Select Menu

Top

Được tạo bởi Blogger.

Bài đăng nổi bật

NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH

Toại Khanh Tôi đi xa mới về. Thùng thư trước nhà đầy ắp, cả cái hộp thư riêng ở bưu điện cũng không còn chỗ nhét. Ngoài phần lớn những thứ đ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Kinh Phật

Phật sự

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa Nam Tông

Đọa Xứ

Video

» » Mae Chee Kaew (Phần 2)
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Mae Chee Kaew
Hành trình tới giác ngộ và giải thoát
-ooOoo-

Mục lục

Phần 1
Phần hai - Xuất gia
     Bỏ lại sau lưng tất cả
     Tìm lại kho báu đã mất
     Chọc phải tổ ong
     Chỉ là gánh nước
     Bước qua cổng
     Chú lợn rừng
     Ma quỷ trong núi
     Động Nok Kraba
     Sự thất bại tâm linh
     Quán thân
     Vị nữ tu lý tưởng
     Hành hương
Phần 3

^^^


P h ầ n h a i

Xuất gia



Sự tu tập cơ bản như cái chạc 
chống một cây chuối giúp 
buồng chuối nặng có thể lớn lên 
và chín đúng lúc mà không bị 
rụng xuống đất khi còn xanh.

Bỏ lại sau lưng tất cả


Vào một ngày trời quang đãng, không một gợn mây, ngày rằm tháng Bảy Asāḷha, khi đó Mae Kaew ba mươi sáu tuổi, cô quỳ trước chư tăng và các tu nữ ở Wat Nong Nong và, không hề luyến tiếc, bỏ lại đằng sau tất cả những gì tạo nên cuộc sống trước đây của cô, tất cả những gì cô đã từng coi đó là mình. Với nghi lễ thanh bạch, cao đẹp của truyền thống ngàn năm, cô phát nguyện trở thành mae chee, một tu nữ Phật giáo thọ giới đúng pháp.

Mae Kaew đến thiền viện vào buổi sáng sớm để bắt đầu sự gia nhập của mình. Cô chào các cô tu nữ trong thiền viện với nụ cười run run và cung kính ngồi xuống một bên, cùng ăn với các cô tu nữ bữa cơm thanh đạm. Cuối cùng, ước mơ bấy lâu của Mae Kaew sống một cuộc đời cao quý thanh thản và không vướng bận đã thành trở hiện thực. Lần lượt từng dấu hiệu phân biệt nhận dạng con người cũ của cô được xóa bỏ. Cô hồi hộp ngồi xổm cạnh giếng, xao xuyến trong lòng, cổ nghển về phía trước trong khi cô ni trưởng, Mae Chee Dang, khéo léo lượn đôi kéo cùn trên đầu cô, cắt đi từng mớ tóc đen dài đến khi chỉ còn lại chân tóc lởm chởm. Khi tóc chất đống quanh chân mình, cô bình thản nhìn xuống và quán chiếu về bản chất hư ảo của cơ thể con người: Tóc không phải là ta; nó không phải của ta. Tóc, cũng như các bộ phận khác của cơ thể, chỉ là một phần của tự nhiên, một phần của thế giới vật lý tự nhiên. Nó thuộc về thế gian, không phải là ta. Xét theo mọi khía cạnh, nó không quan trọng đối với việc ta là ai.

Dùng một con dao cạo mỏng, mài sắc để dùng thường xuyên, Mae Chee Dang cạo theo thứ tự những vạt chân tóc sẫm màu, để lộ ra da đầu láng bóng và đường cong của xương sọ. Mae Kaew đưa bàn tay sờ quanh lớp da đầu nhẵn thín của mình, mỉm cười, buông bỏ.

Các cô tu nữ khác tíu tít quây xung quanh và mặc cho cô bộ y trắng truyền thống của một mae chee: váy quấn tròn buông thõng ở cẳng chân, áo rộng vừa, dài tay cài cúc cổ và một tấm khăn vải dài quàng qua nách bên tay phải và gấp gọn ghẽ qua vai trái, dấu hiệu đặc trưng tỏ lòng thành kính trong Đạo Phật.

Mae Kaew cúi lạy ba lần trước Ajaan Khamphan, vị cao tăng chủ trì buổi lễ xuất gia của cô. Cô chắp hai tay cầm nến, hương và một bông hoa sen, cô trở về nương tựa Đức Phật: Buddhaṁ saraṇaṁ gacchāmi… Cô trở về nương tựa Pháp, tinh hoa cao thượng của những lời dạy mà Đức Phật đã trao truyền: Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi… Và cô trở về nương tựa Tăng, hội chúng gồm các vị tăng và ni cao quý: Sanghaṁ saraṇaṁ gacchāmi… Tiếp đó, sau khi đã phát nguyện nghiêm túc và kỹ lưỡng quyết tâm vâng giữ các điều học, cô chính thức đọc những giới căn bản của một mae chee trước mặt toàn thể tăng đoàn. Cô nguyện tránh xa việc làm hại các chúng sinh đang sống; việc lấy của không cho; việc hành dâm; việc nói dối; sử dụng chất say; ăn sau 12 giờ trưa; tham gia vào các hoạt động giải trí và trang điểm; dùng giường cao và chỗ ngồi đẹp.

Khi Mae Kaew đọc xong điều học giới, Ajaan Khamphan nhìn thẳng về phía cô và dạy cô nghe thật kỹ khi ngài giảng giải chi tiết mỗi một điều giới.

Đối với tất cả các Phật tử, quy y Phật, Pháp và Tăng là hành động đầu tiên và cơ bản nhất trên con đường tiến tới giải thoát của Đức Phật. Đức Phật là một con người lý tưởng của sự hoàn hảo về tâm linh, và là vị thầy chỉ ra con đường chân thật để đạt được sự hoàn hảo đó. Bằng việc trở về nương tựa Đức Phật, con nhận con người lý tưởng đó làm thầy của con. Con cũng nguyện không tầm cầu những người có tư tưởng tâm linh sai lệch. Pháp là con đường chân chánh dẫn đến sự hoàn hảo về tâm linh, và là bản chất của sự thật hoàn hảo đó. Bằng việc trở về nương tựa Pháp, con lấy sự chân thật đó làm mục đích của mình. Con cũng nguyện tránh đi những con đường khác và các lời dạy sai trái. Chư tăng là hiện thân của sự thật tinh túy đó ở trong những con người đang đi trên con đường đạt tới sự hoàn hảo về tâm linh. Bằng việc trở về nương tựa Tăng, con nhận cộng đồng những người con của Đức Phật như những người bảo vệ của mình. Con cũng nguyện tránh xa việc đồng hành với những người xuẩn ngốc và làm việc xấu xa. Bằng cách như vậy, quy y Ba ngôi báu là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo là việc cam kết theo những lý tưởng tâm linh đúng đắn, cũng như những tiết chế cơ bản.

Quy y Tam bảo là nền tảng đưa đến sự giải thoát thực sự. Các điều học giới là để tạo điều kiện và định hướng cho việc đi trên con đường tiến tới sự giải thoát. Việc giữ những điều học giới đó thật cẩn thận giúp tâm con không cảm thấy tội lỗi và hối hận, và có giá trị bảo vệ mạnh mẽ, tránh mọi nguy hiểm. Để bắt đầu, con không bao giờ được giết hại các chúng sinh khác, dù nhỏ thế nào; hoặc không được sai khiến người khác giết hại hoặc áp bức chúng sinh khác. Mỗi một chúng sinh đều trân quý đời sống của chính mình, vì thế con không được phá hủy giá trị tiềm tàng đó bằng cách chấm dứt sự sống mà một chúng sinh trân quý. Thay vào đó, hãy để lòng bi mẫn đến tất cả mọi chúng sinh luôn đầy ắp tâm con.

Con không bao giờ được ăn cắp đồ của người khác, hoặc khuyến khích người khác làm vậy. Tất cả các chúng sinh đều yêu quý tài sản của mình. Thậm chí những vật trông không có giá trị gì lại rất đáng quý đối với chủ nhân của chúng. Do đó, không được ăn trộm bất kể những gì thuộc về người khác. Hành động đó không chỉ làm mất đi tài sản mà còn làm hỏng tâm của con người. Do đó, hãy để cho lòng từ thiện và tính hào phóng làm kim chỉ nam cho mình.

Từ giờ, con phải kiêng giữ không quan hệ tình dục, sống cuộc đời độc thân hoàn toàn. Năng lượng và sự đam mê tình dục phá hủy sự bình an của thân và tâm và đi ngược lại mục đích của đời sống tâm linh. Hãy để cho năng lượng của tình yêu trong sáng và lòng mộ đạo phát khởi thay vào đó.

Con phải tránh xa sự nói dối, và luôn luôn nói thật. Không bao giờ giả dối hoặc lừa gạt, trong cả lời nói lẫn hành động. Nói dối làm mất niềm tin và làm cho con người không tôn trọng nhau nữa. Hãy để cho sức mạnh của sự thật giải phóng tâm mình.

Bốn giới sau cùng đưa ra nguyên tắc cho việc tu tập tâm linh giúp tạo điều kiện làm thân an ổn và tâm trong sạch. Trong đó, con không được uống rượu bia, hoặc bất kỳ thức gì gây say có thể làm loạn tâm và mất sáng suốt. Không được ăn thực phẩm rắn chắc sau giờ ngọ. Con phải tránh xa việc hát, múa và các loại hình giải trí khác, và không được tự trang điểm bằng đồ nữ trang và hoa, hoặc làm đẹp bằng nước hoa và son phấn. Con phải tránh xa việc nằm trên giường cao có đệm mềm, hoặc ngồi trên ghế được trang trí hoa văn có đệm êm.

Với việc giữ gìn cẩn thận tám giới này, con tạm thời đóng cửa cuộc sống gia đình, và mở cánh cửa sổ tới con đường giải thoát. Hãy nhớ rằng mục đích chính của việc giữ giới này là luôn thể hiện các nguyên tắc giữ giới cơ bản trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động. Nhờ vậy, con có thể rèn luyện tâm để có thể cắt đứt những xiếng xích đang trói buộc con vào vòng sinh tử luân hồi này.

Giữ giới không chỉ đặt dấu chấm hết cho những việc xấu ác mà còn làm tăng trưởng việc vun trồng những căn lành. Bằng việc kiềm chế tâm và đóng lại cánh cửa của hành động có hại dẫn đến đau đớn và sự thống khổ, và bằng việc thúc đẩy sự thanh lọc tâm và hành động dẫn đến giải thoát, những điều học giới này tạo nền tảng cơ bản cho mọi thực hành theo Phật giáo. Do vậy, chúng làm nền tảng cho tất cả nội quy kỷ luật ở thiền viện, chùa chiền. Con hãy luôn nhớ rằng những điều học giới này là một phần của con đường dẫn đến giải thoát tâm linh, do đó hãy chuyên cần gìn giữ giới luật với sự trân quý và tôn trọng đáng có.

Sau khi đã tạo sự hứng khởi cho giới tử và khích lệ cô bằng mục tiêu của việc giữ giới, Ajaan Khamphan tụng kinh theo đúng thể thức thiêng liêng của lễ thọ giới, khẳng định vị trí mới của cô, một mae chee đã thọ giới tròn đủ. Đến đó, Mae Chee Kaew cuối cùng đã thực hiện được hoài bão cả đời của mình.

^^^


Tôi đã chịu đựng nhiều vất vả 
để thử thách quyết tâm của tôi. 
Tôi nhịn ăn trong nhiều ngày. 
Tôi quyết không nằm xuống để 
ngủ nhiều đêm. Sức chịu đựng 
trở thành thực phẩm nuôi dưỡng 
tâm tôi và sự cần cù làm gối 
đỡ cho đầu tôi nghỉ ngơi.

Tìm lại kho báu đã mất


Mae Chee Kaew rút khỏi cuộc sống thế gian và bước vào thế giới tâm linh ở trong thiền viện. Mặc dầu ước mơ của cô đã đạt được, nhưng công việc của cô mới chỉ bắt đầu. Các cô tu nữ sống ở khu vực riêng của thiền viện, tách biệt khỏi khu của chư tăng bằng một rặng tre rậm rạp cao um tùm. Ở đây, Mae Chee Kaew được cấp một cái chòi nhỏ xinh, mới tinh đến nỗi mà sàn và tường tre vẫn còn xanh và bóng, và mái cỏ còn dày và khít.

Mae Chee Dang là tu nữ lớn hạ nhất trong thiền viện. Sáu năm về trước Mae Chee Kaew đã chứng kiến cô Mae Chee Dang trang nghiêm phát nguyện trong chính thiền viện này, và cô luôn kính trọng và ngưỡng mộ Mae Chee Dang như là một người bạn gần gũi của gia đình và như một tu nữ thành tâm và cống hiến trọn đời. Cô là tấm gương khích lệ cho các tu nữ trẻ tuổi hơn. Cùng với Mae Chee Ying, người xuất gia ngay sau mình, Mae Chee Dang đảm bảo để nhóm nhỏ tu nữ ở Wat Nong Nong luôn gắn bó và sống hài hòa với nhau.

Mae Chee Kaew bắt đầu cuộc sống mới của mình bằng việc bước vào nhịp điệu yên lặng của ngày mới đầu tiên. Cô dậy từ ba giờ sáng mỗi ngày và rửa trôi giấc ngủ khỏi mặt bằng đôi tay chứa đầy nước lạnh. Sau đó cô thắp nến trong lồng và bước xuống đoạn đường để thiền hành bên cạnh chòi của mình để bắt đầu tu tập. Lặng lẽ lặp đi lặp lại ‘bud…dho, bud…dho´ trong mỗi cặp bước của đôi bàn chân, cô thu thúc giác quan của mình vào trong và chú tâm cho đến khi cô thấy hoàn toàn tỉnh táo và sảng khoái để tiếp tục hành thiền trong tư thế ngồi. Ngồi yên và lưng thẳng, cô duy trì sự tập trung an bình và tĩnh lặng cho đến rạng sáng. Tiếp đó cô đi nhanh tới sala chính để cùng chư tăng và các cô tu nữ tụng kinh sáng.

Khi giọng tụng kinh mềm mại lắng xuống kết thúc, các sư và các tu nữ vẫn ngồi lại yên lặng quán tưởng trong vài phút. Sau đó, các cô tu nữ cùng đi ra bếp ngoài trời để nấu cơm và chuẩn bị các món đơn giản để góp cùng vào thức ăn cúng dường mà các sư nhận được từ việc đi khất thực hàng sáng. Mae Chee Kaew vui vẻ tham gia giúp nấu nướng rồi cùng các tu nữ ăn bữa cơm hàng ngày. Cũng giống các sư, các cô tu nữ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, một việc phù hợp với lối sống thiền tập của họ. Ăn ít lần hơn, và số lượng ít hơn làm cho việc hành thiền trở nên nhẹ nhõm hơn: ăn nhiều quá làm các giác quan lờ đờ và kém nhạy bén, và sự tham ăn và luôn nghĩ đến thức ăn có thể là thuốc độc ngấm ngầm hại tâm. Khi việc nấu nướng rửa dọn kết thúc, các tu nữ tập trung chú ý hoàn toàn vào việc hành thiền, thoải mái trong thân và tâm, và không lo lắng về thức ăn cho đến hết phần còn lại của ngày.

Làm các công việc đơn giản cần thiết như nấu nướng, dọn dẹp, các tu nữ giúp giữ gìn đời sống thuận tiện cho cả thiền viện. Tỉnh giác và điềm tĩnh, chiều chiều các cô lại rời chỗ ở của mình lấy chổi cán dài bện bằng những sợi tre mềm mại và quét sạch khu vực xung quanh mỗi chòi và những đoạn đường uốn lượn nối quanh khu ở của các tu nữ. Sau đó các tu nữ lau bụi và quét khu bếp, xếp nồi xoong bát đĩa gọn gàng và nhớ ngâm gạo vào nước qua đêm. Các tu nữ tắm và giặt giũ lặng lẽ bên cạnh giếng. Trong giờ nhóm họp buổi chiều tối, các tu nữ cùng nhau đi tới sala chính để tụng kinh tối cùng chư tăng. Vì khi hết thời tụng kinh thì trời đã tối, các tu nữ dùng nến chân dài để soi đường về chỗ ở của mình, rồi tiếp tục hành thiền đến đêm khuya.

Một mình tập luyện trong chiếc chòi nhỏ, Mae Chee Kaew cứ thay đổi giữa đi thiền và ngồi thiền, cố gắng khôi phục lại kỹ năng thành thạo để vào định sâu. Cô không hành thiền quy củ từ khi Ajaan Mun rời làng hai mươi năm trước, và sự khó khăn gian khổ của cuộc sống riêng và gia đình đã phân tán tâm cô với những lo toan nhỏ nhặt không bao giờ hết. Tuy vậy, điều đó cũng dạy cho cô biết giá trị của sự nỗ lực. Do đó cô quyết tâm và hành thiền như thể làm việc ngoài đồng, thản nhiên cày ruộng, hết đường cày này đến đường cày khác, hết câu niệm buddho này đến niệm câu buddho khác.

Cô luôn biết phải làm việc bền bỉ và nhẫn nại thế nào. Đó là những đức tính cô có thể trông cậy được. Một khi cô đã chắc chắn bỏ cuộc sống thế gian lại phía sau, gom tâm chú ý vào sự đơn giản mộc mạc của các nhiệm vụ trước mặt, cô nhanh chóng tiến bộ trên con đường đạo, mà phần lớn mọi người đều sợ hãi trong những bước đầu tiên. Ngồi thiền, xung quanh là sự tĩnh lặng của đêm khuya, thân và tâm cô đột nhiên rơi xuống, như thể rơi từ mỏm đá cao, hoặc rơi xuống giếng; và tất cả tan biến vào trong sự tĩnh lặng tuyệt đối. Không còn gì được ghi nhận trong nhận biết ngoài chính sự tỉnh giác đó – sự tỉnh giác tràn ngập với sự có mặt của cái biết sâu sắc và mạnh mẽ đến mức nó hoàn toàn vượt trội khỏi thân và tâm. Trải nghiệm này diễn ra chỉ trong khoảnh khắc ngắn, một khoảnh khắc của sự bình an tuyệt đối. Khi ra khỏi trạng thái đó, tâm cô trở nên sáng rỡ và sắc bén, cô biết rằng cuối cùng cô đã lấy lại được kho báu đã mất.

Từ từ ra khỏi trạng thái thiền định sâu đó, cô thấy một cảnh kỳ lạ không quen thuộc mở ra trong tâm mình, như vừa tỉnh giữa một giấc mơ. Dường như không biết từ đâu hiện ra hình ảnh một người đàn ông giống ma, không đầu, trôi từ từ trong cái nhìn của cô. Nhìn một cách sợ hãi, Mae Chee Kaew thấy người ma không đầu này có một con mắt rực lửa ở chính giữa ngực của nó, một hình cầu đỏ rực nhìn thẳng vào cô với vẻ đe dọa dữ tợn. Cảm thấy sợ hãi và bất ngờ, cô nghĩ đến việc chạy trốn. Khi định tâm của cô bị dao động, sự sợ hãi và do dự tăng lên. Cùng với nỗi sợ hãi đang gia tăng, con ma hiện hình ghê rợn đó lớn lên cả về kích cỡ lẫn cường độ, như được bồi bổ bằng năng lượng tiêu cực của nỗi sợ hãi. Hoảng loạn bao trùm tâm cô. Rồi bỗng nhiên, cô nhớ đến Ajaan Mun và lời khuyên của ngài đừng bao giờ lẩn tránh sự sợ hãi, mà luôn phải đối mặt với nó bằng chánh niệm và tỉnh giác. Với sự nhắc nhở như vậy, sự nhận biết rõ ràng tự khởi sinh trở lại, đưa tâm cô trở về kiên cố với giây phút hiện tại, khoảnh khắc cảm nhận thuần túy và thanh tịnh. Hướng sự chú ý vào cảm giác căng thẳng của nỗi sợ hãi trong tâm, và không chú ý tới con ma không đầu, giúp trạng thái tinh thần của cô được ổn định lại và sự sợ hãi lui dần rồi mất hẳn. Nhờ vậy, hình ảnh ghê rợn mờ dần đi rồi biến mất một cách đơn giản.

