết đâu có một ngày cái room này được tiếp nối bởi một vị khác không phải là tôi, và lúc đó đương nhiên người nghe cũng không phải là quí vị.
Miễn sao PG Nam Tông VN luôn luôn có một lớp Kinh Tạng, giảng Chánh tạng bằng Chú giải. Đừng nghĩ rằng lớp này là đã làm xong việc. Không phải vậy đâu. Cứ là giảng hết năm bộ kinh là quay trở lại. Bởi vì năm bộ này muốn giảng xong thì mất từ 5 cho tới 7 năm. Tôi đã giảng tới năm thứ tư rồi, cái đà này là ba năm nữa mới xong. Như vậy là 7 năm. Nếu vị nào muốn làm cái lớp giống như vậy, vị đó phải đợi tôi giảng 7 năm hoặc tôi giảng 7 năm rồi mới quay trở lại được. Lúc đó số nào chết thì chết, số còn sống cũng quên sạch rồi.
^^^
Hiểu được khổ
Hiểu được mọi thứ ở đời là khổ thì ta đã đi được nửa đường giải thoát.
Hiểu ở đây có ba cấp độ Văn, Tư và Tu.
Văn là nhờ nghe hay đọc mà biết.
Tư là do suy tư nghĩ ngợi, lý luận, suy diễn, tưởng tượng.
Tu ở đây là do tu tập Samathā và Vipassanā mà thấy được.
Hiểu đến mức nào thì giải thoát đau khổ đến mức đó.
Hiểu ở mức tương đối thì giải thoát kiểu tương đối.
Hiểu cách tuyệt đối rốt ráo thì giải thoát đau khổ rốt ráo.
^^^
Thế giới này là cái gì
Thế giới này là cái gì thì tùy thuộc vào khả năng quan sát của chúng ta.
Chúng ta sẽ sống trong địa ngục triền miên nếu ngay bây giờ chúng ta không tự an lạc.
Chúng ta sẽ suốt đời mãi hoài sống trong kiếp đời ngạ quỷ khi suốt một đời thèm khát đi theo đuổi cái mình muốn.
Chúng ta sẽ mãi hoài chìm sâu trong cảnh giới của A-tu-la, của địa ngục khi mình bị đốt cháy bởi sự bất mãn triền miên trong tâm thức.
Chúng ta mãi hoài là loài quỷ dữ khi suốt một đời theo đuổi những đối tượng mình muốn đánh phá, muốn hủy diệt, muốn tàn hại.
^^^
Sống thiện
Vô lượng chúng sinh trong vô lượng vũ trụ ai cũng mong mình có một ngày đẹp, nhưng trong vô lượng chúng sinh ấy mấy ai hiểu được thế nào là một khoảnh khắc đẹp, một giờ đẹp, một ngày đẹp, một tuần lễ, một tháng hay một năm đẹp. Ngày đẹp giờ đẹp đó chính là giây phút chúng ta sống thiện.
^^^
Sống với từng giây hiện tại
Một người sống trong đạo rốt ráo thiết tha phải là người sống hết mình với từng giây hiện tại. Tôi có một pháp môn, buồn cách mấy, giận cách mấy cứ nhớ hoài một câu: “Thời gian đang trôi”. Tôi gọi pháp môn đó là “watch-watching meditation”, pháp môn nhìn đồng hồ. Thay vì người ta quán hơi thở, quán sự chết, mình chỉ ngó đồng hồ thôi, nó chỉ đi tới không đi ngược bao giờ. Đây là pháp môn rất là hay.