Rút ra khỏi trạng thái thiền định và trở lại với tâm thức bình thường, Mae Chee Kaew suy nghĩ về sự nguy hiểm của nỗi sợ hãi. Cô trực nhận rằng chính sự sợ hãi mới nguy hiểm thực sự, chứ không phải là hình ảnh gây ra sự sợ hãi. Những hình ảnh thấy được khi hành thiền chỉ là những hiện tượng của tâm không có năng lực nội tại để làm hại thân hoặc tâm của ai. Những hình ảnh đó mang tính trung lập, và tự thân chúng không mang một ý nghĩa cụ thể nào. Sự diễn giải của tâm về các hình ảnh đó mới là điểm mấu chốt, và là nguồn gốc của nguy hiểm. Việc diễn giải gây nên phản ứng sợ hãi và ghê rợn, đó là những cảm xúc độc hại và tiêu cực làm tâm mất ổn định, đe dọa sự cân bằng và làm nguy hại đến sự lành mạnh của tâm. Việc tập trung chú ý vào những khía cạnh ghê sợ của một hình ảnh tự thổi phồng phản ứng trong cảm xúc một cách tiêu cực, và làm tăng sự nguy hiểm. Việc không chú ý tới hình ảnh đó, mà tập trung vào chính sự sợ hãi, đưa sự sợ hãi trở về giây phút hiện tại hoàn toàn vững chắc, khi đó nỗi sợ hãi và hình ảnh đáng sợ đó không thể cùng tồn tại. Mae Chee Kaew lúc đó, bằng sự hiểu biết rõ ràng, nhận ra rằng chỉ có sự sợ hãi không được kiềm chế mới có thể làm hại cô trong lúc hành thiền.

Cách hành thiền mà ngài Ajaan Mun đã dạy cô dễ bị hiểu nhầm là đơn giản, và việc lặp đi lặp lại có vần điệu từ buddho có vẻ dễ dàng. Nhưng phải vô cùng nỗ lực mới có thể chú tâm vào một đối tượng duy nhất sau bao nhiêu năm không thực hành làm cho việc hành thiền của cô ban đầu trở nên vô cùng khó khăn. Cô cảm thấy thân và tâm của cô không đồng nhất, như thể chúng lôi kéo ngược chiều nhau. Tâm cần một cái, thân muốn cái khác; tâm muốn cái này, thân cần cái kia. Sự không hài hòa ngự trị. Ăn nhiều quá gây ra lờ đờ, ăn ít quá làm tăng những suy nghĩ lung tung. Cô suy nghĩ làm sao để cân bằng giữa ăn và ngủ, đi và ngồi, sinh hoạt với cộng đồng và sống một mình. Cô băn khoăn làm thế nào có thể duy trì tập trung tỉnh giác sắc bén mỗi khi thay đổi hoạt động, và khi tình huống mới xảy ra trong suốt cả ngày.

Mae Chee Kaew thử nhịn đói, không ăn liền suốt vài ngày một lần. Nhưng cô phát hiện ra rằng thiếu thức ăn làm cô thấy tinh thần chậm chạp, lờ đờ, và dễ bị thay đổi tâm trạng, suy nghĩ thất thường, như thể dòng năng lượng tâm linh của cô phần nào bị thui chột. Sự cản trở vi tế đó làm cô bớt hứng thú trong việc tăng cường hành thiền. Cô biết rằng nhiều vị sư, đệ tử của Ajaan Mun thấy việc nhịn ăn là một công cụ quý báu để đưa sự phát triển tâm linh của họ tăng trưởng. Các sư thường kham nhẫn với cơn đói và sự khó chịu vì sự nhịn đói tăng cường sự tỉnh táo tinh thần, làm tâm trở nên rõ nét và độ tập trung sắc bén. Nhưng tâm của Mae Chee Kaew không đáp ứng tích cực với biện pháp này. Do đó cuối cùng cô kết luận rằng việc nhịn ăn không phù hợp với tính cách của cô.

Tuy nhiên, nhịn ngủ lại là một chuyện khác. Mae Chee Kaew đã hành thiền gần hết tháng thứ hai của mùa an cư của cô ở ba tư thế: ngồi, đứng và đi, mà không bao giờ nằm. Cô bắt đầu cách “thiền ngồi” như một thử nghiệm mới khác, nỗ lực tìm một cách tu tập tăng tốc việc hành thiền để phát huy những thế mạnh tự nhiên của cô. Cô phát hiện ra rằng hạn chế ngủ làm tâm cô rất sáng suốt và sắc bén, bình an và thanh tịnh, tỉnh thức và nhạy bén, đến mức cô thực hành liên tục hai mươi mốt ngày không hề nằm xuống.

Với mỗi ngày không ngủ, mức độ thiền của cô sâu dần và cô vững tin hơn. Các căn tâm linh sắc bén dần làm cô trở nên dũng cảm và táo bạo rất phù hợp với bản tính thích phiêu lưu và rắn rỏi của cô. Những cảnh không bình thường xuất hiện nhiều hơn trước cũng trở nên đặc biệt hơn: có những lúc cô thấy trước các sự việc xảy ra trong tương lai hoặc nhìn được các cõi giới vô hình; có khi thì nhận ra sự thực uyên thâm trong giáo pháp của Đức Phật.

Một đêm khi ra khỏi trạng thái định sâu, Mae Chee Kaew thấy hình ảnh thân cô không còn sống nằm vắt qua khung cửi hiện ra lù lù. Ở vào giai đoạn trước của quá trình thối rữa, thây chết trương phình và đổi màu, da nứt và chảy mủ. Giòi lúc nhúc, bóng nhậy và béo tốt ăn ngấu nghiến thịt đang thối rữa. Sự thật sinh động của hình ảnh đã làm cô sửng sốt và sợ hãi. Bỗng nhiên, cô cảm thấy như có Ajaan Mun hiện diện đằng sau cô, nhìn vào cái cảnh kỳ cục này qua vai cô. Chậm rãi, khoan thai, ngài nhắc cô rằng chết là kết quả tự nhiên của sự sinh – tất cả chúng sinh sinh ra trong thế gian này đều chết cả, thân của họ hoại đi và trở về với những yếu tố tự nhiên của chúng theo một cách giống hệt nhau. Thật sự, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều không tồn tại mãi mãi và chúng luôn luôn biến đổi. Mọi vật đều tan rã và biến mất. Mặc dù cái chết luôn kề cận chúng ta, chúng ta ít khi suy ngẫm về nó. Ajaan Mun liền hướng dẫn cô phải bắt đầu suy ngẫm nghiêm túc về sự sinh, già, bệnh và chết của chính cô.

^^^


Hãy là một tu nữ thực thụ. 
Bạn chẳng muốn làm thối chí 
của mình bằng cát bụi đầy 
hôi thối của đời sống trần tục, 
do đó đừng ngoảnh lại, 
nhớ nhung quê hương và 
gia đình của mình.

Chọc phải tổ ong


Bé Kaew trải qua những tháng mùa mưa bằng những việc vặt trong nhà và chơi với anh chị em họ. Em hạnh phúc, vui vẻ nhưng nhớ sự hiện diện điềm tĩnh và vững chãi của mẹ mình. Em làm việc chăm chỉ để làm vừa lòng bố Bunmaa, nhưng ông bố thường xuyên bực bội trong người. Bố em thường rời nhà vào buổi sáng và đến tận đêm khuya mới về.

Vào những ngày tụng giới trong tháng, Kaew theo các bà các cô đến Wat Nong Nong và cùng mẹ làm các công việc vặt hàng ngày ở thiền viện, nói chuyện về tình hình ở nhà không dứt. Những gì em nói làm Mae Chee Kaew lo lắng: việc chồng cô thường xuyên không có nhà là không bình thường, và, từ những gì Kaew mô tả, anh ta có vẻ say rượu mỗi khi về nhà. Mae Chee Kaew quyết định rằng để tốt cho con, cô cần thỉnh thoảng về thăm nhà để giúp con làm việc nhà và để mắt đến tình hình này.

Bước vào nhà, sự vắng mặt của chồng là cái đầu tiên cô nhận thấy. Mae Chee Kaew dành cả ngày lau chùi, giặt giũ và nấu nướng cho con gái, nhưng Bunmaa không hề xuất hiện. Suốt tháng cuối cùng của mùa an cư, Mae Chee Kaew về nhà mỗi tuần một lần nhưng không hề gặp anh ta lần nào. Tin đồn rồi cũng đến tai cô rằng anh ta đã bí mật quan hệ với một phụ nữ ở làng khác, một góa phụ trẻ có hai con. Mọi người kể rằng anh ta bắt đầu uống rượu và nhậu nhẹt khi không có mặt cô. Mae

Chee Kaew cảm thấy nhờn gớm về hành xử của chồng. Bây giờ chán ngấy cuộc sống hôn nhân của mình và muốn mở ra con đường giải thoát cho đời mình, ý nghĩ trở về nhà đối với cô là không thể chịu đựng nổi. Trong khi Mae Chee Kaew đã vì đạo lý mà giữ lời hứa của mình, thì việc chồng cô không giữ những nguyên tắc cơ bản của hành xử có đạo đức đã làm phương hại đến tương lai cuộc hôn nhân của họ.

Khi mùa an cư đến những ngày cuối cùng, Mae Chee Kaew trăn trở suy nghĩ xem cần làm gì tiếp đây. Cô không hề muốn quay trở lại với cuộc sống hôn nhân của mình, nhưng rất lo lắng về cuộc sống an ổn của con gái. Cô muốn vẫn gần gũi với bé Kaew để bảo ban và an ủi con; nhưng chưa đến mười tuổi, Kaew còn quá nhỏ để có thể sống trong thiền viện với mẹ. Thêm nữa, nếu đi tu từ bỏ mọi của cải thế gian, cô không có gì để nuôi con ngoài khẩu phần thức ăn đạm bạc đủ cho một người mỗi ngày.

Dần dần, qua vài tuần cân nhắc kỹ lưỡng, ý tưởng đã định hình trong tâm Mae Chee Kaew rằng cô có thể kết hợp cả việc gia đình lẫn việc tu hành trong đời sống hàng ngày của cô. Bằng việc dành thời gian ban ngày ở nhà làm mẹ và vợ, cô có thể làm tròn trách nhiệm ở đời; bằng việc ở thiền viện qua đêm hành thiền, cô có thể theo đuổi mục tiêu tinh thần của mình. Kế hoạch dường như không thực tế và không chính thống, nhưng cô quyết tâm – và thậm chí là tha thiết – thử thực hiện nó.

Do vậy, như đã thỏa thuận từ trước, Mae Chee Kaew về nhà vào ngày cuối cùng của mùa an cư. Tuy nhiên, cô không xả bộ y trắng của mình. Hay từ bỏ lời nguyện của mình. Cô vẫn là một mae chee giữ giới, nhưng mặc áo và váy đen ra ngoài bộ y trắng để che giấu ý định thực sự của mình. Cô dành buổi sáng và chiều với bé Kaew, hoàn thành việc nhà trong ngày, nấu bữa tối. Cô định dọn cơm tối cho cả nhà rồi nhanh chóng trở về thiền viện trước khi trời tối. Khi bé Kaew và Bunmaa ngồi xuống để ăn cơm, cô dọn cơm nhưng không ăn vì cô tiếp tục giữ giới không ăn sau giờ ngọ. Việc không ăn tối của Mae Chee Kaew làm chồng cô tức tối. Anh ta yêu cầu cô giải thích lý do về cách hành xử của cô, và ra lệnh cho cô phải ngồi xuống và ăn. Khi cô từ chối, anh ta vọt ra khỏi chỗ của mình và cố tóm tay cô. Mae Chee Kaew nhảy nhanh ra khỏi chỗ, lao thẳng xuống thang và chạy ra khỏi nhà. Bunmaa chạy đuổi theo nhưng nhanh chóng bị anh trai của Mae Chee Kaew, anh P’In giữ lại. Anh khuyên Bunmaa để cô đi. Điên tiết, Bunmaa gầm lên rằng hôn nhân của họ đã chấm dứt. Anh ta gào theo cô rằng nếu cô muốn bất kỳ một phần của cải nào của họ, cô phải kiện anh ta tại tòa thượng thẩm của tỉnh. Khi Mae Chee Kaew chạy qua làng trong lúc trời đang dần tối, cô cảm thấy như kiệt quệ vì đau đớn và thống khổ của cuộc đời trần thế của mình và vào giây phút đó, cô quyết định không bao giờ xả y nữa.

Mae Chee Kaew quay về thiền viện và thấy tất cả mọi người đều đang lo lắng cho cô. Khi cô kể lại những gì đã xảy ra, vị ni trưởng, Mae Chee Dang, rầy cô: “Tại sao lại phải nhọc công quay về với chồng? Cô chỉ có chọc vào tổ ong thôi. Cô phải học lấy bài học này và ngừng đưa tay vào lửa. Thậm chí nếu cô không bị bỏng, thanh danh của cô cũng sẽ bị thiêu rụi.”

Mae Chee Kaew định cắt đứt mọi mối liên hệ với chồng cô. Nhưng các anh cô giục cô nên giải quyết quan hệ với chồng trước đã. Nghe lời các anh, vài ngày sau cô trở về nhà thương lượng để giải quyết chính thức cuộc hôn nhân của họ. Chồng cô không hề nhượng bộ. Anh ta quả quyết rằng tất cả mọi thứ cô có được từ khi cưới là thuộc về anh ta một cách hợp pháp. Tất cả những gì còn lại cần quyết định là làm gì với những tài sản cô đã thừa kế từ cha mẹ cô. Vì đã từ bỏ cuộc sống thế gian và những tài sản vật chất, Mae Chee Kaew thấy hoàn toàn tự nhiên, thậm chí lấy làm hài lòng khi để lại tất cả những gì cô sở hữu cho Bunmaa và không đòi hỏi gì, trừ một điều: rằng cô được phép giữ con dao nhỏ cô luôn dùng để bổ cau. Anh chồng nhanh chóng đáp lại rằng cô đã mua con dao đó sau khi cưới, do đó nó thuộc về anh ta. Cùng với sự xả bỏ cuối cùng đó, Mae Chee Kaew hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống gia đình và rũ bỏ mọi tài sản thế gian, không trừ một ngoại lệ nào.

Khi đã kết thúc thỏa thuận, Mae Chee Kaew nói chuyện riêng với con gái. Cô kể cho bé Kaew kỹ càng và chi tiết về những sự việc đã làm thay đổi cuộc sống của họ, và yêu cầu bé kiên nhẫn và thấu hiểu. Biết được ý định mẹ sẽ rời gia đình mãi mãi, bé Kaew, với sự ngây thơ của trẻ con, nài xin được theo mẹ đến sống trong thiền viện. Với trái tim nặng trĩu thương cảm, Mae Chee Kaew mô tả điều kiện khắc khổ của cuộc sống của một tu nữ. Cô giải thích rằng vì cô đã trao tất cả tài sản cô có cho bố của bé, cô không có phương tiện gì để nuôi bé cả. Hơn nữa, thiền viện không phải là chỗ để nuôi dạy trẻ con.

Mae Chee Kaew nhẹ nhàng nhưng dứt khoát khuyên bé ở lại với bố trong thời điểm hiện tại. Cô giải thích rằng cha của Kaew có đủ nguồn lực để lo cho nhu cầu của bé, và đảm bảo với Kaew rằng bé sẽ được thừa kế hợp pháp tiền của và nhà cửa của bố. Khi Kaew đến tuổi trưởng thành, bé có thể, nếu vẫn muốn, đến sống với mẹ. Mae Chee Kaew sẽ chào đón bé với một trái tim rộng mở và sẽ là người chỉ dẫn và bạn tâm linh cho cả đời bé. Miễn cưỡng nhưng nghe lời, Kaew cuối cùng cũng chấp nhận lời khuyên của mẹ ở lại với bố.

Mae Chee Kaew bước về thiền viện trong một tâm trạng yên tĩnh và trầm ngâm, hồi tưởng lại những cái được cái mất trong quyết định xa lìa mãi mãi gia đình và bạn bè của mình. Cuối cùng, ý nghĩ của cô luôn trở về với Thái Tử Siddhartha (Tất Đạt Đa), người đã rời bỏ vợ con và quyền thừa kế ngôi báu của một hoàng tử để theo đuổi con đường tâm linh, không bị những mối lo trần thế làm trở ngại. Mặc dù ngài đã từ bỏ nghĩa vụ làm cha mẹ được vinh hạnh trên thế gian, ngài đã từ bỏ như vậy vì mục tiêu tối thượng để chứng ngộ vô sanh nhận chân thực tánh Pháp, và phá hủy hoàn toàn vòng sinh tử luân hồi. Trở thành một bậc toàn giác, sự thành tựu của Đức Phật đã siêu vượt lên hẳn mọi sự hy sinh trần tục, và mọi quy ước thế gian. Sau khi đã tự mình giải thoát khỏi khổ đau, ngài đã cứu giúp vô số chúng sinh giải thoát như Ngài. Với mục tiêu tối thượng của cuộc sống thánh thiện đã định hình rõ ràng và không suy chuyển trong tâm, Mae Chee Kaew tràn đầy cảm hứng vững chãi bước theo dấu chân của Đức Phật.



Hãy quan sát cẩn thận các 
triều cường ô nhiễm lên xuống 
trong tâm bạn. Đừng để chúng 
đánh lừa bạn một cách dễ dàng. 
Khi bạn đủ thành thục trong việc 
nắm bắt sự chuyển động của 
những dòng tâm ô nhiễm đó, 
bạn có thể chuyển sức mạnh 
tiêu cực của chúng thành 
năng lượng tâm linh tích cực.

Chỉ là gánh nước


Hành động táo bạo của Mae Chee Kaew đã làm xôn xao cộng đồng khăng khít của Baan Huay Sai. Các bên liên quan của hai bên gia đình lên tiếng mạnh mẽ về ý kiến của mình. Cũng là những người phụ nữ trong làng, các cô tu nữ ở Wat Nong Nong không thể tránh khỏi bị dính vào vở kịch đang diễn ra. Họ ủng hộ quyết định của Mae Chee Kaew – phần đông thậm chí còn khích lệ. Nhưng sự việc đã gây sự chú ý không mong muốn tới cộng đồng chư tăng ni, dẫn đến việc làng tham dự vào việc chùa. Sự xâm phạm khó chịu này ngày càng trở nên trầm trọng vì cự ly giữa thiền viện và làng khá gần. Do đó cần gấp một quyết định hợp lý để bảo vệ sự hài hòa tâm linh khỏi bị quấy nhiễu bởi những mối bận tâm trần tục của làng. Khả năng thay đổi địa điểm bắt đầu trở thành quan trọng, khi các tu nữ cân nhắc các phương án để cách xa làng. Ni trưởng Mae Chee Dang tin rằng cộng đồng tôn giáo, vì sự tốt đẹp lâu dài, cần phải ở vị trí cách xa đủ để việc làng không thể hàng ngày gây ảnh hưởng đến môi trường thanh bình của thiền viện.

Ajaan Khamphan, vị sư trụ trì thiền viện Wat Nong Nong đã là đệ tử lâu năm của ngài Ajaan Sao Kantasīlo, và là một vị sư theo hạnh đầu đà dhutanga được kính trọng bởi kỷ luật nghiêm ngặt và sự thông thạo trong việc hành thiền của ngài. Là một vị sư trụ trì và là người hướng dẫn tâm linh cho các đệ tử, Ajaan Khamphan có trách nhiệm đối với phúc lợi của chư tăng ni. Vì các sư cũng bị ảnh hưởng không tốt từ các việc trong làng, các cô Mae Chee Dang và Mae Chee Ying bàn bạc rất lâu với ngài Ajaan Khamphan. Quyết định cuối cùng vẫn là từ ngài. Sau khi thảo luận tỉ mỉ với các sư và các cô tu nữ, ngài đã lựa chọn việc di chuyển đến một sườn núi gần đó cùng với những người muốn đi với ngài để tạo lập một thiền viện mới.

Núi Phu Gao nằm ở dãy núi nhỏ dưới chân núi Phu Phan, cách Baan Huay Sai sáu dặm về phía tây bắc. Vào thời người ta chỉ đi bộ và xe trâu kéo, địa hình gồ ghề trên núi biến nơi này thành một điểm xa xôi khó vào đối với các thường khách. Những mỏm núi cao hơn được phủ bởi những vách đá cát kết cứng dựng đứng cao khoảng bảy tới mười mét tới triền rừng rậm được bao phủ bởi các rặng tre và gỗ cứng cao vút. Địa tầng đá đồ sộ trải dọc theo chiều dài vách đá được nhuộm màu nâu đậm vì bị địa y khô bao phủ trên bề mặt. Vách đá nhô ra che sườn dốc núi ở phía dưới, tạo thành thế thụt vào tự nhiên của hang động mở dài bên dưới mỏm đá cheo leo tạo chỗ che mưa nắng khắc nghiệt. Đầu tiên, thiếu chỗ ở thích hợp, các sư và các tu nữ ở trong các hang đất trống không, dựng những chiếc chõng tre đơn giản, đặt trên những tảng đá cách nền đất ẩm mốc vài bộ. Ở đó, từng vị sư sống và hành thiền, mỗi vị ở một chỗ riêng biệt. Không có nhà vệ sinh, các sư đi vệ sinh ở rìa vách đá, trước sự chứng kiến của những chú khỉ vui tính nhìn từ trên cành cây.

Nước là nhu cầu thiết yếu, và là nỗi lo lắng chính. Nguồn nước có thường xuyên gần nhất nằm cách xa nửa giờ đi bộ từ hang đến một dòng suối chảy qua một con lạch nông giữa hai đỉnh núi. Mọi người thống nhất quyết định rằng các cô tu nữ nhỏ lãnh nhiệm vụ gánh nước cho cả thiền viện, trong khi đó các sư làm việc với những người dân làng để dựng khung sườn đơn giản làm nền cho một thiền viện mới.

Mỗi ngày sau khi ăn cơm xong, Mae Chee Kaew giúp các tu nữ khác làm nhiệm vụ gánh nước. Cô lấy hai chiếc xô không, treo vào đòn gánh bằng tre thẳng và dài, và bắt đầu đi xuống con đường hẹp và dốc, lổn nhổn rễ cây và đá nhọn suốt đường ra đến suối. Cô quỳ bên bờ và trông cho nước mát ngọt chảy đầy xô. Đặt mỗi xô vào một đầu đòn gánh, cô quẩy gánh cân bằng lên vai và leo núi quay trở về bằng con đường cũ, qua các rễ cây và vòng qua các tảng đá, cẩn thận không để sóng những giọt nước quý giá ra ngoài. Cô về đến hang, mệt đứt hơi, nhưng đã sẵn sàng cho nhiều chuyến nữa. Sau khi đổ hết xô nước ra, cô quay lại suối để gánh đợt nữa, rồi lại đợt nữa.

Gánh nước là một công việc tẻ nhạt. Nó chỉ đòi hỏi làm từng ấy việc mỗi ngày, lê bước xuống rồi lên, xuống rồi lên… Ngày ngày Mae Chee Kaew cứ theo đúng tuần tự những công việc đó. Và cô quyết tâm không nản lòng. Quyết tâm chuyển hóa nghịch cảnh thế gian thành phạm hạnh tâm linh, cô thiền với từ buddho khi bước chân đi – niệm thầm bud khi bước một chân, dho khi bước chân kia. Khi tâm cô lắng lại, hai xô nước cảm thấy nhẹ nhàng hơn và công việc trở nên đỡ vất vả hơn. Khi tâm cô mở ra, việc gánh nước trở thành một công việc đơn giản: không có gì nhiều hơn hoặc ít hơn việc cô làm, tại đây và lúc này, trong thực tại, mỗi lúc một bước chân trong tỉnh giác.

Thỉnh thoảng các anh của Mae Chee Kaew đến thăm cô tại Núi Phu Gao. Họ cảm thấy sốc và mất tinh thần khi nhìn thấy hoàn cảnh sống, và nỗi vất vả mà cô đang trải qua. Họ yêu thương em mình và muốn bày tỏ sự gắn bó với sự nghiệp của cô. Do đó họ giúp các tu nữ lấy nước từ suối, gánh lên trên núi, hai xô đầy nặng nước mỗi lần. Nhưng không có lượng nước gánh được nào có thể đáp ứng đủ nhu cầu của sáu vị sư và năm cô tu nữ. Cuối cùng, mệt mỏi và chán nản, các anh cô cố gắng thuyết phục cô cùng họ quay về Baan Huay Sai, nơi họ có thể chăm lo chu đáo những nhu cầu của cô. Họ báo với cô rằng chồng cô đã lấy vợ, bán nhà và chuyển đến một tỉnh xa cùng Kaew và gia đình mới. Nhưng Mae Chee Kaew rất kiên định trong quyết tâm của mình để ở lại với Ajaan Khamphan và theo đuổi lối tu thiền khổ hạnh ở Núi Phu Gao.

Qua một thời gian, khi thiền viện trên núi bắt đầu thành hình, việc thiếu nước trở thành một chướng ngại, đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của thiền viện. Mọi nỗ lực để tìm một nguồn nước ở gần đó đều thất bại. Một buổi tối, tuyệt vọng, Mae Chee Kaew ngồi xuống, xếp chéo chân, thẳng lưng và hướng tâm vào trong. Cô nghiêm trang phát nguyện rằng nếu cô và chư tăng ni sẽ tu ở núi Phu Gao này, cô sẽ tìm ra nguồn nước thuận lợi. Rồi cô hành thiền như thường lệ. Đêm khuya, khi tâm cô ra khỏi trạng thái định sâu, hình ảnh tự nhiên hiện ra mười một vũng nước với những cây leo và cỏ cao mọc ở trên. Cô nhận ra địa hình khu vực núi đó vì cô đã đi qua đó vài lần, và nó rất gần hang chính.

Hôm sau, theo đề xuất của Mae Chee Kaew, các tu nữ soát tìm khu vực đó. Như Mae Chee Kaew đã mô tả, các tu nữ tìm thấy nhiều vũng nước bên dưới đám rau cỏ rậm rạp. Rất đỗi vui mừng, Ajaan Khamphan yêu cầu các tu nữ và dân làng cắt cây leo và cỏ và đào vớt trầm tích ra khỏi ao nước, một số lớp trầm tích dày tới bảy mét. Khi công việc hoàn thành, thiền viện có đủ nước ngọt để đáp ứng nhu cầu của các sư và các cô tu nữ quanh năm.

^^^


Con người đau khổ vì họ chỉ biết 
vơ vào mà không biết buông ra. 
Bất toại nguyện theo họ khắp mọi
nơi. Hãy nhìn kỹ vào tâm mình 
và học cách từ bỏ nguyên nhân 
gây đau khổ.

Bước qua cổng


Khi sống trong hang núi Phu Gao, Mae Chee Kaew bắt gặp rất nhiều hiện tượng kỳ lạ và không bình thường trong các thời thiền ban đêm. Những hiện tượng này rất đặc biệt; những thứ cô chưa bao giờ trải nghiệm trước đây. Khi cô vừa ra khỏi trạng thái định sâu, Mae Chee Kaew thấy tâm mình bước vào một thế giới quen thuộc của năng lượng tâm linh đan chéo nhau; một thế giới có vô số cõi chúng sinh vô hình. Một số cõi của những chúng sinh đến từ những vùng tối và hèn mọn, nơi họ chịu đau khổ do những quả báo của những việc làm xấu ác của họ; một số chúng sinh khác đến từ những cung trời cao hào quang rực rỡ, nơi ở của những chư thiên và phạm thiên. Như thể việc hành thiền của cô đã đưa cô đến một cánh cửa rộng mở nơi tâm cô cảm nhận được sự lôi kéo của những trường lực cạnh tranh nhau, mỗi cái đều tranh nhau chiếm sự chú ý của cô. Ajaan Mun đã gọi trạng thái đó là “cận định”, cảnh báo cô có thể bị thương tổn thế nào trước những năng lượng tâm linh khác hẳn nhau mà cô có thể đối mặt trong trạng thái cận định, và cô phải có khả năng kiểm soát vững chắc tâm của mình như thế nào trước khi bước qua khỏi cánh cổng đó. Mặc dù Mae Chee Kaew đã để ý đến lời khuyên của Ajaan Mun, bản tính cô tò mò và thích mạo hiểm, không thể cưỡng lại ý muốn mạo hiểm và nhìn ngó xung quanh.

Những gì cô chứng kiến được vừa làm cô thấy hấp dẫn lẫn kinh sợ, những quỷ thần không có thân – vị thì hú, vị thì kêu thét, hoặc khóc than – xúm quanh cô, van xin, nài nỉ để được cứu thoát khỏi sự trừng phạt khốn khổ vì những việc làm bất thiện của chính họ. Những hình thể và khuôn mặt dính vào họ như tấm vải rách, tàn dư ma quỷ của một kiếp sống quá khứ nào đó, một cuộc đời trước đây đi theo họ như vật kỷ niệm chết từ một cuộc hành trình chưa kết thúc. Tất cả đều van nài cô lưu tâm tới, xin cô cảm thông, và xin cô ơn huệ – một hành động nào đó sẽ làm lóe sáng một tia hy vọng đến góc tối nơi họ đang sống.

Vong linh của những con vật bị giết chết thường xuất hiện trong cảnh thiền của cô, cầu xin được chia một phần phước báu tinh thần của cô để giúp họ thoát khỏi nỗi đau khổ to lớn. Một đêm khuya, ngay sau khi Mae Chee Kaew ra khỏi trạng thái định, thần thức của một con trâu vừa bị giết chết hiện ra trước mặt cô, rền rĩ trong đau đớn và khóc than cho số phận của mình. Ngưng lại trong tâm ảnh của cô, như ma hiện hình, con trâu ngay lập tức nói chuyện về quá khứ buồn tủi của nó. Khi Mae Chee Kaew thu nhận thông điệp bằng tâm, con trâu kể rằng chủ của nó là một người đàn ông tàn bạo và hung tợn mà tâm thì thiếu lòng từ bi. Ông ta thường xuyên bắt trâu làm việc, cày ruộng hoặc kéo xe từ sáng tới tối, và không bao giờ khen ngợi trâu đã chăm chỉ làm việc hàng ngày. Thêm nữa, ông chủ nhẫn tâm này đánh và tra tấn con trâu liên tục. Cuối cùng, con vật tội nghiệp bị trói vào một cái cây và bị giết một cách tàn nhẫn để lấy thịt. Trước khi chết, nó phải chịu sự đau đớn và khổ sở không thể nào tả được. Nó rống lên rất to, xé rách không gian bằng âm thanh ghê rợn khi nó bị đánh bằng dùi cui liên tục vào đầu, cho đến cuối cùng nó sụp xuống, bất tỉnh. Thần thức của con trâu, vẫn còn chưa được trấn an lại và còn bám víu vào những tàn dư của hình hài cũ của nó, hy vọng được chia một phần phước báu và đức hạnh của Mae Chee Kaew để nó có cơ hội được tái sinh làm người.

Cảm nhận theo bản năng được lòng bi mẫn của Mae Chee Kaew, thần thức trâu thổ lộ hết nỗi đau đớn và sự thống khổ của loài trâu cho cô nghe. Nó mô tả sự tàn bạo mà một con trâu nước phải chịu đựng; bị ngược đãi không thương xót và bị con người hờ hững và thường xuyên bị các con vật khác lạm dụng. Thậm chí một người sống trong nghèo khổ cùng cực cũng không phải chịu đau khổ giày vò và sỉ nhục như súc vật nuôi phải chịu. Vì vậy, con trâu mong ước được đầu thai làm người trong kiếp tới.

Mae Chee Kaew ngạc nhiên nghe kể về sự tàn bạo ấy. Cô quen với nhiều nông dân trong vùng và thấy họ là những người hiền lành và dễ mến. Qua cảnh thiền định của mình, cô bày tỏ sự nghi hoặc của cô cho con vật. Con trâu nói rằng chủ của nó là người đàn ông hung bạo và tàn ác, thiếu nhân đạo; nhưng tâm của con trâu rõ ràng chất đầy sự tức tối, hận thù, có thể đã bóp méo sự thật. Mae Chee Kaew băn khoăn có khi chính con trâu cũng không ngoan. Có lẽ người chủ đánh nó vì lý do chính đáng. Mở tâm mình ra với thần thức trâu, cô đưa ra thắc mắc của mình: “Thế trâu có bao giờ ăn rau mà con người trồng trong vườn của họ không? Trâu có bao giờ gặm rau mà con người trồng cẩn thận bên bờ ruộng của họ không? Nông dân sống ở vùng này thường là những người hiền hậu và dịu dàng. Tại sao họ phải đánh trâu khi trâu không làm gì sai cả? Có lẽ trâu đã làm cái gì đó tệ lắm mới bị đối xử như vậy. Có phải vậy không?”

Câu trả lời của con trâu đã chết làm động tâm Mae Chee Kaew sâu sắc. Nó công nhận, “Tôi có làm những việc đó chỉ vì không biết. Tôi phải làm việc ngoài ruộng cả ngày, và không bao giờ được ra đồng gặm cỏ. Mệt và đói buộc tôi phải ăn tất cả những cây gì tôi thấy được. Đối với tôi, tất cả các loại rau trông như nhau cả. Tôi chưa từng được biết rằng có những loại rau có thể có chủ chăm sóc nó. Tôi không có ý lấy cắp. Giá tôi biết tiếng người, tôi đã chẳng mắc lỗi đó. Nhưng con người thông minh hơn con vật rất nhiều, do đó họ phải thông cảm hơn và tha thứ cho thói quen tự nhiên của chúng tôi. Họ không nên nhẫn tâm chỉ dùng quyền lực của mình lấn át các loài vật khác, đặc biệt khi việc đó phạm vào chuẩn mực đạo đức của con người. Một người tốt không hành xử theo cách thô bạo và đáng xấu hổ như vậy. Phần lớn nông dân ở đây đều là những người tốt bụng và dịu dàng như cô nói. Nhưng chủ cũ của tôi, ông Ton, là con người tàn bạo và hung tợn, thiếu nhân đạo. Người đàn ông cặn bã của thế giới này là người tàn nhẫn đến mức ông ta không thể có sự thương cảm và tha thứ. Ông ta còn ác với những người bạn của ông ta chứ nói gì đến những con vật thấp kém.”

Từ bé, Mae Chee Kaew luôn luôn có lòng bi mẫn mạnh mẽ đối với cảnh ngộ của gia súc nuôi trong nhà. Cô cho bò và trâu ăn những nắm lúa nếp hàng ngày, ngọt ngào nói thầm vào tai chúng rằng vì chúng làm ruộng, chúng cũng xứng đáng được ăn lúa nếp. Vì thế, những con vật này rất yêu thích cô, và thấy được ngợi khen. Ví dụ, khi dây thừng đeo chuông quanh cổ bị đứt, con bò chạy thẳng tới chỗ Mae Chee Kaew để báo cho cô việc mất chuông, thay vì chạy mất không ai biết được và sung sướng hưởng tự do. Dù sao đi nữa, Mae Chee Kaew cũng nhận ra rằng thậm chí những con vật được chủ đối xử tốt nhất cũng vẫn bị chi phối bởi nghiệp của mình là sống cuộc đời đau khổ triền miên.

Mae Chee Kaew biết rằng cảm giác tức giận và oán thù là nguyên nhân chính cho việc đầu thai vào các cõi thấp hơn. Cảm nhận được sự tức giận của người khách bất hạnh này, cô dạy nó về sự nguy hiểm tàng chứa trong trạng thái tâm tức giận và hận thù. Cô cảnh báo rằng những cảm xúc tiêu cực đó đi ngược lại với ước muốn được tái sinh làm người trong kiếp sau của nó. Nếu nó thực sự muốn được sinh làm người, nó phải kiểm soát được những ô nhiễm tinh thần tiêu cực như vậy.

Mae Chee Kaew giải thích rằng giữ ngũ giới là điều căn bản của một người tốt. Nếu nó có cơ hội được tái sinh làm người, nó phải nghiêm trang phát nguyện tuân thủ năm nguyên tắc cơ bản này. Nó không được sát sinh, hoặc làm thương tổn đến các loài khác; nó không được ăn cắp, hoặc lấy những đồ vật thuộc về người khác, như rau mà con người trồng trong vườn của họ; nó không được ngoại tình hoặc tà dâm; nó không được nói dối, hoặc cố tình đánh lừa người khác; và nó không được sử dụng bất cứ chất gì gây nghiện hoặc say.

Vì sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói dối không chỉ làm hại người khác, mà còn xâm phạm đến tinh thần cởi mở và tin tưởng tạo nền tảng cho các mối quan hệ của con người. Sử dụng chất say hoặc gây nghiện cũng được coi là xấu ác vì nó che mờ tâm trí và làm ta dễ dàng phạm bốn giới kia. Theo quan điểm của nghiệp, những hành động đó cho tái sinh ở cõi súc sinh, ngạ quỷ hoặc địa ngục. Ở những cõi thấp này, sự đau khổ rất dữ dội, và khả năng yếu kém trong việc phát triển tâm linh làm việc tạo dựng những điều kiện cần thiết cho việc tái sinh vào những cõi cao hơn trở thành vô cùng khó khăn. Vì vậy, tin tưởng giữ trọn vẹn năm giới này ngăn chặn khả năng sinh vào các cõi thấp hơn, và giúp đảm bảo sẽ được sinh làm người. Do đó, nếu trâu có thể giữ được đức hạnh ở cấp độ này, và tránh xa khuynh hướng suy nghĩ, nói năng và hành động theo hướng tà quấy, trâu có thể thực sự hy vọng vào thành quả sinh làm người, nếu không phải bây giờ thì sẽ là trong tương lai.

Hoàn toàn thương cảm cho hoàn cảnh tuyệt vọng của quỷ thần đầy lo lắng này, Mae Chee Kaew từ bi chia phước báu và công đức của mình cho trâu, hy vọng rằng việc đó sẽ giúp gieo hạt giống tái sinh vào cõi người cho nó: “Mong những phước báu và công đức tôi chia cho quý vị giờ đây sẽ giúp quý vị canh chừng hành động của mình, tưới tẩm tâm linh và dẫn quý vị đi trên con đường tăng trưởng những phẩm chất tâm linh cần thiết để được sinh vào một cõi hạnh phúc thực sự.”

Sung sướng với những công đức hiếm có của Mae Chee Kaew và nhận được lời chúc phúc của cô, thần thức của con trâu nước ra đi trong trạng thái sáng rực vui vẻ, hạnh phúc, như thể nó ra đi tái sinh vào cõi hạnh phúc đã lựa chọn.