Một câu chuyện tôi học trong kinh thánh đó là Đức Chúa Trời không bao giờ biết cười, cách duy nhất để chọc cười Đức Chúa Trời là kể cho ngài nghe những dự tính của mình. Nghe cũng hài hước giống như đứa bé bốn tuổi kể cho ông nội những kế hoạch dự kiến tương lai của đời nó. Đối với vị đại trí, không để cho quá khứ cũng như tương lai tác động buồn vui. Nói như vậy không có nghĩa là mình quên bẵng quá khứ và đẩy tương lai sang một bên. Quá khứ có giá trị khi nó là một bài học, một kinh nghiệm hay cho hiện tại. Tương lai cũng là cái gì đó giá trị nếu nó là động lực động cơ cho hành động hiện tại.
Nếu mình sống trong giả niệm vọng chấp tiếc nuối về quá khứ và tương lai như vậy là không tốt. Quá khứ và tương lai chỉ có giá trị khi nó là động cơ động lực tác động cho giây phút hiện tại.
^^^
Biết rõ tâm mình đang hướng về cái gì
Tâm có kiểm soát là biết rõ nó đang có định hướng như thế nào. Có thể bà con than với tôi là Định của mình còn yếu, Niệm của mình còn yếu, nhưng chuyện đầu tiên là phải biết rõ là mình đang cầu giải thoát hay cầu luẩn quẩn loanh quanh. Phải xác định với chính mình điều đó.
Trong một sự vô tư nhất, chân thành trong sáng nhất, tôi phải xác định với bà con, tôi, người đang hầu chuyện đây, hai hôm nay tôi bị đau (ruột) rất nhiều. Đau đến nỗi cứ tưởng chiều nay phải bỏ giảng đi nhập viện.
Ở đây không có phải là kêu gọi sự giúp đỡ mà là phải nói cho bà con hết hồn, một con người ăn nói rào rào rạt rạt như thế này mà tới cữ của nó thì thì đau kinh lắm. Hồi nãy tôi có suy nghĩ thế này: phúc thay cho kẻ nào lâu lâu phải đau mà không chết để họ có cơ hội nghe được tiếng gọi của thiên sứ, của thần chết. Chứ còn đau mà chết, đau mà không tu tập được thì không nói làm gì, đó là tận số rồi.
Đau như vậy để phải biết rõ tâm mình đang hướng về cái gì. Chẳng hạn như tâm tôi bây giờ thì tôi biết rõ tôi phải buông rồi. Phải buông thôi, bởi không có cách nào tiếp tục bao nhiêu giấc mộng đời xưa giờ được nữa. Cơn đau bắt đầu từ hai ngày nay, đau kinh khủng.
Cho nên, bà con phải nhớ, phúc thay cho kẻ nào thỉnh thoảng bị tử thần nhéo cho một cái, dí vào trán một cái. Lâu lâu phải nghe mùi tanh tanh của thần chết một chút thì mới khá được. Tôi phải nói rằng hai ngày nay mà bà con có đứng trước nhà kêu tên của tôi mà chửi thì khả năng kham nhẫn của tôi cực lớn. Miễn đừng đụng tới người tôi thôi chứ bà con cứ chửi bới ăn thô nói tục kiểu gì đi nữa cũng không sao, bởi vấn đề lớn của tôi bây giờ chỉ là sức khỏe, chỉ là cái mạng của tôi thôi.
Cảm ơn ở đây có một người dặn tôi “đừng cố quá kẻo quá cố”. Tôi không phải đau thận mà là đau ruột, đau phía trước. Tôi có hỏi cô Phật tử ở đây thì cổ nói đó là ruột, cổ mong mỏi chân thành là tôi bị virus tấn công do thức ăn. Cũng mong vậy chứ như TT Thiện Nhân ở chùa Xá Lợi Phật Đài thì kẹt lắm, cứ lâu lâu rối ruột thì đi cắt bớt một khúc. Cái này thì đau lạ lắm, đau râm râm như lâu lâu ai nhéo một cái vậy đó. Cảm ơn những góp ý của mọi người. Rồi sẽ qua đi, nhưng tôi phải nói để cho bà con run.
^^^
-ooOoo-
Giác Nguyên - Tăng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Comments