Sáng sớm hôm sau, Mae Chee Kaew gọi riêng một người dân làng ra và khẽ khàng kể cho anh ta nghe việc xảy ra đêm qua. Cô yêu cầu anh hỏi về ông Ton, chủ cũ của con trâu, và tìm hiểu xem ông ta sống ở đâu và chuyện gì đã xảy ra giữa ông ta và con trâu. Nhưng cô nhắc người đó không được cho ông Ton biết cô đã yêu cầu anh điều tra sự việc. Nếu thấy bị bẽ mặt, ông ta sẽ có thể nghĩ xấu về Mae Chee Kaew, điều đó chỉ làm tăng thêm kho chứa nghiệp ác của ông ta.

Người nông dân trả lời ngay rằng anh và ông Ton sống trong cùng một làng và rằng anh biết ông ta rất rõ. Anh biết chắc chắn rằng ông Ton đã trói con trâu của mình vào một cái cây và giết chết nó và lúc 8 giờ tối hôm trước. Hàng xóm có thể nghe được tiếng rống thảm thiết của con vật tội nghiệp. Sau khi giết nó, ông ta nướng thịt và mở tiệc chiêu đãi bạn bè. Họ ăn tiệc cả đêm, hò hét cười nói và nhậu nhẹt om xòm đến tận gần sáng.

Những hành động xấu ác luôn làm Mae Chee Kaew mất tinh thần. Trong sâu thẳm cá nhân cô, cô cảm thấy đau nhói với nỗi buồn và than khóc, như thể chính con người tội lỗi kia là con của cô, những hành động tàn bạo của họ đã làm cô mất niềm tin vào lòng tốt vốn có của con người. Cô đã chứng kiến thủ phạm và nạn nhân đổi chỗ cho nhau trong vũ điệu nghiệp của quy tội và trả thù, tàn bạo và sân hận, xoắn ốc đi xuống dưới, từ kiếp này đến kiếp khác, xuống những cõi tối hơn và thấp hơn. Mae Chee Kaew nói với anh nông dân giúp đỡ cô rằng hy vọng chuộc lỗi duy nhất của con trâu là ở chỗ nó từ bỏ sự căm ghét và oán thù, và vui vẻ với những công đức lành của những người khác. Mặc dù cõi quỷ thần hạn chế nó tạo được phúc đức, nó vẫn có thể tham gia vào những việc thiện của người khác bằng cách tán thán những hành động đó và tự trong tâm đồng cảm với những phước quả của những công đức đó. Bằng việc tạo mối giao cảm tâm linh với cô, con trâu đã chết đó đã bước một bước tích cực tiến tới việc tái sinh thuận lợi.

Các chúng sinh còn đang lang thang trong vòng luân hồi nên suy ngẫm cẩn thận về các sự việc này, hoàn cảnh tương tự có thể xảy đến với bất cứ ai xao lãng phát triển đức hạnh tinh thần, hay khinh khi việc giữ những nguyên tắc đạo đức cơ bản.



Đừng chỉ có ăn và ngủ 
như một súc vật bình thường. 
Nhớ giữ mình không bị mê hoặc 
bởi cuộc sống trần tục và nên 
sợ sự tái sinh trong tương lai 
một cách lành mạnh. 
Đừng ngồi không vô ích trong 
đêm nhìn đám than hồng của 
cuộc đời mình âm ỉ cháy 
trước lúc tàn lụi.

Chú lợn rừng


Mae Chee Kaew giao tiếp với các chúng sinh vô hình bằng ngôn ngữ không lời của tâm, ngôn ngữ chung của tất cả chúng hữu tình. Dòng tâm thức của chúng sinh vô hình truyền ý nghĩ và cảm xúc với ý nghĩa và mục đích – cũng giống như cách và nội dung diễn đạt của lời nói là do tâm của con người tạo nên. Mỗi luồng suy nghĩ xuất phát từ một dòng tâm thức được điều chỉnh hài hòa theo một ý nghĩa và mục đích cụ thể, và do vậy truyền tải được một thông điệp rõ ràng và không nhầm lẫn. Khi một luồng suy nghĩ giao thoa với khả năng nhận biết của một dòng tâm thức khác, nó truyền đạt thông điệp trực tiếp cho dòng tâm thức thu nhận, như một ý tưởng hoặc ý kiến đầy đủ và mạch lạc. Sử dụng đối thoại trực tiếp bằng ngôn ngữ không lời, Mae Chee Kaew hỏi những vị khách vô hình của mình, hỏi về quá khứ của họ và lắng nghe chuyện họ kể. Cô muốn giúp đỡ họ; nhưng trong phần lớn các trường hợp, tất cả những gì cô có thể làm được là chia phước báu từ việc hành thiền và sự trong sạch của đời sống tinh thần cô có cho họ. Tùy họ tiếp nhận và sử dụng phước báu đó một cách tốt nhất có thể.

Có một hiện tượng xảy ra thậm chí kỳ dị hơn việc nói chuyện với thần thức của con trâu. Khi Mae Chee Kaew đang hành thiền, thần thức của một chú lợn rừng bị giết xuất hiện như cảnh trong thiền định. Đi lang thang một mình trong rừng tìm mồi vào ban đêm bên triền bên kia của Núi Phu Gao, chú lợn rừng bị một người đi săn trong vùng, rình ở gần một hố nước hay có thú rừng qua lại, giết hại.

Vào lúc tảng sáng, bóng ma của chú lợn rừng tự nhiên hiện lên trong cái nhìn của Mae Chee Kaew. Đã quen với việc nhìn thấy những bóng ma như vậy, cô hướng luồng tâm thức của mình, hỏi ngay chú lợn rừng lý do đến gặp cô. Chú hổn hển nói lắp bắp như vẫn còn đang sốc. Chú lợn rừng kể rằng chú bị người đi săn tên là Dum giết trên đường đến hố nước. Mae Chee Kaew băn khoăn tại sao chú lợn không cẩn thận hơn để tránh bị bắn. Chú lợn rừng xin cô hiểu cho rằng nó đã luôn rất cẩn trọng đề phòng thợ săn, luôn cảnh giác vì sự sống của nó phụ thuộc vào việc đó. Nhưng sự tồn tại của thú hoang khó khăn ngoài sức tưởng tượng, và cuộc sống của chúng đau khổ và khắc nghiệt không thể chịu đựng được. Sống nơi hoang dã, phụ thuộc hoàn toàn vào sự thay đổi của thời tiết, các chú lợn rừng luôn luôn sống trong sợ hãi. Cuộc sống của chúng liên tục bị nguy hiểm, bị các con thú săn mồi, thợ săn và người đặt bẫy đe dọa. Nhờ rất cảnh giác, chú lợn rừng đã sống sót được nhiều năm trên núi; nhưng, cuối cùng cũng không thể tránh khỏi bị giết.

Chú lợn rừng nói với Mae Chee Kaew rằng chú rất kinh sợ phải đầu thai lại làm thú hoang, chịu một cuộc sống đau đớn và thống khổ không thể tưởng tượng được, cuộc sống đầy nỗi sợ hãi dai dẳng và nghi ngờ. Một con lợn rừng không thể được nghỉ ngơi hoặc được bình yên. Khiếp sợ rằng mình không thể tránh được việc đầu thai làm một con thú khác, chú lợn rừng đến cầu xin Mae Chee Kaew hồi hướng một phần phước báu và công đức của cô để tăng khả năng nó được đầu thai làm người. Vị quỷ thần này nói với cô một cách tội nghiệp rằng nó không có đủ phước báu và công đức để tin tưởng vào tương lai của mình. Con lợn rừng không có gì đáng giá để cúng dường đến cô, trừ thịt từ tấm thân vừa mới bị giết của nó. Do vậy, nó khẩn khoản xin cô hãy từ bi ăn một chút thịt của nó để cô có thể tăng sức khỏe thể chất nhằm giữ vững cuộc sống tinh thần mẫu mực của cô. Đồng thời, cách đó cũng giúp cho chú lợn rừng tạo phước báu.

Chú lợn rừng sốt sắng nói với Mae Chee Kaew rằng sáng hôm sau gia đình của người thợ săn sẽ mang thịt của chú đến cúng dường cho các sư trong thiền viện. Chú lợn rừng cầu xin cô hãy ăn thịt nó, hy vọng hành động bố thí cúng dường đó sẽ mang lại đủ phước báu để nó có thể tái sinh làm người. Chú lợn rừng muốn được cúng dường cô những miếng thịt ngon nhất từ thân mình; nhưng, con người bản chất vốn tham lam, nó sợ rằng gia đình người thợ săn sẽ giữ lại phần thịt ngon nhất cho mình và cúng dường cho Mae Chee Kaew phần thịt kém chất lượng hơn.

Mae Chee Kaew bị lôi cuốn bởi đề nghị của vị khách của mình. Trong bao nhiêu năm hành thiền, chưa bao giờ cô gặp trường hợp thần thức của một con vật đã chết lại muốn tạo phước báu bằng việc cúng dường thịt từ chính thân mình. Thông cảm sâu sắc cho cảnh ngộ không may của chú lợn, vừa rải tâm từ, cô vừa im lặng chấp nhận ý nguyện làm phước đó. Cô khích lệ cho chú lợn rừng về công đức của việc bố thí, truyền cảm hứng tự hào khi làm được việc thiện. Cũng như đối với nhiều chúng sinh ở các cõi thấp hơn, cô nhấn mạnh lợi ích của việc giữ năm giới như nền tảng để được sinh làm người, và khuyến khích chú lợn rừng giữ những điều học này để rèn luyện thân, khẩu và ý. Cô phát nguyện chia phước báu từ những công đức của cô với hy vọng rằng chú lợn sẽ được đầu thai như ý muốn. Mãn nguyện với lời đảm bảo của Mae Chee Kaew, và phấn chấn bởi lời chúc phúc của cô, chú lợn kính cẩn xin cáo từ và ra đi.

Sáng hôm sau, khi mặt trời ló rạng, Mae Chee Kaew gặp các vị tăng ni tại sala chính và khẽ khàng kể lại chuyện kỳ lạ này. Cô tả lại tỉ mỉ chi tiết chuyện của chú lợn rừng để các vị tăng ni hiểu rõ hoàn cảnh này và vì lòng bi mẫn hãy chấp nhận miếng thịt từ con vật đã bị giết nếu gia đình người đi săn mang thịt lợn rừng đến cúng dường vào buổi sáng. Cô cố gắng thuyết phục tất cả chư tăng ni đều ăn miếng thịt đó như là cách đề cao hảo tâm cúng dường của chú lợn và hy vọng giúp thần thức của chú lợn được tái sinh làm người.

Sau đó vào buổi sáng, vợ của anh Dum, người thợ săn, đến thiền viện mang theo một ít thịt lợn rừng nướng thành kính dâng cúng tới Ajaan Khamphan và các sư. Khi các sư hỏi thịt ở đâu ra, chị trả lời đúng y như những gì Mae Chee Kaew đã nghe từ chú lợn rừng, đúng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các vị tăng và ni chia nhau miếng thịt được cúng dường, hy vọng rằng theo một cách nào đó hành động từ bi của các sư và các cô tu nữ sẽ giúp giảm bớt nỗi thống khổ của chúng sinh bất hạnh đó.

Mae Chee Kaew đã được học về cái chết và sự tái sinh và tâm tham ái nối liền hai đầu tử sinh, xâu kết các kiếp sống thành một chuỗi dài đau đớn và thống khổ vô cùng tận. Cô đã gặp những tính cách bị tạo nên bởi lòng tham, bị sân hận sai khiến, và bị đè nặng bởi nghiệp của chính mình khi họ bơi một cách vô vọng, vô định, trong biển si mê rộng lớn. Những chúng sinh bị mắc ở các cõi giới thấp hơn không có phước báu và công đức của riêng mình mà họ có thể sử dụng lúc cùng quẫn. Trong những kiếp trước, khi những quỷ thần đó đã được làm người, họ không tạo được thói quen vị tha, và không chú ý tới năng lực bảo vệ của việc giữ giới. Vì khi làm người, họ đã không tích lũy phước thiện cho tương lai, khi chết thần thức của họ bị chìm xuống cõi tăm tối, nơi đó gần như không thể tạo được phước thiện. Vì không có nguồn phước thiện do tự họ tạo ra, các quỷ thần và các ngạ quỷ lang thang khác phụ thuộc vào sự cứu giúp của người khác. Nếu những người có công đức không giúp họ bằng việc chia sẻ bằng tâm phước báu mình tạo được từ hành động của thân, khẩu và ý, các quỷ thần sẽ bị rơi vào cảnh túng quẫn hoàn toàn, không thể nào tái sinh được vào cảnh tốt đẹp hơn. Họ sẽ phải chờ đợi, chịu đựng các hoàn cảnh thống khổ là hậu quả của những việc mình đã làm, cho đến khi quả của nghiệp bất thiện hoặc quả của sự khinh khi lơ đễnh chấm dứt. Đối với Mae Chee Kaew, ma quỷ giống như những con vật bị lạc đàn, đi lang thang bất định xuyên qua các cảnh giới cằn cỗi khiếp đảm, và bị săn đuổi bởi chính sự nghèo nàn về tinh thần của mình và không có chủ nào chăm sóc. Đối với những chúng sinh bị mắc kẹt trong quả của những việc làm bất thiện, họ ở trạng thái tồn tại nào đi nữa cũng không mấy khác nhau vì mức độ đau đớn và khốn khổ của họ tiếp tục không giảm bớt.


Tất cả các cõi tâm thức, 
và tất cả các chúng sinh 
đều bắt nguồn từ tâm. 
Vì vậy, tốt hơn cả là 
bạn hãy chú ý duy nhất tới 
tâm của chính mình. Ở đó, 
bạn sẽ tìm thấy cả thế gian.

Ma quỷ trong núi


Dưới sự lãnh đạo của Ajaan Khamphan, thiền viện trên Núi Phu Gao phát triển thành một môi trường tâm linh mạnh mẽ, nơi chư tăng ni siêng năng tập trung vào hành thiền. Ajaan Khamphan đã sống dưới sự dạy dỗ của Ajaan Sao vài năm và ngài hướng dẫn các hoạt động tu hành theo đúng tinh thần như người thầy giàu kinh nghiệm nổi tiếng của mình đã làm. Trên Núi Phu Gao, không khí hài hòa của tình huynh đệ luôn chiếm ưu thế, mỗi vị sư và mỗi cô tu nữ cùng chung sống hòa thuận. Hình ảnh các sư lặng lẽ đi vào làng khất thực mỗi buổi sáng thật là ấn tượng. Các cô tu nữ ở lại thiền viện, tập trung quanh bếp ngoài trời để nấu xôi, chuẩn bị thức ăn đơn giản để góp chung với vật thực các sư khất thực được đem về. Dân làng đã làm một cái ghế dài ở khu tiền sảnh của thiền viện. Các cô tu nữ đứng tại đó và đặt thức ăn các cô đã chuẩn bị vào bát của các sư khi các sư từ làng trở về. Về thiền viện, vào sala chính, các sư cùng nhau thọ thực trong yên lặng, ngồi theo đúng thứ bậc của mình. Sau khi được chúc phúc, các cô tu nữ quay về khu của mình để thọ thực – cũng trong yên lặng và ngồi theo thứ bậc. Khi các sư thọ thực xong, mỗi sư tự rửa bát của mình, lau thật khô, đặt vào trong tay nải và xếp gọn lại. Các tu nữ rửa bát đĩa và dụng cụ nấu nướng, xếp mọi thứ gọn lại rồi quét khu bếp sạch sẽ.

Khi nhiệm vụ buổi sáng kết thúc, toàn thể chư tăng ni quay về khu vực riêng biệt trong những chiếc chòi nhỏ, nơi các sư tập trung hành thiền, đi hoặc ngồi. Các sư và các cô tu nữ ở trong rừng cho đến 4 giờ chiều rồi trở về bắt đầu làm việc vặt buổi chiều. Khi từ rừng trở về, trước tiên các sư quét sân của thiền viện. Sau khi quét xong, các sư cùng nhau xách nước từ những ao gần đó đổ vào các thùng chứa nước khác nhau: nước để uống, nước để rửa chân, rửa bát và nồi nấu. Sau khi tắm nhanh gọn xong, chư tăng ni lại tiếp tục hành thiền. Những tối không có họp mặt, các sư và các cô tu nữ tiếp tục hành thiền đến đêm khuya rồi đi ngủ.

Thường thường, Ajaan Khamphan gọi các sư và các cô tu nữ họp mặt một tuần một lần vào ngày tụng giới. Bắt đầu từ chập tối, toàn thể đại chúng đồng thanh tụng kinh, niệm những bài kệ thiêng liêng ca tụng Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng. Sau khi âm vang mềm mại của tiếng tụng kinh đã tắt hẳn, Ajaan Khamphan giảng một thời pháp sách tấn về hành thiền. Khi ngài giảng xong, ngài trả lời câu hỏi hoặc giải đáp thắc mắc mà các đệ tử mình nêu ra, và đưa ra lời khuyên làm thế nào để hành thiền tiến bộ. Nếu có câu hỏi cần trả lời gấp trong những ngày khác, vị sư hoặc cô tu nữ đó có thể hỏi riêng ngài bất kỳ khi nào thuận tiện.

Ajaan Khamphan giữ một phong cách tu tập mẫu mực khiến cho các đệ tử ngưỡng mộ và kính trọng. Ngài nhẹ nhàng và khoan dung, một phong thái chân thật luôn đơn giản và mộc mạc. Việc hành trì tâm linh và đạo hạnh của ngài thể hiện một trạng thái tâm định tĩnh và bình an. Ngài rất thuần thục trong việc đạt được trạng thái thiền định sâu, và rất hiểu biết về các hiện tượng khác nhau có thể trải nghiệm trong trạng thái định. Vì vậy, những kỹ năng hành thiền của ngài thích hợp với khả năng bẩm sinh của Mae Chee Kaew. Tâm ngài tập trung vào trạng thái định sâu một cách hoàn toàn dễ dàng, tạo điều kiện tiếp xúc rộng rãi với các chúng sinh cõi tinh thần. Mae Chee Kaew có thể sử dụng lợi thế về sự tinh thông của ngài để làm kỹ năng của cô tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực không bình thường của thiền định, và cô rất biết ơn sự dìu dắt của Ajaan Khamphan.

Mae Chee Kaew gặt hái được rất nhiều thành quả thiền tập trong những năm sống trên Núi Phu Gao. Với mỗi đột phá mới vào cõi vô hình của các quỷ thần có tri giác, cô thu thập được nhiều hiểu biết về các cõi phi vật chất. Với sự trợ giúp của Ajaan Khamphan, cô đã tăng cường khả năng khám phá các hiện tượng khác nhau trong nhiều cảnh giới phi nhân bậc thấp nhưng vi tế, nằm ngoài khả năng nhận thức của người bình thường. Những trải nghiệm này rất nhiều và đa dạng đến nỗi cô không bao giờ thấy mệt mỏi trong việc khám phá thế giới quỷ thần. Cô ngạc nhiên phát hiện ra rằng một số loại ma quỷ sống trong những cộng đồng có tổ chức giống như loài người. Ngược hẳn lại với nhiều loại quỷ thần lang thang khác, những cộng đồng này có một vị lãnh đạo quản lý những hoạt động xã hội và cố gắng giữ hòa bình. Do nghiệp bất thiện trong quá khứ trổ quả không đúng lúc, một vài chúng sinh tuy có tích lũy được nhiều công đức vẫn bị tái sinh vào cõi ngạ quỷ. Vì vẫn giữ được những phẩm chất đức hạnh, họ có thể có đạo lực lớn, có được cả kho sự kính trọng của đồng loại. Những vị nghèo nàn về mặt tâm linh kinh sợ những vị có uy lực và giới đức. Trong xã hội quỷ thần, Mae Chee Kaew chứng kiến rằng quả của thiện nghiệp luôn luôn có sức mạnh hơn ảnh hưởng của bất thiện nghiệp. Chỉ nhờ có uy lực của giới đức, một cá nhân có thể cai quản cả một cộng đồng đông đảo.

Mae Chee Kaew còn thấy rằng cộng đồng của quỷ thần không chia riêng rẽ thành các nhóm hay đẳng cấp. Ngược lại, thứ bậc trong xã hội của họ tuân thủ chặt chẽ theo thứ tự do quả của nghiệp của mỗi quỷ thần, làm cho họ không thể có định kiến như loài người. Bản chất của kiếp quỷ thần và địa vị xã hội của họ có tương quan với nhau, đó là luôn luôn có quả báo thích đáng đối với những việc làm bất thiện của họ trong quá khứ.

Thỉnh thoảng, vị quỷ thần đứng đầu dẫn Mae Chee Kaew đi thăm quan lãnh địa mà vị ấy cai quản và mô tả điều kiện sống của các loại quỷ thần khác nhau. Cô được cho biết rằng thế giới quỷ thần cũng có một bộ phận lưu manh. Những tên côn đồ quấy rối bị vây bắt và cho vào trong một khu khép kín mà con người có thể gọi là “nhà tù”. Vị quỷ thần đứng đầu nhấn mạnh rằng những quỷ thần bị tù thuộc loại có tâm thấp kém, làm xáo trộn sự thanh bình của người khác một cách quá đáng, họ bị kết án và bị bỏ vào tù theo mức độ tội nặng nhẹ của họ. Những vị có hành xử tốt thì sống bình thường tùy theo nghiệp của mình. Vị quỷ thần đứng đầu nhắc cô rằng từ “ma quỷ” là cái tên do con người đặt ra. Ma quỷ thực ra chỉ là một hình thức sống bằng tâm thức giữa nhiều loài chúng sinh khác trong vũ trụ, tồn tại theo điều kiện nghiệp của chính mình.

Tâm thức chư thiên là một hình thức tồn tại có giác quan cảm nhận tuân theo quy luật của nghiệp. Nhờ thiền định, Mae Chee Kaew biết được sự đa dạng phong phú trong việc trải nghiệm các thế giới khác. Thỉnh thoảng, tâm thức của cô tách rời khỏi thân cô và đi lang thang khám phá các cõi trời, hoặc các tầng trời Phạm Thiên khác nhau. Cô tới thăm nhiều loại chúng sinh ở thể vi tế, được gọi là các vị trời hay chư thiên, những vị trời này tồn tại theo thứ bậc tiến triển tùy vào mức độ vi tế và tế nhị – đó là những chúng sinh đến đây nhờ những quả phước của nghiệp lành mà họ đã gieo trồng. Cô đã gặp các chư thiên sống trên mặt đất – những vị thần tỏa sáng lung linh, sống trong rừng, trong lùm cây và trên cây cao. Họ sinh ra ở đó do mối liên hệ mạnh mẽ tự nhiên của họ đối với trái đất. Mặc dù sự tồn tại của họ ở ngoài tầm cảm nhận của con người, họ luôn hiện rõ ràng trước thần nhãn của Mae Chee Kaew. Cô thấy họ là những chúng sinh luôn cảm thấy mãn nguyện và cuộc sống sung sướng của họ luôn đầy ắp những vui thú ở các giác quan. Những niềm vui sướng này là phần thưởng xứng đáng cho công đức họ đã tích lũy được. Cũng như người, họ đã góp nhặt được nhiều phước báu nhờ bố thí rộng rãi, giữ giới và hành thiền. Điều này đưa họ đi tái sinh ở cõi trời nơi họ sống một đời hạnh phúc, được hưởng nhiều dục lạc ngũ trần.

Mặc dù chư thiên có nhiều đức hạnh, bản chất thụ động của họ cho họ ít cơ hội chủ động tạo thêm nghiệp thiện để kéo dài sự tồn tại nơi cõi trời. Do vậy, khi chư thiên hết quỹ công đức của mình rồi, họ có thể sẽ tái sinh xuống thế giới loài người, nơi mà, hy vọng xu hướng sống có đức hạnh của họ sẽ giúp họ lại làm đầy lại kho phước báu của mình. Ngược lại với các quỷ thần, những vị bị mắc vào vòng luẩn quẩn của những quả ác và khốn khổ, chư thiên vui hưởng sung sướng trong hạnh phúc do nghiệp thiện đang đà trổ quả của mình. Tuy nhiên, chư thiên có chung một đặc điểm như tất cả các chúng hữu tình: sức nặng của sự dính mắc vào các cảm xúc khiến họ luân hồi mãi mãi mà không thấy đâu là kết thúc.

Một điều quan trọng phải hiểu là các cõi này tồn tại theo chiều tâm thức mà không phải là cõi vật chất. Bằng cách định rõ đặc điểm của các cõi trời như là hình thức tồn tại các tầng bậc ngày càng “cao hơn” và thanh sạch hơn và cõi quỷ thần tương ứng là ở bậc “thấp hơn”, tính chất tinh thần thuần túy của tâm thức đã bị gán ghép chuẩn mực vật chất một cách sai lầm. Các từ “đi lên” và “đi xuống” là từ ngữ quy ước, khi nói về sự vận động của thân vật lý. Những từ này có rất ít điểm tương đồng với luồng tâm thức mà sự vận hành vi tế của nó nằm ngoài phạm trù so sánh của thế gian. Về mặt vật lý, chuyển động lên và xuống đòi hỏi sự chủ tâm nỗ lực. Nhưng khi tâm hướng tới cõi cao hơn hay thấp hơn của tâm thức, phương hướng chỉ đơn thuần là phép ẩn dụ và không cần nỗ lực.

Khi nói rằng các cõi trời và cõi Phạm Thiên được xếp theo trục đứng trong hàng loạt các cảnh giới, điều này không nên hiểu theo nghĩa đen như một cái nhà gồm có nhiều tầng. Những cõi này tồn tại theo chiều tâm thức và việc đi lên đạt được bằng tinh thần, nhờ hòa hợp dòng thức của tâm với sự rung động vi tế hơn của tâm thức. Tâm thức đi lên theo nghĩa bóng, về phương diện tâm linh: nghĩa là một tâm đã phát triển loại khả năng này thông qua việc thực hành bố thí, giữ giới và hành thiền. Khi nói địa ngục là “ở phía dưới”, người ta không ám chỉ việc đi xuống dưới theo cách vật lý vào sâu trong lòng đất. Thay vào đó, điều này nói đến việc hạ thấp xuống về phương diện tâm linh đến một đích tinh thần. Và những người có thể nhìn được các cõi thiên đàng và địa ngục là nhờ năng lực tâm linh nội tại của chính họ.

Đối với những người thuần thục với những kỳ bí của thiền định, giao tiếp tâm linh cũng bình thường như các khía cạnh khác mà con người trải nghiệm. Khởi lên từ luồng tâm thức, thông điệp cốt yếu được truyền bằng ngôn ngữ của tâm có ý nghĩa đầy đủ mà cá nhân quan sát hiểu nó rõ ràng như khi thông tin được truyền bằng ngôn ngữ quy ước. Mỗi một dòng ý nghĩ được phát ra trực tiếp từ tâm, và do đó diễn đạt các cảm thọ chân thực của tâm, và ý nghĩa chính xác, không cần giải thích thêm. Đối thoại bằng lời nói cũng là một phương tiện của tâm; nhưng thực sự là lời nói thường không phản ánh đúng các cảm thọ chân thật của tâm, do đó sai lầm thường dễ xảy ra trong việc truyền tải nghĩa chính xác của tâm. Sự khập khễnh này được loại bỏ nhờ việc đối thoại trực tiếp tâm truyền tâm.



Hãy canh chừng cẩn thận 
hành động, lời nói và ý nghĩ 
của bạn, và hãy tự hành xử 
một cách điềm tĩnh. 
Đừng nói nhiều quá và tạo 
khó khăn cho mình. Hãy 
xem chừng lời nói của bạn 
và cười có chừng mực.

Động Nok Kraba


Năm tháng trôi qua, việc hành thiền của Mae Chee Kaew đã phát triển thành nề nếp và có định hướng rõ ràng, và mỗi lần gặp gỡ mới với thế giới các quỷ thần càng củng cố đà tu của cô. Cô để hàng giờ xem xét những đau đớn và nỗi thống khổ của các chúng sinh khác, nhưng cô không soi rọi lại chính mình và những dính mắc cảm xúc làm cô bắt rễ sâu trong vòng sinh tử luân hồi. Vì những cảnh cô nhìn được tiếp xúc với các trường cảm nhận bên trong của tâm khi tập trung nhận biết vào bên trong, cô coi những cảnh đó như là việc khám phá chính tâm mình và các khả năng thần thông sâu sắc của tâm. Cô tin rằng với việc tìm hiểu các hiện tượng phát sinh trong khi thiền định, cô có thể thấy sự thật về chúng, và từ đó, hiểu được cái biết tinh thần nhận biết chúng. Nhưng mặc dù thế giới hiện ra trong cảnh tâm linh đó của cô là những cảnh giới của những chúng sinh mà mỗi chi tiết nhỏ đều sống động và có đặc thù riêng như cõi người, những cảnh giới đó cũng chỉ là những đối tượng bên ngoài đối với người hành thiền, người nhận biết chúng. Dù không có hình khối và không thể xúc chạm được, những hiện tượng đó, xét về bản chất, đều là đối tượng của sự nhận biết, và do đó nằm bên ngoài cái tâm nhận biết chúng. Bằng việc tập trung duy nhất vào những cảnh mình thấy, việc hành thiền của Mae Chee Kaew đã bị chi phối hoàn toàn bởi thế giới tâm linh bên ngoài làm cho cô bỏ qua thế giới bên trong đáng kinh ngạc tồn tại bên trong tâm cô.

Mae Chee Kaew không hiểu được sai lầm căn bản này trong việc hành trì của mình, và Ajaan Khamphan chưa có đủ trí tuệ bẩm sinh để chỉ ra sai lầm đó. Bản thân ngài cũng chưa bao giờ vượt ra ngoài các tầng thiền định và các hiệu ứng thần bí của nó, do đó ngài không thể dẫn cô ra khỏi sự mê đắm theo chiều tâm linh. Mặc dù ngài có định tâm mạnh mẽ hiếm có, ngài thiếu sự hiểu thấu xác thực về bản chất nhất thời và bất toại nguyện của các hiện tượng tâm linh. Mặc dù Mae Chee Kaew tin rằng Ajaan Khamphan là một người dìu dắt giỏi, cô chưa hiểu rằng cô cần có một người thầy lỗi lạc thật sự.

Càng ngày, sự mê đắm của Mae Chee Kaew với nhiều cõi tâm thức khác nhau càng mạnh. Cô khao khát sự sôi động của những trải nghiệm mới, và thêm nhiều hiểu biết – chính sự ham muốn này dẫn tất cả chúng hữu tình lang thang mãi mãi trong thế giới tâm linh của vòng luân hồi. Mae Chee Kaew chưa hoàn toàn hiểu biết thấu đáo bài học về sự thực của đau khổ và nguyên nhân gốc rễ của nó, và Ajaan Khamphan, với tất cả định lực của mình, không đủ khả năng chỉ dẫn cô thoát ra khỏi sự nguy hiểm trong việc quá nghiêng về định hơn tuệ. Do vậy, Mae Chee Kaew bị say sưa với sự vắng lặng thanh bình của thiền định, và vô tình đã trở thành nghiện sức mạnh diệu kỳ của tưởng.

Mae Chee Kaew sống trên Núi Phu Gao từ 1937 đến 1945, thời gian quân Nhật chiếm đóng Thái Lan và kéo theo xung đột lớn trong vùng, nhanh chóng trở thành chiến trường lớn trong Đại Chiến Thế giới thứ II. Máy bay quân sự chở các đoàn ném bom bay trực tiếp qua nơi tu tập của thiền viện và thường thả những quả bom không dùng hết xuống triền núi trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân gần đó. Những vụ nổ theo từng đợt chói tai làm các sư và các cô tu nữ phải tìm chỗ trú an toàn dưới mỏm núi nhô ra. Chỉ có Mae Chee Kaew không bị xáo trộn, bình tĩnh tiếp tục hành thiền không sợ sệt hoặc bực dọc. Cô quyết tâm phát triển hoài bão của mình bằng cách dành trọn thân và tâm mình cho việc tìm Pháp. Cô biết cô cần cương quyết đi trên con đường này nếu cô muốn vượt thoát khổ đau trong kiếp sống này.

Trong một đợt ném bom liên tục, môi trường hành thiền của các tu nữ bị gián đoạn nghiêm trọng làm Mae Chee Kaew và vài cô tu nữ khác phải chuyển từ Núi Phu Gao đến hang Nok Kraba để được cách biệt hơn. Trèo lên con đường mòn quanh co trên núi vào những lúc yên bom trong ngày, các cô đến dãy núi kề bên, cách xa khỏi đường bay bình thường của quân đội. Nok Kraba là một hệ thống hang rất rộng, kéo dài đến tận triền núi lởm chởm, cho phép mỗi tu nữ có một hang đá riêng biệt, nơi các cô có thể hành thiền khá tĩnh mịch.

Đêm khuya của hôm đầu tiên, khi ra khỏi trạng thái định sâu, luồng tâm thức hướng ngoại của Mae Chee Kaew chạm chán một vị thần to lớn giống như rắn, mà cô nhận ra ngay là nāga, một quỷ thần mà môi trường sống tự nhiên của nó là các hang đào sâu hoắm dưới đất và có khu nước ngầm bên dưới. Nāga luôn làm Mae Chee Kaew bị lôi cuốn về khả năng thay đổi hình dạng vật chất của họ như ý muốn, họ thường xuất hiện đội lốt người. Với sự bất kính càn rỡ, nāga đó nhanh chóng quấn thân vô hình của mình quanh người cô, uốn cong cái mặt của loài bò sát vào sát mặt cô và và đe dọa sẽ ăn thịt cô và tất cả các tu nữ trước khi mặt trời mọc bằng giọng trêu trọc. Mae Chee Kaew hiểu sức mạnh của việc không sợ chết. Mặt đối mặt với cái đầu to của nó, cô bình tĩnh cảnh báo nāga hãy cân nhắc hậu quả đạo đức của sự liều lĩnh này. Cô nhắc nāga rằng các tu nữ là con của Đức Phật, bậc mẫu mực về sự hoàn hảo tâm linh, và không bao giờ được phép xâm phạm họ. Khi nāga vẫn giữ tư thế ngang ngạnh của mình, cô đáp lại rằng nếu nó thực sự muốn ăn thịt các tu nữ, nó hãy ăn thịt cô trước. Nāga liền mở rộng cái miệng giống miệng rắn và chuẩn bị tấn công cô. Nhưng do oai lực thần kỳ của giới đức từ Mae Chee Kaew, miệng nó bỗng nhiên bắt đầu cháy bỏng đến nỗi nó hét lên vì đau. Nhún nhường và kiềm chế, nāga đó ngượng nghịu hóa hiện nguyên hình thông thường là một nam thanh niên và trở nên thân thiện.

Trong hình hài của một nam thanh niên, nāga đồng ý chia sẻ hang của mình với các tu nữ. Nhưng nó vẫn là một chúng sinh tinh quái, đi lại lăng xăng và không chịu ngồi yên một chỗ. Nam thanh niên kỳ lạ đó thích ngồi trên một tảng đá ở giữa động và thổi sáo rất to, âm thanh nghịch ngợm vang vọng khắp khu hang sâu. Nhưng mỗi khi anh ta tới gần Mae Chee Kaew đang ngồi thiền, tiếng sáo bị câm bặt một cách thần bí, dường như các nốt không thể thoát ra khỏi miệng sáo. Bí ẩn này làm anh ta bối rối và thất vọng. Càng lúc, việc đó càng làm anh ta phải nghĩ rằng cô có thể kiểm soát được âm thanh anh ta tạo ra. Đồng thời, anh ta càng có ấn tượng nhiều hơn về sức mạnh kỳ lạ của cô và thất vọng trong việc có thể thắng được cô.

Một hôm, Mae Chee Kaew thấy người thanh niên cầm cây sáo tiến lại gần và cô hỏi anh ta đi đâu. Nāga trêu cô, nói rằng anh ta có ý định tán tỉnh một phụ nữ trong làng, nhưng nghĩ rằng có lẽ tốt hơn là nên tán cô. Cô trừng mắt nhìn anh ta và bảo rằng cô là một người có giới đức không thèm muốn đàn ông. Cô thúc giục anh ta cần phát triển những nguyên tắc đạo đức căn bản trong mình, nhấn mạnh rằng đức hạnh là nền tảng của những phẩm chất đặc biệt mà mọi chúng sinh đều yêu quý và nương vào. Cô giải thích rằng giữ giới tạo rào chắn giúp ngăn chặn các chúng sinh lạm dụng tài sản vật chất và tinh thần của người khác; và rằng nó cũng bảo vệ và giữ gìn giá trị nội tâm của chính chúng sinh đó. Nếu không có sự câu thúc bảo vệ của giới, sự ngược đãi và phóng túng sẽ lan tràn khắp thế giới đến nỗi nơi đây sẽ không còn lấy một hòn đảo nào là bình yên và an toàn nữa. Mae Chee Kaew thuyết phục nāga trẻ dừng lại thái độ chai lì bất chấp những giá trị tâm linh đó lại và sửa đổi quan điểm sống của mình theo các nguyên tắc đạo đức của Đạo Phật. Loại bỏ những ảnh hưởng xấu đó khỏi tâm mình thì nhất định sẽ tạo được sự bình yên và hạnh phúc cho bản thân anh ta và các chúng sinh khác.

Rất ấn tượng với lỹ lẽ của cô, nāga trẻ đó nhận lỗi và xin cô tha thứ. Đáp lại sự mềm xuống của tâm anh ta, Mae Chee Kaew cổ vũ anh ta giữ năm giới cơ bản:

Trước tiên, anh phải tránh xa việc làm hại các chúng sinh khác. Như vậy, anh sẽ học được cách kiềm chế giận giữ và tăng trưởng lòng từ bi. Anh cần phải tránh xa việc lấy những thứ không được chủ nhân của chúng cho phép. Bằng việc loại trừ tâm tính của kẻ cắp, lòng tham được kiểm duyệt và đức hy sinh có chỗ để phát triển. Cần phải loại bỏ tất cả các quan hệ tình dục bất chính bởi vì tránh xa việc tà dâm giúp hạn chế thèm khát nhục dục và phát triển tâm an lành. Bằng cách tránh xa sự nói dối, và luôn nói thật, anh ta sẽ kìm cương được những xu hướng nói lời giả dối và anh xem trọng sự chân thật trong mọi việc làm của anh. Không dùng chất say tránh cho anh khỏi hưng phấn tinh thần có hại và phát triển tâm tỉnh giác, là điều kiện tiên quyết cơ bản trong việc giữ tất cả các giới một cách vững chắc và trôi chảy.

Sau khi thuyết phục anh ta thọ năm giới căn bản này, Mae Chee Kaew dạy anh ta rằng ngoài việc giữ đạo đức, bố thí và hành thiền là những yếu tố vô cùng quan trọng; chúng tạo nền tảng cho sự tự lực về tinh thần trong kiếp sống này, và cho tất cả các kiếp tương lai. Tất cả mọi chúng sinh đều là kết quả của các hành động của họ, và họ phải lãnh hoàn toàn trách nhiệm đối với hậu quả họ nhận được, vì không ai khác có thể chịu thay trách nhiệm đó.

Các tu nữ ở động Nok Kraba sống dựa vào một vài người dân làng, những thí chủ cúng dường gạo và các thực phẩm khác. Hàng ngày các cô tu nữ đi tìm kiếm rau rừng, các củ không độc và nấm dại bổ sung làm thức ăn; nhưng gạo và cá muối phụ thuộc vào sự cúng dường của dân làng. Những người phụ nữ cúng dường các vật dụng cần thiết đã trở thành những người mộ đạo thuần thành, và Mae Chee Kaew thường đáp lại sự thành tâm của họ bằng cách kể cho họ những kinh nghiệm thiền của cô như những bài học về giá trị của việc giữ giới. Nhưng khi tin về sức mạnh của cô thuần phục được nāga loan đi rộng rãi trong làng, nhiều người bắt đầu sợ hãi và lo lắng. Do tín ngưỡng linh vật ăn sâu đã lâu, họ mê tín và sợ tất cả những ai có sức mạnh tâm linh vượt hơn hẳn các vị thần trong vùng. Họ cho việc Mae Chee Kaew thuần phục được nāga là bằng sức mạnh phù thủy. Điều đó vừa làm họ thán phục, vừa làm họ kinh hãi.

Động Nok Kraba nằm trong khu rừng nơi dân làng thường xuyên tới săn bắn và hái rau rừng. Những câu chuyện về sức mạnh của Mae Chee Kaew làm dân làng lo lắng khi đặt chân vào vùng đó. Bắt đầu có lời ra tiếng vào. Vào thời điểm đó, mưa to bất thường suốt ngày đêm làm các làng ở vùng thấp bị lụt nặng. Các tu nữ trong động nhanh chóng bị kết tội là nguyên nhân gây ra những trận mưa như thác đổ, và gây ra lụt lội. Dân làng cũng cho rằng sự có mặt của các tu nữ là nguyên nhân quân Nhật bất ngờ tiến quân vào vùng đó.

Hàng loạt những lời kết tội không xác đáng cuối cùng đã thuyết phục Mae Chee Kaew rằng cô cần rời khỏi nơi này. Mặc dù động Nok Kraba có sự tách biệt lý tưởng, nhưng điều kiện ở xung quanh làng không thuận lợi. Cô e rằng sự hiểu sai lệch về việc cô tiếp tục 120 Mae Chee Kaew có mặt ở nơi này có thể gây ra những điều phiền toái nữa. Do đó, cô quyết định cùng nhóm tu nữ của mình rời về Núi Phu Gao.



Nếu bạn không vun trồng 
chánh niệm và trí tuệ đã sẵn 
có của mình, mà chỉ cố gắng 
nửa vời, chướng ngại trên 
đường tu của bạn sẽ tăng lên 
gấp bội cho đến khi chúng 
che khuất mọi ngả đường, 
làm đoạn cuối con đường 
mãi mãi chìm trong bóng tối.

Sự thất bại tâm linh


Ajaan Khamphan là một thần tượng đối với đại chúng tăng ni thiền viện Phu Gao. Trách nhiệm của ngài là hướng dẫn các tu nữ tu tập hàng ngày. Điều đó có nghĩa là thường xuyên tiếp xúc với các cô tu nữ, gặp các cô theo nhóm, nghe những kinh nghiệm và những than phiền, và cho các cô lời khuyên cá nhân về những vấn đề khác nhau. Tuổi tác và thứ bậc cao của ngài có vẻ ngăn ngừa được sự phát triển dính mắc trần gian giữa ngài và những người nữ mà ngài chỉ dạy. Nhưng than ôi! Xác thịt mềm yếu và tâm linh thất bại!

Một nhóm nhỏ các tu nữ ở lại khi Mae Chee Kaew và các tu nữ khác rời đến hang Nok Kraba. Trong thời gian các cô vắng mặt, Ajaan Khamphan – bất cẩn bỏ qua địa vị là người dẫn đường tâm linh của mình – đã có dính líu tình cảm với một trong các tu nữ ở lại. Mặc dù mức độ thiền định của ngài cho phép ngài quan sát và tìm hiểu hoàn cảnh của các chúng sinh khác, Ajaan Khamphan đã bỏ qua việc quán chiếu và thâm nhập bản chất thực của chính mình vì không vun bồi tuệ căn một cách đúng đắn. Ngài sao lãng thực hành theo giáo lý cơ bản trong lời dạy của Đức Phật: ngài không nghiên cứu kỹ càng các nhóm thành phần cấu thành thân và tâm để thấy rằng chúng hoàn toàn là tạm thời, bất toại nguyện và không có cái tự thân.

Trong khi đắc định sâu, thân và tâm hợp nhất vào một tính đồng nhất của tâm thức: tính biết căn bản của tâm, đơn giản và tinh khiết, bất động và lặng yên. Sự lắng đọng này của tâm làm tăng cảm giác thanh tịnh và hài hòa kỳ diệu không thể tả được, và hoàn toàn dễ chịu tới mức có thể thành nghiện. Nhưng cho dù kinh nghiệm về chúng có tuyệt vời thế nào đi chăng nữa, trạng thái đắc thiền này vẫn bị ô nhiễm bởi tham, sân và si. Những kinh nghiệm thiền định thuộc loại này về bản chất không vượt ra ngoài thế giới hữu vi, và những thắng trí thu lượm được từ kinh nghiệm thiền định như thế vẫn là kết quả trong trí tuệ thế gian còn bị vẩn đục vì những ảnh hưởng ô nhiễm đó.

Một tâm đơn giản và hợp nhất nhờ định trở nên rất sâu sắc, trong sáng và mạnh mẽ. Chỉ cần hướng định tâm này đến việc thực hành quán chiếu thì trí tuệ siêu việt chân thật có thể đạt được. Sự thẩm tra minh sát sâu sắc về thân, thọ và tâm có thể nhổ tận rễ nọc độc của tham, sân và si, do vậy nhận ra được bản chất phù du và trống rỗng của tất cả các hiện tượng, diệt trừ được tham ái và đạt được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Định và tuệ cần đi đôi với nhau, đẩy thiền đến mục đích của nó như hai bánh xe của một cỗ xe bò. Sự an tĩnh và tập trung của định tạo điều kiện cho trí tuệ tiến tới và nhổ bỏ các ô nhiễm ngủ ngầm thông qua việc sử dụng các kỹ năng quán chiếu chuyên biệt. Nhờ nhổ tận gốc những hiểu biết sai lầm này, kết quả là trí tuệ giúp củng cố thêm trạng thái an tĩnh của thiền. Do đó, định và tuệ đi theo bộ đôi cái trước cái sau để chỉ dẫn thiền sinh đi trên con đường tiến tới giác ngộ của Đức Phật.

Đạt được trạng thái an tĩnh và tập trung tuyệt vời của định, Ajaan Khamphan mới chớm ra tới cửa ngõ đến thế giới bên ngoài rộng lớn của năng lượng tâm linh. Thay vì sử dụng sự tập trung vào bên trong rõ ràng và sắc bén của thiền định để khám phá sự thực về bản thân mình, và về sự dính mắc vào những yếu tố tinh thần và vật chất tạo nên mình, ngài hướng chú ý của mình ra ngoài tới thế giới của những trường năng lượng tâm thức vi tế. Vì ngài không dùng trí tuệ giải thoát để xây lớp rào chắn đối với những bản năng thấp hèn trong mình, ngài vẫn là đối tượng của tham dục, và do đó kẹt vào trong xiềng xích ái dục của cuộc sống vô minh.

Khi Mae Chee Kaew từ động Nok Kraba về, việc Ajaan Khamphan mê đắm một cô tu nữ nhỏ đã trở nên rõ ràng. Nhưng, vì là bậc sư trưởng của tăng đoàn, và vì tiếng tốt của ngài, các sư và các cô tu nữ không dám trách ngài về sự thiếu thận trọng của ngài. Âm thầm bàn riêng với nhau, đại chúng tăng ni hy vọng quan hệ đó sẽ nhạt dần và chấm dứt. Do đó, tuyên bố bất ngờ của Ajaan Khamphan rằng ngài và cô tu nữ nhỏ kia sẽ xả y và cưới nhau, quay về sống đời cư sĩ đã làm mọi người sốc và mất hết tinh thần. Mae Chee Kaew rất buồn vì sự ra đi bất ngờ của ngài và thất vọng vì ngài đã không xứng đáng với niềm tin tưởng mà cô và các cô tu nữ khác đã đặt nơi sự dìu dắt của ngài. Đến thời điểm đó, các tu nữ đã sống và hành trì dưới sự dạy dỗ của ngài được tám năm. Việc ngài xả y không chỉ tạo nên một vụ bê bối khó chịu trong thiền viện, mà còn tạo một chỗ trống trong đội ngũ lãnh đạo của chư tăng ni. Điều này buộc các tu nữ phải nghĩ đến chuyện dọn đến một địa điểm thuận lợi hơn càng sớm càng tốt. Bỗng nhiên, vai trò lãnh đạo tinh thần của các tu nữ trở thành trách nhiệm của chính các cô. Các cô Mae Chee Dang và Mae Chee Ying tổ chức một cuộc họp riêng cho các tu nữ, nhanh chóng thống nhất rằng họ cần trở về làng quê của mình ngay lập tức và tìm một địa điểm thích hợp để dựng thiền viện riêng chỉ dành cho các tu nữ.

Với mục đích đó, Mae Chee Kaew và sáu tu nữ khác về Baan Huay Sai vào mùa xuân năm 1945. Biết được khó khăn bất ngờ của các cô tu nữ, và thông cảm với hoàn cảnh của các cô, hai vị già làng đáng kính đã đứng ra hộ độ các tu nữ, và cúng dường các cô hai mươi mẫu đất canh tác cách một dặm về phía nam từ trung tâm làng. Nằm cao hơn ruộng lúa xung quanh, khoảnh đất này đã được dùng qua nhiều đời để trồng cây, tạo thu nhập như cây bông, cây gai và cây chàm. Tuy nhiên, phần lớn của mảnh đất có những lùm tre um tùm và cây gỗ cứng cao vút, tạo cho các tu nữ có khoảng không gian cách biệt thích hợp để sống đời sống tâm linh của mình mà không bị làm phiền. Các tu nữ đón nhận lòng hảo tâm của hai vị già làng và nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng ni viện trong rừng.

Với sự giúp đỡ của những người dân bản của Baan Huay Sai, những bụi cây rậm rạp đã được phát quang để dựng những chiếc lán tạm thời bằng tre. Chõng tre để ngủ được đóng bằng những thanh tre được chẻ theo chiều dài, xếp dọc cạnh nhau thành một mặt phẳng sau đó được buộc chặt vào khung tre có chân làm cho mặt chõng cao lên, với độ dài khoảng 1,8m, rộng khoảng 1-1,2m, và cao khoảng 0,5m. Mái được lợp bằng những bó cỏ mọc hoang quanh đó. Mỗi một chòi lợp mái cỏ được dựng cho một cô tu nữ, và mỗi chòi được đặt cách xa nhau trong phạm vi diện tích thiền viện cho phép. Dân làng giúp các cô tu nữ làm đường để hành thiền đi bên cạnh mỗi chòi giản dị của các cô.

Một cái sala nhỏ nhưng vững chắc được dựng trong một khu đất trống rộng, trước đây là đất canh tác. Cột và kèo gỗ được cưa và đẽo, rồi được đóng lại bằng những chốt gỗ để tạo khung chính. Mái lợp bằng cỏ tranh đơn sơ. Ở gần đó, một nhà bếp để chuẩn bị thức ăn được dựng bằng các thanh tre chẻ ghép lại và mái được lợp cỏ. Một cái bếp lò đất đun củi dùng để nấu. Phương tiện sống cơ bản cũng thiếu thốn. Các tu nữ dùng tre làm cốc và các dụng cụ nấu bếp đơn giản. Vì không có giếng trong thiền viện, nước được lấy từ suối gần đó và gánh về thiền viện hàng ngày. Các tu nữ không có những vật dụng cơ bản như dép, do đó các cô dùng mo cau khô làm dép thô sơ. Dao rựa, cuốc, xẻng cũng khó mà có được, buộc các cô phải mượn phần lớn những dụng cụ đó từ trong làng. Mặc dù Mae Chee Kaew và các tu nữ sống trong điều kiện nghèo nàn thực sự, các tu nữ sống vì Giáo Pháp, vẫn sẵn sàng chấp nhận những bất tiện đi kèm với việc tu tập.

Ni viện Baan Huay Sai nhỏ và tách khỏi cuộc sống trong làng. Nguyên tắc tu tập nghiêm ngặt và đơn giản. Điều kiện sống của thiền viện như vậy khó cho phép những gì không cần thiết hoặc phù phiếm xuất hiện. Các tu nữ dành thời gian ban ngày để hành thiền. Mỗi tối, các cô tập trung ở sala. Trang nghiêm ngồi trên sàn gỗ cứng, trong một ngôi nhà không có tiện nghi hoặc trang trí, các tu nữ tụng những bài kệ thiêng liêng ca ngợi ân đức của Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng.

Mae Chee Kaew thường nói rằng kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn vật chất của cuộc sống xuất gia dễ dàng hơn nhiều so với việc không có một người thầy hướng dẫn các tu nữ vượt qua những hoài nghi trong quá trình thiền tập. Sự thất vọng cay đắng khi thấy Ajaan Khamphan bị khuất phục bởi sức mạnh của ham muốn sắc dục như đè nặng trái tim của Mae Chee Kaew. Cô cảm thấy bị thôi thúc bởi nhu cầu bức thiết cần tìm hiểu tại sao thiền đã không bảo vệ ngài khỏi những ham muốn thấp hèn, tầm thường. Cô luôn bị những suy nghĩ đầy nghi ngờ và lo lắng ám ảnh. Liệu việc hành thiền của cô đã đi đúng hướng chưa? Có phải cô đã bỏ qua một yếu tố cốt yếu nào đó không? Quanh quẩn với những câu hỏi này, nhưng không có câu trả lời, cô quyết định rằng cô phải tìm một người thầy thực sự đủ năng lực.

Là hai tu nữ lớn, Mae Chee Dang và Mae Chee Ying chịu trách nhiệm quản lý các công việc hàng ngày của ni viện. Với sự cảm thông và chúc phước của hai tu nữ, Mae Chee Kaew chia tay với nhóm tu nữ mà cô đã cùng sống trong tám năm. Cô rời ni viện mới dựng để thực hiện chuyến đi của mình. Sau khi hết mùa an cư, và cùng đi với một cô tu nữ nhỏ, Mae Chee Kaew trèo lên sườn đồi thấp dưới chân núi Phu Phan ở phía bắc của Baan Huay Sai và đi tiếp về phía bắc dọc theo đường mòn trên những dãy núi cao và qua những thung lũng rộng, cho tới khi cô đến được thiền viện trong rừng của Ajaan Kongma Chirapuñño ở trên cao phía chính đông của dãy Phu Phan.



Thân thể con người là đối 
tượng chính của tham ái 
và dính mắc. Đau khổ là 
hậu quả không thể tránh khỏi. 
Hãy nhìn vào thân này! Nó là 
một đống thịt và máu rộng 
60cm và dài 1,8m luôn luôn 
biến đổi từng giây khắc.

Quán thân


Khi đến nơi, Mae Chee Kaew gặp Ajaan Kongma ở sala chính của thiền viện. Sau khi đảnh lễ, cô kể cho ngài về những nghi hoặc và băn khoăn của mình về những sự kiện che mờ môi trường tâm linh của cô và đe dọa phá vỡ sự an bình và định tĩnh trong tâm cô. Việc hành thiền của cô không tiến triển suôn sẻ kể từ khi Ajaan Khamphan xả y, và cô không hiểu lý do tại sao. Theo trực giác, Ajaan Kongma biết rằng sự tập trung tinh thần mạnh mẽ của cô cần phải được chuyển hướng không chạy theo những hiện tượng bên ngoài, với những dính mắc vào hình tướng sang việc nghiên cứu đầy đủ bản thân mình. Vì người thầy trước đó của cô đã là một nạn nhân của những ham muốn xác thịt, ngài yêu cầu cô bắt đầu bằng việc xem xét toàn bộ cơ thể vật chất của mình. Ajaan Kongma gợi ý Mae Chee Kaew bắt đầu quán thân từ việc tập trung vào những đặc điểm gớm ghiếc và bản chất bất tịnh vốn có của thân người, bắt đầu bằng tóc, lông, móng, răng và da, rồi quay vào trong đến thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, màng ngăn, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, dạ dày, phân, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, bã nhờn, nước bọt, nước nhầy, nước mũi và nước tiểu. Ngài nhấn mạnh cô phải ngừng việc chú ý đến các hiện tượng bên ngoài đã mê hoặc cô từ đó đến nay, và chuyển toàn bộ sức mạnh chú ý vào bên trong để khám phá những bộ phận vật chất có trên tấm thân mà cô coi là chính mình.

Kính trọng nhưng lưỡng lự, Mae Chee Kaew chấp nhận lời khuyên của ngài không hề phản đối. Nhưng cô chưa thỏa mãn. Đối với cô, tập trung vào bên trong có nghĩa là lặp đi lặp lại từ buddho cho đến khi tâm rơi vào trạng thái an định sâu lắng. Ajaan Mun dạy cô cách tập luyện đơn giản này từ nhiều năm trước, và cô bướng bỉnh không muốn thay đổi. Cầm chắc rằng mình đã biết cách hành thiền, cô không sẵn sàng thử nghiệm nghiêm chỉnh lời khuyên của Ajaan Kongma. Cô lỳ lợm cố thủ với cách hành trì thường ngày của mình, mặc dù kết quả tiếp tục chỉ mang lại sự không hài lòng và nghi hoặc. Cô càng không muốn vâng theo lời ngài Ajaan Kongma bao lâu, thì tâm cô càng không thể đi vào được trạng thái bình an và định tĩnh hoàn hảo. Suốt trong vài tháng, sự ương bướng đã cản trở cô đưa tâm tập trung hội tụ vào tĩnh lặng.

Mae Chee Kaew bực bội vì không có tiến bộ và cảm thấy hết cách. Một đêm, khi đang tập thiền đi, cô bắt đầu tự quở trách mình gay gắt. Bắt đầu mưa từ đêm nhưng cô quyết định không vào chòi. Đã đến lúc phải tự dạy cho mình một bài học. Cô đi tới đi lui cả đêm, trong mưa tầm tã để trừng phạt thái độ bướng bỉnh, tự cao tự đại của mình. Quyết tâm không lùi bước cho đến khi chuộc được lỗi lầm, cô mổ xẻ lỗi của mình hết lần này đến lần khác để tìm xem sao tâm cô lại cứng thế. Mặc dù Ajaan Kongma đã tạo cho cô tất cả mọi điều kiện thích hợp cần thiết để thiền tập tiến bộ, cô đã gan lỳ từ chối không nhượng bộ. Cô biết lập trường của cô là không hợp lý, và cần phải thay đổi. Cô tự hỏi mình: sao ta có thể biết được sự thật khi tâm dùng để tiếp nhận sự thật lại si mê như vậy.

Ngày hôm sau, khi đã hoàn toàn chấp nhận lỗi lầm, cô quyết tâm sửa chữa tính ương bướng của mình. Thành kính đảnh lễ trước Đức Phật, cô lặng lẽ thành tâm xin Ajaan Kongma tha lỗi. Sau khi an tịnh tâm bằng việc tụng những bài kệ an lành, cô bắt đầu nghiêm chỉnh thiền về bản chất của cơ thể người. Mae Chee Kaew quán thân bằng cách thiền về bản chất nhơ bẩn và gớm ghiếc vốn có của nó. Đầu tiên cô suy ngẫm về những đặc tính gớm ghiếc dễ nhận thấy, những đặc tính làm cơ thể đau đớn khi còn sống. Mũi luôn luôn có chất nhầy, tai luôn có ráy tai, và da luôn tiết ra mồ hôi và chất nhờn; cơ thể liên tục thải ra phân và nước tiểu; và, nếu không được vệ sinh thường xuyên, cơ thể bốc mùi hôi thối và thấy khó chịu.

Bằng việc luyện tập liên tục, cô bắt đầu hiểu rõ ràng rằng phần lớn sự không hài lòng của cô bắt nguồn từ việc chấp khư khư coi thân này như là cốt lõi của sự tồn tại của cô và coi nó như nét đặc trưng chủ yếu của cái tôi và một cá nhân. Mặc dù không biểu lộ rõ ràng trong ý thức và thái độ bình thường, ý niệm đó lại rất căn bản và sâu kín, vận hành ở tầng tiềm thức và mang tính bản năng. Do đó, khi đặt bản năng cơ bản này trong các hoạt động có ý thức, cô đã soi thấy hình bóng rất cụ thể của một cái tôi trong mọi hành động của mình. Cô nhận ra rằng cuộc đời của một con người thường được lập kế hoạch luôn xoay quanh những ham muốn liên quan đến thân: thường xuyên quan tâm đến bề ngoài, quần áo, tự tôn và sự thoải mái cá nhân. Bằng việc thiền về bản chất không trong sạch của thân, Mae Chee Kaew bắt đầu kinh nghiệm được rằng thân vốn gớm ghiếc và không ổn định, là cái đẩy ham muốn ra chứ không phải hút ham muốn vào. Bằng việc quán thân hàng ngày, cô giảm dần tham ái được dựng kín khắp thân, giải phóng cô thoát khỏi sự đồng hóa mạnh mẽ của cái tôi với thân.

Trong khi thiền hàng ngày, cô chia thân ra làm nhiều mảnh, nhiều lớp. Khám phá về da, cô thấy nó là một lớp vỏ mỏng bọc ngoài thịt và nội tạng của thân. Mặc dù khi nhìn bình thường thì nó có vẻ sạch sẽ và có sức lôi cuốn, nhưng khi khảo sát gần hơn sẽ thấy một lớp nhăn nheo, cáu bẩn rỉ ra rất nhiều mồ hôi và chất nhờn. Chỉ có kỳ cọ và lau rửa thường xuyên mới làm nó trông có vẻ chấp nhận được đối với bản thân mình và người khác. Tóc có thể được chải và tạo dáng cẩn thận, và được ngắm nhìn một cách thích thú toàn bộ vẻ bề ngoài bao quát của mái tóc; nhưng nếu vài sợi tóc mà rơi vào đĩa thức ăn thì nó sẽ làm người ta hết muốn ăn ngay. Tóc và lông người vốn dơ dáy, do đó người ta phải thường xuyên tắm rửa. Thực ra, không có cái gì liên quan đến bất cứ bộ phận nào của thân người có thể sạch được lâu, vì toàn bộ thân người về bản chất là dơ dáy. Vì bẩn và mùi tích từ người, quần áo và ga gối phải được giặt thường xuyên. Thậm chí thức ăn cũng bẩn khi nó được nghiền giữa hai hàm răng và quyện với nước bọt. Toàn bộ cơ thể có cùng một tính chất gớm ghiếc.

Sau khi quán sâu sắc sự dơ dáy tự nhiên của các bộ phận bên ngoài của cơ thể, Mae Chee Kaew nghiên cứu các cơ quan nội tạng và các chất chúng bài tiết ra, và rất nhiều cặn bã tiết ra mùi hôi thối. Sau khi đã thẩm tra kỹ càng tóc, lông, móng, răng và da với cảm giác càng lúc càng chán, Mae Chee Kaew thực hành trong tâm, bóc lớp ngoài, và mường tượng thân không có da, lộ phần thịt bên dưới, tươi và đầy máu. Kiểm tra sát cả khối mô lấp lánh dính đầy máu gây cảm giác kinh tởm. Luôn ghi nhận rằng cảnh này không phải là sự tưởng tượng loạn trí, mà là sự thật của tấm thân cô đã sống cùng suốt cả đời, cô tiếp tục đào sâu khám phá đến gân, xương và nội tạng. Những dải thịt ôm lấy xương như thịt sống. Cô thấy tim, gan, thận, lá lách, phổi, dạ dày, ruột non và ruột già, tất cả đều lầy nhầy ở trong những hốc có màng nhày nằm trong khung xương sườn và xương chậu, và được giữ ở chỗ của mình bằng các bó màng có xơ. Theo đúng phương pháp, cô thấy trong tâm từng bộ phận trong phạm vi riêng của nó, từng bộ phận bọc trong mỡ, máu rỉ ra và chất nhầy tiết ra, bộ phận nào cũng đều có chất thải thối rữa chờ được tống ra ngoài.

Dùng khả năng tập trung tinh thần cao độ để tìm hiểu sâu vào bên trong các bộ phận cơ thể, Mae Chee Kaew lần đầu tiên bằng trí tuệ xuyên thấu thấy được bản chất chân thực của thân. Nhìn thấy bằng tuệ giác, cô đã có thể thấu hiểu rộng tới toàn bộ vật chất thuộc về thân và nhận ra rằng tất cả chúng đều có bản chất giống hệt nhau. Cô hiểu rằng toàn bộ thân thật đáng kinh tởm và gớm ghiếc, và rằng không thể tìm thấy một tính chất cá nhân đáng hài lòng và ổn định trong thân. Tại thời điểm nhận thấy rõ ràng đó, tâm cô đột nhiên rơi vào tĩnh lặng hoàn toàn. Một đốm sáng mờ nhỏ nằm sâu trong tâm cô bắt đầu bùng lên và sáng rực rỡ. Nó đập và sáng dần lên, tỏa hào quang rộng ra cho đến khi toàn bộ tâm thức của cô được phủ trong ánh sáng và trở nên sáng rỡ, rõ ràng, nổi trội và mềm mại.

Cô xả thiền vào lúc rạng sáng, làm các nhiệm vụ buổi sáng. Cảm giác vi tế của sự hài hòa và thống nhất bao trùm lấy từng chuyển động của cô. Sự rụt rè và do dự vẫn thấy trong cử chỉ của cô đã biến mất. Cô vui vẻ và hạnh phúc khi cúng dường vật thực bữa sáng lên chư tăng. Nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ của cô, Ajaan Kongma đã nói cho tất cả đại chúng nghe thấy: “Mae Chee Kaew, cô giờ đây đang đi đúng đường. Hãy giữ vững quyết tâm!”

Thiền của cô đã về đúng đường, Mae Chee Kaew ở lại trú xứ với Ajaan Kongma vài tháng nữa, tận dụng cơ hội được sống với một vị thầy giỏi để củng cố định lực và gieo trồng sức mạnh của trí tuệ. Bây giờ cô đã hiểu tại sao việc hành thiền của Ajaan Khamphan đã không bảo vệ được ngài khỏi những ham muốn bình thường và thấp hèn đã cắm rễ sâu vào sự dính mắc tới sắc thân. Cô đã hiểu sự cám dỗ mạnh mẽ của tham dục, và cô đã biết cách để hóa giải nó.

Cuối cùng, khi cô cảm thấy vững tâm rằng cô đã phát triển được nền tảng vững chắc trong pháp hành của mình, cô quyết định quay về trợ giúp các cô tu nữ khác ở ni viện Baan Huay Sai. Cô lo lắng rằng các tu nữ vẫn thiếu một người thầy đáng tin cậy để hướng dẫn họ đi đúng đường. Cô tin rằng giờ đây cô có thể đóng góp phần mình và giúp thực hiện vai trò đó.

^^^


Là tu nữ, chúng ta phải 
hết sức kiên nhẫn chịu đựng 
những khó khăn vất vả 
không thể tránh khỏi trong 
cuộc sống đơn giản của chúng ta 
mà không giải đãi hoặc bực dọc. 
Hãy để tâm từ và tâm bi thường trực 
nơi ta trong mọi hoàn cảnh. 

Vị nữ tu lý tưởng 


Mae Chee Kaew quay về hòa vào môi trường tâm linh lành mạnh ở ni viện Baan Huay Sai. Trong thời gian cô đi vắng, Phật tử trong vùng đã coi đại chúng trong ni viện như một phần quan trọng trong đời sống xã hội của làng. Dân làng hiểu lời dạy của Đức Phật về sự bố thí và trì giới như lời mời gọi cộng đồng rộng lớn hơn trợ giúp đời sống tu hành của người xuất gia. Sự hiện diện của các cô tu nữ thực hành thiền tập trong cộng đồng nông thôn Phu Tai là một thành trì của thiện pháp, một “ruộng phước” thực sự mà tất cả người dân đều có thể gieo trồng cho lợi ích của chính mình.

Ni viện Baan Huay Sai vẫy gọi những người nữ đi tìm sự giải thoát tâm linh và nuôi dưỡng lối sống tinh thần của tu nữ Phật giáo chân chính. Người phụ nữ đó bước ra khỏi xã hội bình thường, rời bỏ đời sống tại gia có chồng, con và gia đình để nguyện hoàn toàn xa lìa hành vi tình dục. Ngoại hình của người nữ đó thể hiện sự thay đổi tình trạng của cô: đầu được cạo, và đắp y màu trắng. Theo đuổi con đường tu hành trọn vẹn, cô tu nữ đó từ bỏ phương tiện sống bình thường, và thay vào đó là phụ thuộc vào sự cúng dường của những người khác bổ sung vào một số ít tài sản cô có.

Tinh thần cơ bản trong việc hành trì của một tu nữ nằm ở thái độ đúng đắn, nghiêm chỉnh giữ giới luật, những điều học đạo đức làm kim chỉ nam cho cuộc sống của người xuất gia theo Đạo Phật và cho con đường đi đến giải thoát tâm linh. Vì giới là nền tảng của mọi tiến bộ tâm linh, người xuất gia theo giáo pháp của Đức Phật luôn coi giới luật là điều vô cùng quan trọng phải giữ gìn. Giá trị đích thực của việc giữ giới nằm ở sức mạnh của giới: giới có thể cắt đứt các nhân và duyên của nghiệp đang trói chặt chúng sinh vào trong vòng sinh tử luân hồi. Giới tạo nền tảng cho việc tu hành theo Phật pháp, đóng lại cánh cửa đối với các hành động mang lại quả nghiệp đau khổ. Đồng thời, giới gìn giữ tâm ý và hành động thanh sạch dẫn đến giải thoát khỏi đau khổ. Giới đức cũng đảm bảo giữ chuẩn mực cao về sự thanh tịnh trong cộng đồng tu sĩ, giúp cho đại chúng xuất gia phát triển nội lực và tu tập như là tấm gương mẫu mực đầy cảm hứng cho cộng đồng cư sĩ.

Trong ni viện Baan Huay Sai, hành xử của một cô tu nữ là tuân thủ chặt chẽ tám giới. Điều đó có nghĩa là, cô không làm hại các chúng sinh; cô không lấy của không cho; cô sống cuộc sống hoàn toàn độc thân; cô không nói dối, nói lời chia rẽ, nói cục cằn hoặc nói lời vô ích; cô không dùng chất say; cô không ăn sau giờ ngọ; cô không tự vui thích với các trò giải trí, hoặc tự trang điểm bằng đồ trang sức và son phấn; và cô không nghỉ trên giường cao hay sang trọng. Về bản chất, những nguyên tắc đơn giản này tạo một cách sống được khắc họa nhờ vào sự tiết chế và xả ly dẫn đến sự buông xả và tăng cường trí tuệ.

Bốn giới đầu tiên – ngăn chặn sát sanh, trộm cắp, nói dối và sinh hoạt tình dục – đặt ra nền tảng đạo đức mà cuộc sống tu sĩ theo Đạo Phật được xây dựng trên đó. Các giới khác là nguyên tắc tu tập tâm linh giúp tạo điều kiện cho thân an tịnh và tâm trong sáng. Do vậy, những giới đó chỉ là sự phát triển của bốn giới căn bản. Khi một cô tu nữ giữ gìn trong sạch tinh thần bốn giới đầu tiên, những giới khác sẽ được giữ gìn dễ dàng. Mặt khác, việc phạm những giới này là tội lỗi lớn. Theo đuổi con đường đoạn trừ khổ đau bằng bất cứ cách nào làm hại các chúng sinh khác là biểu hiện lầm lạc của sân và si. Lấy những gì không được cho là phản lại mối quan hệ cơ bản tin tưởng lẫn nhau giữa các tu nữ, những người tu tập lối sống khổ hạnh, và với những người thí chủ có lòng tin tốt đẹp đã cúng dường hỗ trợ các tu nữ về mặt vật chất. Không giữ được lời nguyện sống độc thân là làm hỏng phẩm chất đắc trưng của tu sĩ Phật giáo: xuất gia từ bỏ cuộc sống gia đình bình thường. Ngoài ra, không sinh hoạt tình dục giúp hướng năng lượng của các cô tu nữ tới các thành quả tâm linh cao hơn. Nói dối hay nói lời vô ích phá đi sự chân thật và làm mất lòng tin trong cộng đồng tâm linh, giữa những người thiện nguyện tại gia và trên hết là trong chính tâm của bản thân mình.

Bản chất của phạm hạnh rất vi tế và phức tạp – phức tạp đến mức phạm hạnh không thể đạt được chỉ nhờ việc giữ giới và luật nghi. Rốt cùng, phạm hạnh không được đo bằng việc giữ các giới luật bên ngoài, mà là sự thể hiện của tác ý trong sáng của tâm. Mục đích căn bản của Đạo Phật là để loại bỏ những ý định không trong sáng của tâm. Do đó, chỉ có thể đạt được phạm hạnh đích thực nhờ đi theo con đường tu tập dẫn đến việc nhổ được tận gốc rễ tham, sân và si. Giới là một phần cần thiết của con đường tu tập đó; nhưng sự thực hành phạm hạnh không thể đạt được mục đích một cách viên mãn nếu việc trì giới đó không hướng tới việc hành thiền. Được nuôi dưỡng bằng tác ý phạm hạnh đúng cách, tâm sẽ nhanh chóng và dễ dàng phát triển độ an tịnh và trong sáng của thiền. Do vậy, khi một cô tu nữ tuân thủ giới luật sẽ trải nghiệm sự an lạc quý báu và không có vết nhơ trong mình.

Đời sống ở ni viện Baan Huay Sai tĩnh lặng và đơn giản, chú trọng phát triển chánh niệm, tỉnh giác trong từng hoạt động hàng ngày. Qua kỹ năng hành thiền của mình, nhiệm vụ lãnh đạo của Mae Chee Kaew bắt đầu mở rộng ra đến việc chỉ dạy các tu nữ mới tu về cách thức và định hướng rèn luyện tâm linh của họ. Cô cố gắng dẫn dắt bằng thân giáo, tạo gương cho các tu nữ khác noi theo bằng cách dậy từ ba giờ sáng và thiền đi cho đến năm giờ. Khi tia sáng mặt trời đầu tiên ló rạng chiếu sáng đường đi ra bếp, cô cùng các tu nữ khác chuẩn bị đồ ăn cho ngày. Mùi thơm của thức ăn và mùi hương trầm hòa quyện vào nhau nhẹ nhàng trong không khí ban mai. Phần nhiều thức ăn các cô nấu được để dành cúng dường các sư ở thiền viện gần đó. Sau khi kính cẩn đặt vật thực vào bát các sư, các tu nữ lặng lẽ tập trung tại sala chính, và cùng ăn sáng trong sự yên lặng hoàn toàn. Các cô quán chiếu bản chất thức ăn đặt trước mặt mình. Coi thức ăn không có gì khác hơn là một thực phẩm cần thiết trợ giúp lối sống tu hành, các tu nữ tu tập hạnh hài lòng với bất cứ những gì các cô nhận được. Sau bữa ăn, các cô rửa bát đũa và lau dọn khu bếp trước khi về những chiếc chòi riêng của mình để tiếp tục hành thiền. Vì các cô chỉ ăn một lần trong ngày, các cô hoàn toàn tự do để tập trung đặc biệt vào việc phát triển nội tâm mình trong suốt thời gian còn lại trong ngày.

Sau khi xong các nhiệm vụ buổi sáng, Mae Chee Kaew trở về chú tâm hành thiền không gián đoạn. Lui về căn chòi nhỏ trong một khoảnh đất cách biệt của ni viện, nơi những bụi tre um tùm xen lẫn với những cây tếch và sao dầu, cô bước vào môi trường bình an, tĩnh lặng thoát khỏi những lao xao bên ngoài. Dưới tán lá rộng, trên nền đất bằng phẳng có bóng mát, dân làng đã làm một lối đi kinh hành bằng cách dọn một đống đất và san phẳng nó. Sau khi quét đoạn đường đó sạch sẽ, Mae Chee Kaew đứng thẳng và tỉnh giác ở một đầu của đoạn đường và đặt hai tay ngay dưới eo, bàn tay phải nhẹ nhàng đặt chéo và nắm lấy mu bàn tay trái. Với đôi mắt nhìn xuống, tâm tập trung, cô đi đi lại lại từ đầu này đến đầu kia của đoạn đường, dừng lại rồi quay lại một cách nhẹ nhàng ở cuối mỗi đoạn đường. Cô nhận thấy rằng chuyển động liên tục trong thiền đi giúp giải tỏa cảm giác buồn ngủ và lờ đờ do no bụng. Điều hòa việc niệm buddho lặp lại với từng bước chân, cô đi kinh hành liên tục vài giờ mỗi buổi sáng. Khi tâm cô đã an trú vào câu niệm buddho, và định tâm trở nên sâu sắc, nhịp điệu và tốc độ của chuyển động bắt đầu thay đổi, thích ứng nhịp nhàng với dòng tỉnh thức vững chắc đã phát triển lên. Di chuyển trong trạng thái hòa hợp hoàn toàn, như là một thực thể đồng nhất, cả người cô lướt đi dễ dàng trên đoạn đường như thể lướt đi trên đệm khí mềm mại.

Sảng khoái và sung sức, Mae Chee Kaew sau đó ngồi xuống dưới bóng mát của cây sến đỏ ở bên cạnh con đường tiếp tục ngồi thiền đến ba giờ chiều, là lúc các tu nữ làm các công việc vặt buổi chiều. Các cô cùng nhau quét sân ni viện, múc nước từ giếng mới đào đổ đầy vào các chum, rồi sau đó ra rừng gần đó nhặt nấm, măng và các cây không độc cho nhà bếp. Sau khi tắm trước chiều tối, Mae Chee Kaew cùng các tu nữ khác đến sala tụng kinh tối. Khi tụng kinh xong, mỗi tu nữ lại quay trở lại chiếc chòi nhỏ của mình để tiếp tục thiền đi và thiền ngồi trong không khí bình an và tĩnh mịch của cánh rừng xung quanh. Mae Chee Kaew lại hành thiền đi trong vài tiếng đồng hồ trước khi vào trong chòi ngồi đến đêm khuya.

Trong vài tháng đầu tiên sau khi từ thiền viện của Ajaan Kongma về, Mae Chee Kaew tiếp tục chăm chỉ tập trung vào việc quán thân. Nhưng dần dần, sự chú ý của cô trượt khỏi đối tượng quan sát chính là thân, mà hướng tới thói quen cũ vào đối tượng bên ngoài. Việc quán thân đi ngược lại khuynh hướng tâm linh vốn có của cô, và cuối cùng cô chịu thua sức mạnh tự nhiên của tâm thích mạo hiểm và năng động của mình. Ngay khi nhắm mắt lại, cô cảm thấy mình rơi xuống vực thẳm. Cánh cửa ra ngoài vũ trụ mở ra, và bỗng nhiên, cô lại đi vào một cuộc thám hiểm khác.

^^^


Mỗi người sinh ra đều 
phải chết và tái sinh đi 
tái sinh lại trong vòng 
quay của đau khổ và 
gian nan. Có thể, chúng 
ta sẽ chết vào buổi sáng, 
có thể vào buổi chiểu, 
chúng ta không biết được. 
Nhưng chúng ta có thể chắc 
chắn rằng cái chết sẽ đến 
khi thời điểm chín muồi.


Hành hương


Hàng năm, khi mùa lạnh kết thúc và mặt trời bắt đầu mọc cao hơn trên bầu trời phía nam và ngày ấm dần và dài hơn, Mae Chee Kaew thành tâm dẫn một nhóm nhỏ các tu nữ đi hành hương đến thăm ngài Ajaan Mun đang sống tại tỉnh Sakon Nakhon bên cạnh. Lúc đó cơn mưa cuối đông đầu tiên đã rơi, làm những cây xoài trổ những trùm bông và những đàn ong tìm mật vo ve xung quanh. Cần phải chuẩn bị cho chuyến đi 12 ngày trèo qua núi Phu Phan, xuống tỉnh Sakon Nakhon, tiếp đến đi đoạn đường núi đứt quãng, và vào thung lũng rộng của Baan Pheu Na Nai. Đồ mang theo nặng nề và vướng víu, do đó các tu nữ chỉ mang đủ thức ăn để đi qua được những ngọn núi cao, nơi có rất ít dân cư. Khi thực phẩm của các cô hết, các cô sẽ nhờ vào lòng hảo tâm của những xóm nhỏ nông dân sống xa cách nhau, thường là một ngày đường từ làng nọ tới làng kia. Gạo được gói trong giỏ đan bằng tre. Cá muối mặn dùng làm thức ăn được đựng trong lọ sành đậy kín bằng sáp ong tươi. Thịt sấy và cá khô là tất cả thức ăn của tu nữ, cùng với rau rừng dại hái ở dọc đường.

Các tu nữ rời ni viện Baan Huay Sai cùng nhau đi bộ theo hàng một có Mae Chee Kaew dẫn đầu. Ngoài thức ăn, mỗi tu nữ còn mang theo một vài vật dụng cần thiết cơ bản trong túi đeo vai và một cái ô-lều để bảo vệ các tu nữ khỏi côn trùng lúc ban đêm. Dép tự làm đơn giản là nơi trú cho đôi bàn chân khỏi nền đất thô ráp và đá nhọn. Một tấm vải bông trơn che đầu đã cạo, bảo vệ đầu khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.

Cuối ngày đầu tiên, các tu nữ đến được chân núi Phu Phan. Rừng rậm có nhiều gấu, hổ và rắn, chỉ có một vài dân địa phương sống rải rác ở những rẻo đất nhỏ trồng trọt được. Thời tiết khắc nghiệt và không dự đoán được. Tuy nhiên, mặt đất rất đẹp, xanh tươi và màu mỡ, rậm rạp những cây tre và cây gỗ hồng, và được trải thảm bằng cỏ, dương xỉ và hoa dại – đó là cảnh tượng của cây cổ thụ mọc xen kẽ với những cây tầng thấp chằng chịt. Khung cảnh rộng lớn trên đường qua núi nhường chỗ cho những vòm lá và cây leo, rồi cho những đường hầm hẹp nhỏ tạo nên do cây cối um tùm. Từ trên đỉnh núi, những mỏm đá sa thạch đen nhấp nhô dốc xuống theo triền núi, đứt quãng thành những khe hở sâu, nơi mà người du hành ít kinh nghiệm có thể sẽ mất dấu con đường mòn.

Khi đi qua một làng nhỏ, khách lữ hành mệt mỏi có thể nghe thấy tiếng thỉnh mời cầu cúng dường và xin giúp đỡ họ. Đầy lòng biết ơn và lòng từ trong tâm, các tu nữ nhận chút vật thực được cúng dường từ những thí chủ nghèo khổ. Các cô tìm đến một con suối vắng vẻ để tắm và cắm lều nghỉ ban đêm. Mỗi tu nữ đều trú dưới một cái ô làm bằng tay, mắc vào một cành cây, với một tấm vải màn mỏng làm lều che buông nhẹ nhàng xuống đất và bao quanh thảm rơm và lá cây khô nơi các tu nữ có thể ngồi thiền vào buổi đêm.

Nhiều khuya, vào lúc quá nửa đêm, Mae Chee Kaew ngủ mơ thấy Ajaan Mun. Khuôn mặt nghiêm nghị nhưng ân cần chăm chú nhìn cô hóm hỉnh, như nói, “Con đã ở đâu trong suốt quãng thời gian này? Tại sao con lâu vậy? Con không thấy Thầy già đi từng ngày à?” Cô rùng mình, nghe thấy sự khẩn cấp và sự kiên quyết đanh thép trong giọng nói của ngài.

Mỗi sáng các tu nữ ăn một phần xôi đơn giản nắm thành nắm nhỏ và chấm vào mắm cá đã lên men. Thỉnh thoảng bữa cơm của các cô có thêm những miếng thịt khô và cá khô, củ và nấm tươi mới lượm được và các loại rau, rau thơm, trái cây và quả dâu rừng. Bữa ăn hàng ngày của các tu nữ chỉ vừa đủ để duy trì thân và tâm trong cuộc hành quân cho đến khi đêm xuống, vì các tu nữ đi từng bước một, từng khoảnh khắc tỉnh giác này đến khoảnh khắc tỉnh giác khác, và luôn ở trong hiện tại.

Qua gần hai tuần trèo qua những đường mòn qua thời gian đã mất dấu chân người, và qua các thung lũng, ruộng lúa bỏ hoang và những lùm cây ăn quả, Mae Chee Kaew và những người đồng hành cuối cùng đã đến được vùng lân cận gần nơi Ajaan Mun an cư trong rừng vào một buổi chiều của ngày thứ 12. Đầu tiên các tu nữ được dân làng Nong Pheu đón tiếp. Những người phụ nữ tốt bụng đầy lòng mến khách giúp các tu nữ tắm rửa và giặt y bám bẩn bụi đường. Khi đã tỉnh táo lại, các tu nữ đi nốt đoạn đường thoai thoải và quanh co đến thiền viện của Ajaan Mun.

Khu thiền viện của Ajaan Mun ẩn trong khu rừng rậm ở đầu cao của một thung lũng rộng. Thung lũng này được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp trải dài vô cùng tận, tạo thành một địa điểm lý tưởng của sự tĩnh mịch mà các sư hạnh đầu đà dhutanga tìm kiếm. Những cụm lán mái cỏ điểm nét chấm phá trên đỉnh núi nơi có năm sáu gia đình sống bằng nghề trồng trọt và săn bắn. Nhiều vị sư dhutanga dựa vào những xóm dân cư xa xôi hẻo lánh để khất thực hàng ngày, cũng giống như Mae Chee Kaew và các tu nữ đã đi khất thực trong chuyến hành hương của mình.

Các cô tu nữ nhìn thấy Ajaan Mun ngồi ở sala chính, nhai trầu. Ngài có vẻ như đang đợi các cô. Các cô tu nữ sốt sắng bỏ dép, nhanh chóng lấy gáo múc nước từ chum ra rửa chân, rồi tranh nhau lên cầu thang gỗ tới gặp ngài. Luôn vui mừng khi thấy Mae Chee Kaew, Ajaan Mun gầm lên những lời vang dội chào bằng tiếng Phu Tai, ngả đầu ra đằng sau và cười. Các cô tu nữ đồng loạt quỳ trước mặt ngài, cúi lạy ba lần, bộ y trắng sột soạt nhẹ nhàng trong từng chuyển động duyên dáng. Các cô ngồi kính cẩn một bên, chân xếp gọn dưới thân, mỉm cười, ngưỡng vọng và đầy ý thức về oai danh lừng lẫy của ngài.

Ajaan Mun không bao giờ không chào đón Mae Chee Kaew và nhóm học trò của cô bằng sự nồng ấm và nhã nhặn. Sau khi trao đổi những lời vui vẻ và động viên, ngài sắp xếp cho các cô nghỉ đêm ở rìa thiền viện nơi có rặng tre ngăn cách. Đêm nay các cô sẽ ngủ thêm một đêm nữa trên lá tre trong chiếc ô-lều của mình. Ngày mai, ngài sẽ nhờ dân làng chẻ tre dựng chõng cứng cáp cho khách của ngài. Ngài luôn chào mừng Mae Chee Kaew như thể là một thành viên của gia đình, và yêu cầu cô ở lại bao lâu tùy thích.

Mỗi sáng, sau khi ngài đã ăn xong và các tu nữ cũng ăn xong, Ajaan Mun gọi các cô đến quanh ngài và bắt đầu nói bằng một giọng ròn rã rõ ràng, quở trách các cô vì đã lười nhác, hoặc thúc giục các cô nhiệt tình và quyết tâm hơn. Đó là những cuộc trò chuyện sinh động và sôi nổi. Ngài đặc biệt quan tâm nghe những cuộc du ngoạn trong thiền của Mae Chee Kaew, những câu chuyện ly kỳ bý ẩn của những cõi sống và tâm thức khác nhau. Mặc dù ngài chẳng mấy khi phủ nhận tính chính xác trong sự quan sát của cô, ngài cố gắng nhẹ nhàng thuyết phục cô chuyển tâm tập trung vào bên trong. Mae Chee Kaew rõ ràng là rất phấn khởi với khả năng tuyệt vời của mình và tự hào khoe những khám phá về các cõi khác của mình. Ajaan Mun là bậc thầy của tất cả các cõi hữu hình cũng như vô hình, các cõi được biết tới cũng như các cõi chưa được biết tới đối với tất cả mọi người, ngoại trừ những tâm thanh tịnh nhất; và trong khi ngài rất ấn tượng về khả năng của tâm cô, ngài cũng lo lắng không kém về những hiểm họa của nó. Hơn ai khác, ngài hiểu sự nguy hiểm của những tâm ảnh và ảo tưởng của sự hiểu biết. Tâm thanh tịnh biết tất cả một cách bình đẳng, không thiên vị, nhưng không dính mắc vào cái gì cả. Để giúp Mae Chee Kaew thay đổi nhận thức và trải nghiệm được những sự kỳ diệu đích thực của tâm, Ajaan Mun dạy cô nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, những xu hướng thâm căn cố đế đã hình thành thói quen, và thói quen thì có quán tính riêng không thể tránh khỏi của chúng. Nhiều năm trước, Ajaan Mun đã thấy trước rằng một người thầy năng động sẽ xuất hiện trong tương lai để lái Mae Chee Kaew theo con đường đúng. Và do đó, cuối cùng, để số phận định đoạt thời gian và hoàn cảnh giác ngộ của cô.

Mỗi một năm trôi qua, Mae Chee Kaew thấy ngọn sóng của vô thường aniccā – quy luật của sự thay đổi ở khắp mọi nơi – diễn ra với thân vật chất của Ajaan Mun. Thân ngài giờ đây già đi nhanh chóng, mặc dù tâm ngài vẫn là một viên kim cương rực rỡ trong suốt nhất. Mae Chee Kaew đã luôn giữ mối liên lạc tinh thần gần gũi với ngài. Việc ni viện của cô ở cách xa qua bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu thung lũng không có mấy vấn đề, vì cô thường thấy sự hiện diện của ngài trong thời thiền ban đêm. Vẻ bề ngoài của ngài sáng rỡ và uy nghi, không hề có dấu hiệu ngài đã chịu đựng một trận ốm thập tử nhất sinh ít lâu sau khi cô rời xa ngài vào mùa xuân năm đó. Nhưng thời gian trôi qua và tình hình sức khỏe của ngài xuống dốc nhanh chóng, tiến trình những chuyến thăm ban đêm của ngài cũng thay đổi. Có sự khẩn cấp xót xa trong giọng của ngài khi ngài thúc giục cô nhanh chóng đến gặp ngài lần cuối cùng trước khi quá muộn. Điều đó làm cô run sợ khi nghĩ rằng ngài sắp chết, nhưng cô đã biết bản chất thực sự của thế gian này – bản chất của sinh và tử – và sự mong manh không thể tránh khỏi của chúng. Tuy vậy cô vẫn chần chừ. Nhiều lần, hình ảnh của Ajaan Mun báo trước cô cần đến ngay không chậm trễ. Có lẽ, hy vọng ngài sẽ khỏi bệnh làm cho cô không chấp nhận việc ngài bị ốm nặng, và rằng ngài sắp chết. Có lẽ, cô đã bận tâm với việc tìm kiếm tâm linh của riêng mình, và biết đến sự hiện diện canh chừng của ngài. Hoặc có lẽ chỉ đơn giản là cô lười biếng. Dù lý do gì đi nữa, cô vẫn chần chừ. Thỉnh thoảng cô có nói các cô tu nữ khác chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày nữa, nhưng cô luôn xao lãng việc ấn định ngày đi. Do đó, bất chấp sự rầy la và cảnh báo nhiều lần của ngài, Mae Chee Kaew vẫn ở Baan Huay Sai vào đêm Ajaan Mun viên tịch.

Một giờ sáng, Mae Chee Kaew đang ngồi thiền như bình thường từ đêm. Trong một khoảnh khắc của sự bình an tĩnh lặng sâu sắc, hào quang của Ajaan Mun tỏa sáng lần cuối cùng. Sắc mặt ngài lóe sáng, giọng nói của ngài mạnh mẽ và trực tiếp đến nỗi phá tan sự điềm tĩnh của cô. Với giọng như sấm nổ, ngài rầy la cô vì đã chểnh mảng. Vì lòng bi mẫn thuần khiết, bằng tình yêu thương của người cha đối với người con, ngài thúc giục cô nhiều lần đi gấp đến chỗ ngài. Bây giờ đã quá muộn rồi. Chẳng bao lâu nữa ngài sẽ nhập Đại Niết Bàn và rời khỏi thế giới này vĩnh viễn. Khi cô đến gặp ngài, cô sẽ chỉ thấy một cái xác không còn tâm thức để nhận ra cô. Chểnh mảng, lơ là, lại mất một cơ hội nữa rồi.

“Đừng để những tình cảm ô nhiễm chiếm lĩnh, Mae Kaew. Chúng chính là cội nguồn của cuộc diễu hành sinh và tử bất tận. Đừng bao giờ nghĩ rằng ô nhiễm tư tưởng là vô hại hoặc bình thường. Chỉ có tâm dũng cảm và quyết chí mới có thể đánh bại được những mưu mẹo của ô nhiễm. Hãy nhìn vào bên trong và để Pháp làm người dẫn đường của con. “Đất, nước, lửa, gió; mặt đất, bầu trời, núi và cây; thiên đàng, địa ngục và quỷ đói – đó không phải là đạo, quả hoặc Niết bàn. Chúng không hé mở sự thật cho con. Đừng mong đợi tìm thấy sự thật ở đó. Tất cả chúng đều thật trong giới hạn cảnh giới ấy, nhưng chúng không phải là sự thật con cần tìm. Vui sướng với chúng chỉ dẫn con trong vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Hãy ngừng quay. Hãy nhìn vào bên trong con. Sự thật của Pháp chỉ có ở trong tâm. Nó chỉ tỏa sáng trong tâm, như trăng rằm trên bầu trời quang đãng không một gợn mây.”

Còn rất lâu trời mới rạng sáng, Mae Chee Kaew đã xả thiền định, mồ hôi lạnh ướt thẫm bộ y trắng của cô. Cô mệt và nản lòng. Cô cảm thấy có một lỗ thủng tận trong đáy lòng mình. Cô thấy sự mất mát to lớn về một người thầy, niềm tự hào và hy vọng của cô. Cô nằm xuống nghỉ nhưng không thể ngủ được – năng lượng của cảm xúc quá mạnh. Cô thút thít khóc một mình, thở chậm và sâu để giảm bớt nỗi đau. Khi những tia sáng đầu tiên tràn vào phòng lúc bình minh, cô ngồi dậy, lấy lại bình tĩnh và rảo bước trong cái se lạnh buổi sớm để gặp các tu nữ ở sala chính. Nước mắt trào ra khi cô mở miệng nói. Hình ảnh của ngài, lời quở trách của ngài, lời dạy của ngài, cái chết của ngài – câu chuyện về lần xuất hiện cuối cùng của Ajaan Mun tuôn ra khỏi môi cô và lăn xuống đôi gò má của cô. Các tu nữ đã biết Mae Chee Kaew đủ lâu để tin vào khả năng đặc biệt biết trước sự việc sẽ xảy ra của cô. Dù vậy, các tu nữ không dễ dàng chấp nhận tin buồn này ngay được.

Khi Mae Chee Kaew nói xong, và các tu nữ tụm lại với nhau với trạng thái tình cảm lẫn lộn, ông trưởng làng chạy lên thang và thốt lên, “Thưa các tu nữ, các cô đã nghe tin chưa? Các cô đã nghe tin chưa?” Ông hít một hơi thật sâu và thở ra thật chậm; và nói, gần như là thì thào, “Ajaan Mun đã ra đi đêm qua ở Sakon Nakhon. Con vừa nghe tin trên đài mới vài phút trước đây. Họ nói ngài mất lúc rạng sáng, 2 giờ 23 phút.” Thấy các tu nữ khóc không kiềm chế được, ông nói thêm giọng xin lỗi: “Con xin lỗi, thưa các tu nữ, con nghĩ các cô nên biết.”

Ajaan Mun viên tịch ngày 10 tháng 11 năm 1949, hai ngày sau khi Mae Chee Kaew tròn 48 tuổi. Trước khi tang lễ của ngài được cử hành vào cuối tháng một, cô đã đến Sakon Nakhon một lần để đánh lễ. Quỳ trước linh cữu của ngài mà cả mặt trước được làm bằng kính, cô trân trân nhìn thi hài của ngài và cảm thấy cắn rứt hối hận. Âm thầm và lặng lẽ, cô xin ngài tha thứ cho những lỗi lầm đã qua của cô: “Mahā There pamādena…” và hạ quyết tâm cho tương lai: không lơ là nữa, không chểnh mảng nữa, không hối tiếc nữa.

Gần đến ngày hỏa táng, Mae Chee Kaew và các tu nữ lại đi một chuyến dài ngày đến Sakon Nakhon một lần nữa. Các cô đến vừa đúng lúc nhìn thấy các sư kính cẩn mang linh cữu của Ajaan Mun từ thềm chùa ra dàn hỏa táng. Mae Chee Kaew đi cùng với nhiều người khác trong đám rất đông khóc tự nhiên khi thi hài của ngài đi ngang qua. Ngài đã đến đất thanh tịnh cao cả của Niết Bàn từ lâu rồi. Không bao giờ ngài còn trở lại với sự tồn tại thân thể vật lý – mảnh đất của nước mắt và than van. Cô mải mê nhìn khi lửa được châm vào lúc nửa đêm, và cảm nhận được sự hiện diện rõ ràng của ngài, cũng là lúc một cụm mây nhỏ đượm ánh trăng soi phất nhẹ những hạt mưa xuống dàn hỏa táng.

^^^

From Cư Sĩ

LET IT BE !
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply