Select Menu

Top

Được tạo bởi Blogger.

Bài đăng nổi bật

NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH

Toại Khanh Tôi đi xa mới về. Thùng thư trước nhà đầy ắp, cả cái hộp thư riêng ở bưu điện cũng không còn chỗ nhét. Ngoài phần lớn những thứ đ...

Tìm kiếm Blog này

random posts

Ads 180

Ads 180
Bán xe Ford Taurus

Popular Posts

Kinh Phật

Phật sự

Thần Thông

Thiên Giới

Chùa Nam Tông

Đọa Xứ

Video

» » » Chuyện Tiền Thân IV - Phẩm Chín bài kệ [05]
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn


KINH TIỂU BỘ 
Khuddhaka Nikàya 
Tập VII 
Dịch Anh-Việt: G.S. Trần Phương Lan

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) IV / CHƯƠNG 9 

Phẩm Chín bài kệ [05] 


-ooOoo-


427. CHUYỆN CHIM THỨU (Tiền thân Gijjha)


Ðược làm bằng đám gỗ chênh vênh...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân Giới luật.

Chuyện kể rằng vị ấy là thiện gia nam tử, và được truyền giới vào Giáo pháp đưa đến giải thoát được các vị Pháp sư, giáo sư đầy thiện chí cùng các đồng Phạm hạnh giáo giới như vầy:

- Hiền giả phải đi tới hay đi lui như vầy, phải nhìn thẳng hay nhìn nghiêng như vầy, cánh tay phải duỗi ra hay co lại như vầy, các y trong và y ngoài phải được mang như vầy, bình bát phải được cầm như vầy. Khi Hiền giả nhận đủ các thứ ăn để nuôi thân, sau khi tự quán sát, Hiền giả phải thọ dụng nó như vầy, hộ phòng các căn như vầy.

Hiền giả phải tiết độ trong ăn uống và tỉnh giác. Hiền giả phải nhận thấy các bổn phận như vầy đối với chư Tăng đến và đi khỏi tinh xá. Ðầy là mười bốn qui tắc về phận sự của Tỷ-kheo và tám mươi trọng giới phải hoàn thành đúng đắn, và đây là mười ba pháp thực hành Dhuta về nếp sống cẩn trọng. Tất cả các giới điều này phải được hoàn thành một cách nghiêm túc.

Tuy thế, vị ấy bất tuân Giới luật và thiếu kham nhẫn, không chịu thọ giáo một cách kính cẩn, và không tuân lời thầy, lại bảo:

- Tôi không chỉ trích các vị. Tại sao các vị nói với tôi như vậy? Tôi biết điều gì ích lợi cho tôi và điều gì không có lợi.

Tăng chúng nghe được sự bất tuân Giới luật của ông liền kể lại các lỗi lầm của ông trong lúc các vị ngồi tại Chánh pháp đường.

Bậc Ðạo Sư bước vào, hỏi các vị đang bàn luận đề tài gì và truyền gọi Tỷ-kheo ấy đến hỏi:

- Này Tỷ-kheo, tại sao khi đã được truyền giới vào Giáo pháp đưa đến giải thoát, ông lại không nghe lời dạy của các vị giáo thọ có thiện ý kia? Ngày xưa ông cũng đã bất tuân lời dạy của các trí giả và gặp cuồng phong Verambha thổi thành tro bụi.

Sau đó Ngài kể lại chuyện đời xưa.

*

Một thuở nọ Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên) trên núi Linh thứu. Bấy giờ con của ngài là Supatta, vua kên kên, cường tráng, đầy dũng lực và có đám tuỳ tùng nhiều ngàn kên kên. Thứu vương phụng dưỡng song thân. Do có sức mạnh, Thứu vương thường bay rất xa. Chim thứu cha vẫn thường khuyên nhủ:

- Này con thân, con đừng bay xa quá những điểm này.

Thứu vương đáp:

- Ðược lắm, thưa cha.

Nhưng một hôm trời mưa, Thứu vương bay cùng các kên kên khác, rồi rời đàn phía sau, một mình vượt giới hạn đã được khuyên bảo, nên thứu vương bay vào cuồng phong Veramba và bị thổi tan thành tro bụi.

Với Tối Thắng Trí, Đức Phật ngâm các vần kệ này minh hoạ các sự kiện trên:

1.
Ðược làm bằng đám gỗ chênh vênh,
Một lối đi xưa cũ dẫn lên
Những đỉnh núi non cao chót vót,
Thứu con nuôi dưỡng các thân sinh.

2.
Ðôi cánh hùng cường đầy dũng lực,
Thứu đem mỡ rắn tặng song thân,
Khi cha nhìn Thứu bay cao quá,
Liều lĩnh du hành, vẫy dạy răn:

3.
"Khi con quan sát, hỡi con thân,
Quả địa cầu tròn với đại dương
Bao bọc chung quanh, đừng tiến nữa,
Trở về ngay nhé, khẩn cầu con!"

4-5.
Thứu vương thường cất cánh lên mau,
Bay lượn vòng quanh cõi địa cầu
Với nhãn quan tinh tường thấu suốt,
Thứu con thấy rõ các rừng sâu,
Núi non phía dưới cao vời vợi,
Quả đất giống cha tả biết bao:

6-7.
Một quả cầu tròn giữa đại dương,
Nhưng khi vượt quá giới hạn thông thường,
Dẫu là chim thứu đầy oai lực,
Một trận đại phong thật nộ cuồng
Ðã thổi Thứu tan tành bỏ mạng,
Bất tài không địch nổi cuồng phong.

8-9.
Như vậy Thứu con bởi bất tuân
Tử vong bỏ mặc cả song thân.
Kẻ nào khinh bỉ kẻ già cả
Chế nhạo lời khuyên của trí nhân,
Cũng chết như chim khinh bậc trí,
Xem thường giới hạn bởi kiêu căng.

- Vì vậy, này Tỷ-kheo, đừng giống như chim Thứu này, mà phải tuân theo lời dạy của những người đầy thiện ý.

Khi được bậc Ðạo Sư giáo huấn như trên, từ đó về sau vị ấy biết vâng lời thầy.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Chim kên kên bất tuân lệnh ngày xưa là vị Tỷ-kheo không vâng lời ngày nay. Và chim cha chính là Ta.

-ooOoo-


428. CHUYỆN GIÁO HỘI Ở KOSAMBI (Tiền thân Kosambi)


Khi giáo hội bị chia hai, ly tán...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Lâm Viên Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều-thưởng-di) về một đám người tranh chấp nhau ở Kosambi.

Sự kiện dẫn đến chuyện này có thể tìm được trong phần Luật tạng liên hệ đến Kosambi. Sau đây là tóm tắt câu chuyện. Tương truyền thời ấy có hai Tỳ- kheo sống cùng một tịnh xá, một vị thông hiểu Giới luật và vị kia thông hiểu Kinh điển. Một hôm, vị thứ hai có dịp đến chỗ rửa mặt xong, đi ra và bỏ sót một ít nước thừa để súc miệng trong cái ghè. Sau đó vị thông Giới luật đi vào và thấy nước, liền đi ra hỏi bạn xem có phải vị ấy đã để nước lại đó chăng. Ông đáp:

- Thưa Hiền giả, vâng.

- Sao, thế Hiền giả không biết đó là lỗi lầm ư?

- Không, tôi không biết.

- Này hiền giả, đó là lỗi lầm.

- Thế thì tôi sẽ sám hối việc ấy.

- Song nếu Hiền giả không có ý làm việc ấy thì đó không phải lỗi lầm.

Như vậy vị ấy là người không thấy lỗi lầm trong một việc có lỗi lầm. Vị tinh thông Giới luật bảo các đệ tử mình:

- Vị tinh thông Kinh điển này, dù đã phạm lỗi lầm, lại không biết việc ấy.

Khi gặp các đệ tử của vị Tỷ-kheo kia, họ bảo:

- Thầy của các vị dù phạm lỗi lầm, lại không nhận ra lỗi lầm.

Ðám này đi về thưa lại với thầy. Vị ấy bảo:

- Vị thông Giới luật này trước kia bảo đó không phải lỗi lầm, nay lại bảo đó là lỗi lầm. Vị này là kẻ nói dối.

Ðám đệ tử này đi nói với đám kia:

- Thầy của các vị là kẻ nói dối.

Do đó hai nhóm gây sự tranh cãi lẫn nhau. Về sau vị thông hiểu Giới luật, tìm được cơ hội đưa ra một hình thức tẩn xuất vị Tỷ-kheo đã không chịu nhận thấy sự vi phạm Giới luật của mình.

Từ đó về sau, các cư sĩ cung cấp bốn vật dụng cần thiết cho Tăng chúng cũng chia ra hai phe. Các Tỷ-kheo -ni nhận sự giáo huấn của các Tỷ-kheo, các vị Thần hộ pháp, cùng các thân hữu quyến thuộc của họ, cùng chư Thiên lên đến tận cõi Phạm thiên, thậm chí cả đám người ngoại đạo, cũng họp thành hai phái và tiếng huyên náo vang lên đến toàn cõi Phạm thiên.

Sau đó một Tỷ-kheo đến gần đức Như Lai, và thông báo quan điểm của phe tấn xuất là: "người kia bị tẩn xuất theo đúng Chánh pháp". Và quan điểm của những kẻ theo phe người bị tẩn xuất là; "người ấy bị tẩn xuất một cách phi pháp", cùng sự kiện một số người, dù bị phe tẩn xuất cấm đoán, vẫn tụ họp lại để ủng hộ vị ấy.

Ðức Thế Tổn bảo:

- Có sự chia rẽ, quả thật, có sự chia rẽ trong giáo hội.

Ngài đến gặp hai phe, nêu rõ sự tai hại trong vấn đề tẩn xuất đối với những người tẩn xuất, cùng sự nguy hại theo sau sự che dấu lỗi lầm đối với phe kia, rồi Ngài ra đi.

Lần khác, khi Hội chúng thực hành lễ Bồ-tát cùng các Tăng sự khác trong cùng một nơi, trong một khu vực, và lại tranh cãi ở trai đường cùng nhiều nơi khác, Ngài liền đưa ra điều luật rằng họ phải ngồi lại với nhau thảo luận lần lượt từng người một từ mỗi phe.

Khi nghe họ vẫn tranh cãi trong tinh xá, Ngài đến bảo:

- Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, chúng ta không được tranh cãi.

Một vị trong phe phi chính thống không muốn phiền nhiễu đức Thế Tôn, liền thưa:

- Xin đức Thế Tôn hãy tinh xá. Mong đức Thế Tôn được an tịnh độc cư, thọ hưởng cực lạc đã chứng đắc ngay tại đời này. Chúng con sẽ tự làm cho chính bản thân ô danh vì cuộc khẩu tranh, luận tranh, đấu tranh, giao tranh này.

Nhưng bậc Ðạo Sư bảo họ:

- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa, vua Brahmadatta, quốc vương ở Kàsi, trị vì tại Ba-la-nại, đã chiếm đoạt vương quốc của vua Dighati ở Kosala, và giết vua ấy, trong lúc sống ẩn tích mai danh. Ðến khi vương tử Dighavu tha mạng vua Brahmadatta, hai vị trở thành thân hữu trở về sau. Và như vậy chắc hẳn có nhiều khổ đau và thân ái giữa hai vị vua mang kiếm trượng ấy; quả thật, này các Tỷ-kheo, các ông cần hiểu rõ rằng các ông đang sống đời tu tập theo Pháp và luật được khéo giảng, thì các ông có thể tha thứ và tỏ từ tâm đối với nhau.

Giáo huấn Tăng chúng đến lần thứ ba, Ngài bảo:

- Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, không được tranh chấp nữa.

Và khi Ngài không thấy họ không ngừng lại trước lệnh của Ngài, Ngài ra đi và bảo:

- Quả thật đám người ngu si này giống như bị quỷ ám, chúng không dễ được thuyết phục.

Hôm sau đi khất thực về, Ngài nghỉ trong Hương Phòng và sắp đặt phòng cho thứ tự, rồi cầm y bát, Ngài đứng trên không và ngâm các vần kệ này giữa Hội chúng:

1.
Khi Giáo hội bị phân chia hai nhóm,
Dân chúng thường mở miệng kêu vang:
"Mỗi người đều tự tin tưởng khôn ngoan,
Và nhìn kẻ láng giềng đầy khinh bỉ".

2.
Tâm mê muội, chứa đầy niềm tự thị,
Chúng mở mồm phạm thượng thật si cuồng,
Vậy là do khẩu nghiệp, chúng sai đường,
Chúng không biết ai dẫn đầu ra lệnh.

3.
"Người này nhục mạ tôi, người kia đánh
Người thứ ba chiến thắng, cướp bóc tôi!"
Những ai mang tư tưởng ấy trong người
Không hề muốn giảm dần niềm sân hận.

4.
"Xưa nó nhục mạ tôi và đánh đấm,
Nó thắng tôi và đàn áp tôi hoài!"
Ai chẳng mang ý tưởng đó trong người,
Sẽ xoa dịu hận thù, đem hoà hợp.

5.
Không hận thù, chỉ tình thương đơn độc
Làm hận thù tiêu diệt, luật ngàn năm,
Một số người khinh bỉ pháp điều thân.
Song kẻ biết giải hoà là trí thiện.

6.
Nếu những kẻ bị thương trong tử chiến
Cùng những người cướp của, đoạt mạng dân,
Và những ai tàn phá nước lân bang,
Nay có thể cùng cựu thù thân thiết,

7.
Thế tại sao chúng Tăng không hoà hiệp,
Các ông nên tìm đồng bạn trí hiền,
Kẻ đồng tâm để chung sống bình yên,
Hiểm hoạ hết, bên người đồng tâm tính,
Ông suốt ngày hân hoan trong Thiền định!

8.
Song nếu ông không gặp bạn thân tình,
Thượng sách là ông phải sống một mình,
Như hoàng tử bỏ ngai vàng điện ngọc,
Hay voi già bước lang thang cô độc.

9.
Vậy ưu tiên chấp nhận sống độc thân,
Bầu bạn ngu chỉ dẫn đến tranh phân,
Hay đeo đuổi đường đời trong phóng dật,
Như voi nọ trong rừng hoang đi lạc.

*

Khi bậc Ðạo Sư đã nói như vậy xong, và Ngài vẫn không giải hoà được hội chúng này, Ngài liền đi đến làng Bàlaka, nơi làm muối, và thảo luận với Tôn giả Bhagu về sự an lạc của độc cư. Sau đó Ngài lại đến nơi cư trú của ba thiện gia nam tử và nói chuyện với họ về hạnh phúc hoà hợp.

Rồi Ngài du hành đến rừng Pàrileyyaka, cư trú tại đó ba tháng, và đi về thẳng Sàvatthi, chứ không trở lại Kosambi.

Quần chúng cư sĩ ở Kosambi thảo luận với nhau và bảo nhau:

- Hiển nhiên các Tôn Gỉa Tỷ-kheo ở Kosambi đã làm hại chúng ta rất nhiều, bậc Ðạo Sư bị các vị ấy quấy nhiễu nên ra đi. Chúng ta quyết không trân trọng kính chào các vị ấy, cũng không cúng dường vật và thực khi họ đến nhà, để rồi họ sẽ ra đi, hoặc hoàn tục, hoặc cầu hoà với bậc Ðạo Sư.

Và họ làm đúng như vậy.

Các Tỷ-kheo ấy bị túng quẩn vì hình thức xử phạt này, liền đến Sàvatthi thỉnh cầu đức Thế Tôn tha thứ.

*

Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy vua cha là Ðại vương Suddhodana (Tịnh Phạn), mẫu hậu là Mahàmàya (Mai-gia) và vương tử Dighàvu chính là Ta.

-ooOoo-


429. CHUYỆN ÐẠI ANH VŨ (Tiền thân Mahàsuka)


Bất cứ khi nào cây trái sinh...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo.

Chuyện kể rằng vị ấy sống trong rừng gần một làng biên địa ở Kosabbi và nhận được lời giáo huấn từ bậc Ðạo Sư theo các đề tài Thiền quán. Dân chúng làm cho ông một an thất trong một nơi họ thường lui tới, cung cấp nơi cư trú cả ngày lẫn đêm và phụng sự ông rất tận tâm chu đáo. Ngay tháng đầu tiên ông an cư mùa mưa, làng ấy bị đốt sạch và dân chúng không còn một hạt thóc nên không thể cúng dường thực phẩm thơm ngon vào bình bát ông, cho nên mặc dù ông ở trong một nơi thoải mái, ông lại buồn khổ vì thiếu thực phẩm đến độ không thể nhập vào Thánh đạo hay Thánh quả được.

Vì vậy khi hết ba tháng mưa, ông đến yết kiến bậc Ðạo Sư, sau những lời ân cần chào hỏi, bậc Ðạo Sư bày tỏ huy vọng là mặc dù khó khăn về thực phẩm cúng dường, ông cũng có được một nơi an trú dễ chịu. Vị Tỳ- kheo trình Ngài về tình hình đã diễn tiến ra sao. Khi nghe ông có được một trú xứ an lạc, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này Tỷ-kheo, nếu sự tình là như vậy, một vị tu khổ hạnh nên dẹp bỏ các thói tham đắm, và tri túc với những thức ăn gì mình nhận được để hoàn thành phận sự của người xuất gia. Các bậc trí ngày xưa khi được sinh vào loài súc vật, dù chỉ sống bằng bụi bặm trong cây hư mục mà mình cư trú, cũng đã bỏ mọi tham dục, tự biết sống đủ để ở lại nơi kia và hoàn thành đạo lý về ân tình. Thế thì tại sao ông lại bỏ một nơi cư trú đầy an lạc chỉ vì thức ăn nhận được quá ít ỏi thô sơ?

Và theo lời thỉnh cầu của vị này, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có vô số chim anh vũ (két) sống ở vùng Tuyết Sơn trên bờ sông Hằng trong một rừng sung. Vua Anh vũ ấy gặp lúc trái cây nơi mình cư trú đã hết màu, phải ăn bất cứ cái gì còn sót lại, dù là mầm, lá, vỏ cây hoặc giác cây và uống nước sông Hằng, vẫn thấy an lạc và tri túc nơi mình sống.

Do tâm trạng an lạc tri túc này, chiếc ngai của Thiên chủ Sakka rung động. Sakka tìm hiểu nguyên nhân và thấy Anh vũ này, rồi muốn thử thách công hạnh của chim, ngài dùng thần lực làm cho cây héo tàn, trở thành khúc thân cây mục đầy lỗ hỏng đứng trơ vơ bị mưa gió vùi dập, và bụi bặm bay từ các lỗ ấy!

Anh vũ vương vẫn ăn bụi cây và uống nước sông Hằng, không đi đâu khác và vẫn đậu trên ngọn cây, chẳng quan tâm gì đến nắng gió.

Thiên chủ Sakka nhận thấy Anh vũ sống rất tri túc, liền tự bảo: "Sau khi nghe chim nói về đức tính của tình bằng hữu, ta sẽ đến ban cho chim một đặc ân và làm phép cho cây sung sinh bất tử".

Vì thế ngài giả dạng một Thiên nga cùng với hoàng hậu của ngài là Sujà đi trước biến hình thành một nữ thần A-tu-la, ngài đến rừng sung kia, đậu trên một khóm cây gần đó và ngâm kệ bắt đầu đàm thoại với Anh vũ:

1.
Bất cứ khi nào cây trái sinh,
Bầy chim đói lại đến đầy cành,
Song khi cây đã thành khô héo,
Lập tức bầy chim bỏ chạy nhanh.

Sau lời này, ngài lại ngâm vần kệ thúc giục chim đi chỗ khác:

2.
Này ông mỏ đỏ, hãy đi mau,
Ông vẫn ngồi mơ mộng, cớ sao?
Hãy nói ta nghe, xuân điểu hỡi,
Sao ông bám khúc gỗ khô nào?

Chim Anh vũ đáp:

- Này Thiên nga, do ân nghĩa, ta không rời bỏ cây này.

Rồi chim ngâm hai vần kệ:

3.
Ngay khi Anh vũ chúa cầu mong,
Biết rõ mọi điều kiện, chánh chân
Dầu sống, chết hay khi khổ lạc,
Ðều không hề bỏ mặc thân bằng

4.
Ta muốn ân cần, giữ thiện tâm
Với cây kết bạn đã lâu năm,
Ta mong sống, dẫu lòng không nỡ
Rời bỏ cây khô đã chết dần.

Sakka nghe chim nói, rất hoan hỷ, vừa ca ngợi chim vừa muốn ban cho chim một điều ước, liền ngâm hai vần kệ:

5.
Ta biết chim giao hữu thật tình
Trí nhân chắc chắn phải hoan nghênh,
Ta ban chim thứ gì chim mong muốn,
Anh vũ, ước cho thoả ý mình

Nghe vầy, Anh vũ ngâm vần kệ thứ bảy nói lên điều mình ước:

6.
Thiên nga, nếu bạn muốn ban ân
Mong ước cho cây sống lại dần
Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,
Quả ngon tươi mát mọc đầy thân.

Rồi Thiên chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tam ban đặc ân này:

7.
Bạn nhìn! Cây quý quả sai đầy,
Thích hợp cho chim ở chốn này,
Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,
Quả ngon ngọt mát tươi thay!

Cùng với các lời này, Sakka bỏ lốt ngỗng, thị hiện phép thần thông cùng Hoàng hậu Sujà, lấy tay múc nước sông Hằng rảy vào thân cây sung. Lập tức cây mọc lên cành lá sum suê, đầy trái ngọt như mật, tạo thành một cảnh tượng kỳ diệu như đỉnh núi Ngọc Bích lồ lộ.

Anh vũ thấy vậy, vô cùng hoan hỷ, ngâm vần kệ thứ chín tán thán Thiên chủ Sakka:

8.
Ước mong Thiên chủ, mọi Thiên thân,
Ðều hưởng thọ tràn ngập phước ân,
Hạnh phúc như chim đang thọ hưởng
Khi nhìn cảnh tượng đẹp huy hoàng.

Sau khi ban điều ước cho Anh vũ, và làm phép để cây sung mọc trái bất tử, ngài cùng Hoàng hậu Sujà trở về cõi của ngài.

Ðể minh hoạ chuyện này, các vần kệ xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng được thêm vào đoạn cuối:

9.
Ngay khi Anh vũ chúa cầu mong,
Lần nữa cây kia trổ trái dần,
Ðế Thích cùng bà hoàng biến mất
Về vườn Thiên lạc cõi Thiên thần.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:

- Như vậy, này Tỷ-kheo, các bậc trí này xưa dù sinh làm súc vật cũng dứt bỏ tham ái. Thế tại sao nay ông đã được thọ giới trong Giáo pháp tối thượng này, lại còn theo các thói xan tham? Hãy về ở lại chỗ ấy.

Rồi Ngài trao cho vị này một đề tài Thiền quán, và nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy Sakka là Anurudda (À-na-luật-đà) và Anh vũ chính là Ta.

Vị Tỷ-kheo trở về và nhờ Thiền quán đã đắc Thánh quả (A-la-hán).

-ooOoo-


430. CHUYỆN TIỂU ANH VŨ (Tiền thân Cullasuka)


Nhìn cây vô số ở quanh đây...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên liên hệ phẩm Verãnjà của Luật Tạng.

Sau thời an cư mùa mưa tại Verãnjà, khi bậc Ðạo Sư lên đường dẫn đến Sàvatthi, Tăng chúng ngồi tại Chánh pháp đường thảo luận và bảo nhau:

- Này các Hiến giả, đức Như Lai vốn là một vị quý tộc Sát-đế-lỵ được bảo dưỡng tế nhị, dầu đã thành Phật có đủ thần thông lực, vẫn theo lời thỉnh câu của một Bà-la-môn ở Verãnjà an cư ba tháng với vị ấy. Rồi do áp lực của Ác Ma, Ngài không nhận được thực phẩm cúng dường từ tay vị Bà-la-môn ấy, thậm chí một ngày thôi, Ngài liền từ bỏ mọi tham dục và cứ ở lại nơi ấy suốt ba tháng sống bằng nước lã và một ít cám xay. Kỳ diệu thay là hạnh tri túc của các đức Như Lai!

Khi bậc Ðạo Sư đến hỏi đề tài thảo luận của các vị, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không lạ gì ngày nay Như Lai đã bỏ hết mọi tham dục, vì ngày xưa khi được sinh làm súc vật, Ngài cũng xả ly tham dục.

Và sau đó, Ngài kể một chuyện quá khứ. Bấy giờ toàn thể câu chuyện cũng được kể lại với đầy đủ chi tiết giống hệt như chuyện trước.

*

Sakka:

1.
Nhìn cây vô số ở quanh đây
Toàn thể xanh tươi, trái mọc đầy,
Cớ sao Anh vũ còn đeo đẳng
Cây đã héo khô tội nghiệp này?

Anh vũ:

2.
Chúng ta hưởng thọ đã lâu năm
Trái ngọt ngon mà cây đã mang
Vậy dẫu trái nay không còn nữa,
Cây cần phải được sự quan tâm.

Sakka:

3.
Cây chẳng còn sinh trái, lá nào
Than ôi! Cây đã chết, vì sao?
Nay chim còn trách bầy chim bạn
Rằng chúng ta bay đi hết đã lâu?

Anh vũ:

4.
Chúng yêu cây bởi trái cây thôi,
Nay trái cây không còn nữa rồi,
Bọn ích kỷ ngu si tội nghiệp,
Thân tình ân nghĩa tếch mù khơi!

Sakka:

5.
Ta đây công nhận mối ân tình,
Chim có lòng chung thuỷ tốt lành,
Ðức hạnh như là Anh vũ chúa,
Trí nhân mãi mãi sẽ hoan nghênh.

6.
Ta muốn giờ đây ta tặng chim
Ðiều gì chim ước nguyện trong tim,
Ta cầu chim nói cho ta biết,
Ðiều ước làm tâm được phỉ nguyền?

Anh vũ:

7.
Mong cây này lại có cơ may
Sinh sản lá tươi, trái trĩu đầy,
Ta sẽ vô cùng hoan hỷ thấy
Bầy chim tìm được bảo toàn này!

8.
Thế rồi cây ấy được Sak-ka
Rảy nước hồi sinh để mọc ra
Cành lá sum suê đầy bóng mát,
Xinh tươi khả ái vẫn như xưa.

9.
Ước mong Thiên chủ, các Thiên thần
Ðều hưởng thọ tràn ngập phước ân,
Hạnh phúc như chim đang thọ hưởng
Khi nhìn cảnh tượng đáng hân hoan!

10.
Như vậy cây trái được sinh
Nhờ lời Anh vũ nguyện ân tình,
Sak-ka trở lại cùng hoàng hậu
An hưởng vườn Thiên lạc hiển vinh

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy Sakka là Anuruddha và Anh vũ vương chính là Ta.

-ooOoo-


431. CHUYỆN NAM TỬ HÀRITA (Tiền thân Hàrita)


Hà-ri Hiền hữu, trẫm nghe rằng...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất mãn.

Bấy giờ Tỷ-kheo này trở nên bất mãn sau khi nhìn thấy một nữ nhân phục sức lộng lẫy nên cứ để cho lông tóc, móng tay chân dài ra, và muốn hoàn tục. Khi ông miễn cưỡng bị các vị giáo thọ và giám hộ đưa đi yết kiến bậc Ðạo Sư, và được Ngài hỏi xem có đúng là ông thối thất chăng, và tại sao như vậy, ông đáp:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chính vì uy lực của dục tham, sau khi nhìn thấy một nữ nhân xinh đẹp.

Bậc Ðạo Sư bảo:

- Này Tỷ-kheo, tham dục huỷ hoại công đức, hơn nữa, rất đáng nhàm chán, nó làm cho con người tái sinh vào địa ngục; thế thì sao tham dục này lại không đưa đến sự suy tàn của ông? Bởi vì trận cuồng phong vùi dập đỉnh núi Sineru (Tu-di) vẫn không ngần ngại cuốn đi một ngọn lá khô héo. Chính vì tham dục này, những người thực hành theo trí thức và trí tuệ, đã đắc năm Thắng trí và tám Thiền chứng, dẫu là Thánh nhân vĩ đại, vẫn không đủ khả năng ổn định tâm tư nên sa đoạ đánh mất Thiền lực vi diệu.

Rồi ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh ở một làng trong một gia đình Bà-la-môn có tài sản đến tám triệu đồng, và do màu vàng ánh của ngài, cha mẹ đặt tên ngài là Harittacakumàra (Nam tử Kim sắc). Khi lớn khôn, và đã được giáo dục tại Takkasilà, ngài trở thành người gia chủ. Vừa khi cha mẹ từ trần, ngài đi thanh tra đủ các kho báu của mình và suy nghĩ: "Tài sản kho báu tiếp tục tồn tại, còn những người tạo ra nó lại mất cả rồi. Ta cũng tan thành tro bụi khi chết".

Như vậy do nỗi sợ chết báo động, ngài thực hành đại bố thí, rồi vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành, đến ngày thứ bảy ngài thành tựu các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài sống ở đó một thời gian bằng củ quả rừng, rồi xuống núi tìm muối và dấm, dần dần ngài đến tận Ba-la-nại.

Ngài sống trong ngự viên và ngày hôm sau, khi khất thực ngài đến cửa cung vua. Vua rất hoan hỷ khi thấy ngài nên đã truyền mời ngài vào ngồi trên vương toạ dưới bóng mát của chiếc Lọng trắng và cúng dường ngài đủ thứ cao lương mỹ vị.

Khi lời nói lời tuỳ hỷ công đức, vua vô cùng đẹp ý hỏi:

- Bạch Tôn giả, ngài sắp đi đâu?

- Tâu Ðại vương, chúng tôi tìm một nơi an cư mùa mưa.

- Thế thì tốt lắm, bạch tôn giả. Vua bảo.

Rồi sau buổi điểm tâm, vua cùng đi với ngài đến ngự viên, truyền dựng am thất ban ngày lẫn ban đêm cho ngài ở, chỉ định người giữ ngự viên làm hầu cận của ngài, rồi vua kính chào ngài ra về. Từ đó bậc Ðại Sĩ thường xuyên ăn uống ở cung vua và sống tại nơi ấy suốt mười hai năm liền.

Một hôm, vua đi dẹp loạn ở biên giới, nên đã giao phó hoàng hậu chăm sóc Bồ-tát, và bảo bà:

- Ðừng xao lãng việc phụng sự "Phước điền" của chúng ta.

Từ đó trở về sau, hoàng hậu tự tay phục vụ bậc Ðại Sĩ rất chu đáo.

Một hôm, hoàng hậu đã chuẩn bị thực phẩm của ngài xong, và vì ngài đến muộn, nên bà đi tắm nước hương thơm ngát, choàng chiếc y bằng lụa mỏng manh mềm mại, rồi mở cửa thượng lầu nằm xuống một vương sàng nhỏ để cho gió lùa trên thân thể bà.

Sau đó, Bồ-tát đắp hạ y và thượng y, cầm bình bát, du hành qua không gian đi vào cửa sổ ấy. Khi hoàng hậu vội vàng đứng dậy vì nghe tiếng sột soạt của các tấm y bằng vỏ cây trên thân ngài, chiếc y bằng lụa mỏng rơi khỏi người bà. Một đối tượng lạ thường đập vào mắt bậc Ðại Sĩ. Rồi một dục tưởng đã ẩn trong tâm ngài từ vô lượng kiếp, chợt bừng dậy như một con rắn nằm trong hộp, xua tan thiền lực của ngài.

Rồi không đủ khả năng ổn định tư tưởng, ngài đến chụp lấy hoàng hậu bằng đôi tay và hai vị lập tức kéo màn che phủ quanh người. Sau khi đã phạm tà dục với bà, ngài thọ thực và trở về ngự viên. Từ đó về sau, ngày nào ngài cũng đến làm như vậy.

Tà hạnh của ngài vang dậy khắp kinh thành. Các cận thần của vua dâng sớ tâu trình vua: "Nhà khổ hạnh Hàrita đang hành động như vậy như vậy".

Vua suy nghĩ: "Họ nói như vậy để ly gián chúng ta" và vua không tin chuyện ấy.

Khi vua đã bình định vùng biên địa xong, liền trở về Ba-la-nại và sau buổi diễn binh oai nghi khắp kinh thành, vua đến gặp hoàng hậu và hỏi:

- Có thật Thánh nhân khổ hạnh Hàrita đã phạm tà dục với ái hậu chăng?

- Tâu Chúa thượng, quả đúng vậy.

Vua vẫn không tin lời bà và suy nghĩ. "Ta sẽ hỏi chính vị ấy". Rồi đi đến ngự viên, vua vái chào ngài, ngồi kính cẩn một bên và ngâm vần kệ đầu để hỏi chuyện:

1.
Hà-ri Hiền hữu, trẫm nghe rằng
Tôn giả nay đang sống lỗi lầm,
Trẫm chẳng tin lời đồn đại ấy,
Ngài không phạm tội ý, thân chăng?

Ngài suy nghĩ: "Nếu ta nói ta không phạm tội lỗi, vị vua này sẽ tin ta, nhưng trên thế gian này, không có một căn cứ nào vững chắc bằng nói sự thật. Người nào từ bỏ sự thật, dù ngồi trong Bồ-đề đạo tràng linh thiêng cũng không để đạt quả Phật. Vậy ta cần nói sự thật".

Trong vài trường hợp, một vị Bồ-tát có thể sát sinh, lấy của không cho, phạm tà dục và uống rượu nồng, nhưng vị ấy không được nói dối đi kèm với sự lừa phỉnh vi phạm chân lý của vạn vật. Vì thế ngài ngâm vần kệ thứ hai chỉ nói lên sự thật:

2.
Ta phạm ác hành, hỡi Ðại vương,
Ðúng như Ngài đã được nghe rằng
Mắc vào tà thuật trong trần thế,
Ta đã đi sai lạc bước đường.

Nghe vậy, vua ngâm vần kệ thứ ba:

3.
Trí tuệ uyên thâm của thế nhân
Hoài công vô ích, chẳng xua tan
Dục tham bùng dậy trong lòng dạ
Của bậc trí nhân đã lạc đường.

Sau đó Hàrita nêu rõ cho vua thấy uy lực của dục tham qua vần kệ thứ tư:

4.
Bốn ác dục này ở thế gian
Uy quyền lấn áp cứ lan tràn:
Tham, sân, vô độ và si ám,
Tri kiến không sao đứng vững vàng.

Vua nghe liền ngâm vần kệ thứ năm:

5.
Thánh hạnh tràn đầy với trí minh
Hà-ri Hiền giả đáng tôn vinh!

Hiền giả Hàrita ngâm tiếp vần kệ thứ sáu:

6.
Ác tâm, tham dục, do liên kết,
Huỷ hoại trí nhân hướng Thánh hành.

Sau đó vua ngâm vần kệ thứ bảy khuyến nhủ vị ấy quẳng bỏ mọi tham dục:

7.
Vẻ đẹp trong tâm tịnh sáng ngời
Bị hư vì ác dục sinh sôi,
Quẳng ngay, hạnh phúc đang chờ đón,
Quần chúng tuyên dương trí tuệ ngài.

Khi ấy Bồ -tát đã phục hồi năng lực Thiền định và quán sát sự đau khổ của tham dục, ngài ngâm vần kệ thứ tám:

8.
Vì tham dục trói buộc thân này,
Sinh sản cho ta quả đắng cay,
Ta quyết cắt sâu cho tận gốc
Mọi mầm tham dục khởi lên đây.

Nói vậy xong, ngài xin phép vua, rồi sau khi được chấp nhận, ngài về tham am tập trung nhãn lực vào đề tài và nhận định, sau đó bước ra khỏi am, ngồi bắt chéo chân trên không và giảng Chánh pháp cho vua, ngài bảo:

- Tâu Ðại vương, ta đã tạo nên sự chỉ trích của quần chúng vì ta cư trú một nơi mà ta không nên cư trú. Nhưng giờ đây xin Ðại vương hãy tỉnh giác hộ phòng. Còn ta sẽ trở về núi rừng thoát ly mọi ô nhiễm của nữ sắc.

Rồi giữa những giọt nước mắt và tiếng than khóc của vua, ngài trở về Tuyết Sơn, rồi không gián đoạn Thiền định, ngài lên cõi Phạm thiên.

Bậc Ðạo Sư biết toàn thể câu chuyện và bảo:

9.
Như vậy, Hà-ri bậc trí nhân
Ðấu tranh vì Chánh pháp kiên cường,
Vừa khi rời bỏ niềm tham dục,
Hướng đến Phạm thiên tiến thẳng đường.

*

Sau khi ngâm vần kệ do Trí tuệ tối thắng, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo có tâm thế tục ấy đã đắc Thánh quả.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời bấy giờ vua là Ànanda, và Hàrita chính là Ta.

-ooOoo-


432. CHUYỆN CẬU BÉ CÓ TÀI NHẬN DẤU CHÂN (Tiền thân Padakusalamànava)


Pà- ta bị cuốn bởi sông Hằng...,

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi trú tại Kỳ Viên về một cậu bé.

Người ta đồn cậu bé ấy là con của một gia chủ tại Sàvatthi, chỉ có bảy tuổi đã có tài nhận ra dấu chân. Bấy giờ cha cậu bé có ý định thử tài con, liền đi đến nhà người bạn mà không cho cậu biết. Cậu bé chẳng cần hỏi cha đã đi đâu, cứ theo vết chân của cha cậu, đến đứng trước mặt cha. Vì thế một hôm cha cậu hỏi:

- Khi cha ra đi mà không nói với con, làm thế nào mà con biết cha đi đâu?

- Thưa cha, con nhận ra dấu chân của cha. Con có tài về chuyện này.

Sau đó, cha cậu lại muốn thử cậu, liền ra khỏi nhà sau khi ăn sáng, đi vào nhà kế cận, từ đó qua một nhà khác, từ nhà thứ ba ông lại quay về nhà mình, rồi sau đó đi ra cổng Bắc, xong đi một vòng quanh thành phố từ phải sang trái. Khi đến Kỳ Viên, ông đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ngồi xuống nghe Pháp. Cậu bé hỏi cha ở đâu, và người nhà bảo:

- Ta không biết.

Cậu lần theo dấu chân cha bắt đầu từ nhà bên cạnh đi theo đúng con đường cha cậu đã đi qua. Sau khi đánh lễ bậc Ðạo Sư, cậu đứng trước mặt cha. Và cha hỏi làm sao con đến đây được, cậu đáp:

- Con nhận ra dấu chân cha và lần theo dấu ấy đến đây.

Người cha nói:

- Bạch Thế Tôn, thằng bé này có tài nhận ra dấu chân. Muốn thử nó, con đã đến đây theo cách như vầy như vầy. Nó không thấy con ở nhà, cứ lần theo dấu chân đến đây.

Bậc Ðạo Sư bảo:

- Không lạ gì việc nhận ra dấu chân dưới đất. Các bậc trí nhân ngày xưa nhận ra dấu chân trên không gian.

Và theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Thời xưa dưới triều vua Brahmadatta ở Ba-la-nại, vị chánh hậu bị vua chất vấn sau khi phạm tội tà dục, liền tuyên thệ:

- Nếu thần thiếp phạm tội với Chúa thượng, thần thiếp sẽ trở thành một con quỷ cái Dạ-xoa có mặt ngựa.

Sau khi chết, bà trở thành con quỷ cái có mặt ngựa sống trong hang đá ở một khi rừng rậm dưới chân núi và thường bắt những người qua lại trên con đường từ biên giới Ðông sang Tây để ăn thịt. Chuyện kể rằng sau khi phục vụ Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) suốt ba năm, quỷ cái này được phép ăn thịt người trong một khu vực dài ba mươi dặm, rộng năm dặm.

Một hôm, một vị Bà-la-môn giàu sang, đẹp trai được một đoàn tuỳ tùng đông đảo hộ tống đi lên con đường ấy. Dạ-xoa liền thấy chàng liền cười lớn chạy xuống chụp chàng, còn đám tùy tùng chạy trốn cả.

Với tốc lực nhanh như gió, quỷ cái bắt được chàng Bà-la-môn ném lên lưng nó và đưa vào hang. Do xúc chạm với chàng trai, quỷ cái bị lòng dục chi phối và cảm thấy yêu mến chàng, nên thay vì ăn thịt chàng, nó lại lấy chàng làm chồng và cả hai sống hoà hợp với nhau.

Từ đó mỗi khi quỷ cái bắt được đàn ông, nó lấy áo quần, lúa gạo, dầu mỡ cùng với mọi thứ khác phục vụ chàng đủ món cao lương mỹ vị, còn nó vẫn ăn thịt người.

Khi nào nó đi xa, nó sợ chàng trốn thoát, nên vẫn lấy hòn đá lớn đậy miệng hoang trước khi đi. Trong thời gian họ sống an vui như vậy, thì Bồ-tát vừa từ giã từ đời trước và nhập vào mẫu thai của quỹ cái với vị Bà-la-môn. Sau mười tháng, quỷ cái sinh một con trai, nó vô cùng thương yêu cả vị Bà-la-môn lẫn hài nhi, nên nuôi nấng họ chu đáo. Dần dần khi cậu bé lớn lên, quỷ cái đặt con vào trong hang với cha, rồi đóng cửa lại.

Một hôm Bồ-tát biết mẹ đã đi xa liền giở hòn đá lên và đưa cha ra ngoài. Khi quỷ cái trở về, hỏi ai đã giở hòn đá, cậu bé đáp:

- Thưa mẹ, chính con, vì cha và con không thể ngồi trong tối mãi.

Do thương con, quỷ cái không nói lời nào nữa. Một hôm Bồ-tát hỏi cha:

- Thưa cha, miệng cha khác với miệng mẹ, vì sao vậy?

- Con ơi, mẹ con là quỷ Dạ-xoa sống bằng thịt người, còn cha là con người.

- Nếu vậy, tại sao ta sống ở đây? Mau lên, chúng ta quyết trở về nơi chốn loài người.

- Con ơi, nếu ta cố chạy trốn, mẹ con sẽ giết chết cả hai ta đấy.

Bồ-tát an ủi cha và bảo:

- Cha đừng sợ, việc đem cha trở về chốn loài người là phận sự của con.

Hôm sau, khi mẹ cậu đã ra đi, cậu đem cha chạy trốn.

Khi quỷ cái trở về thấy thiếu họ, nó liền chạy như gió bắt họ lại và nói:

- Này chàng Bà-la-môn, tại sao chàng bỏ chạy, chàng có thiếu gì ở đây chăng?

- Nàng ơi, xin đừng giận ta. Con nàng đem ta đi theo nó đấy.

Quỷ cái không nói gì thêm, do lòng thương con, nó an ủi hai cha con và mang họ trở về hang sau vài ngày bay vùn vụt.

Bồ-tát suy nghĩ: "Mẹ ta chắn hẳn phải có một ranh giới hoạt động. Giả sử ta hỏi mẹ về ranh giới mà mẹ có quyền hạn, rồi ta sẽ đi trốn bằng cách vượt qua ranh giới đó".

Vì vậy, hôm ngồi kính cẩn bên mẹ, ngài hỏi:

- Mẹ ơi, những gì thuộc về mẹ đều truyền cho con; vậy mẹ nói cho con biết ranh giới vùng đất của ta.

Quỷ cái liền cho biết mọi phạm vi đất đai núi rừng ở mọi hướng và chỉ rõ khu vực dài ba mươi dặm rộng năm dặm ấy, xong lại bảo:

- Hãy xem nó nhiều như vậy đấy con à.

Sau hai ba ngày, khi mẹ đã vào rừng, ngài cõng cha lên vai và chạy nhanh như gió theo dấu hiệu mẹ ngài đã cho biết, ngài đến bờ sông làm ranh giới. Quỷ cái trở về thấy thiếu họ liền đuổi theo.

Bồ-tát mang cha ra giữa sông, còn quỷ cái đứng bên bờ thấy họ đã vượt phạm vi của nó, đành phải đứng lại và kêu:

- Con yêu quý ơi, hãy đến đây cùng với cha con. Mẹ có lỗi lầm gì nào? Có việc già không vừa lòng con về phương diện nào? Xin chàng hãy trở về mau!

Quỷ cái van xin chồng con như vậy.

Vị Bà-la-môn đã qua bên kia sông. Quỷ cái lại khẩn cầu con:

- Con yêu quý ơi, đừng làm như vậy. Hãy trở lại mau!

- Mẹ ơi, cha và con là người, còn mẹ là quỷ Dạ-xoa. Cha và con không thể ở mãi với mẹ được.

- Thế con không muốn trở lại à?

- Không mẹ ơi!

- Vậy nếu con không muốn trở lại mà sống trên thế giới loài người khổ lắm con ạ, những người không biết nghề gì thì không thể sống được. Mẹ có phép thuật cao cường, nhờ thần lực đó, ta có theo dõi dấu chân của người đã đi qua sau mười hai năm. Ðiều này sẽ làm kế sinh nhai của con. Này con, hãy nhận lấy phép thuật cao giá này.

Mặc dù lòng nặng trĩu đau buồn, do lòng thương con, quỷ cái cũng trao thần chú cho con. Bồ-tát đứng giữa sông chắp hai tay lại kính cẩn nhận thần chú và vái chào mẹ ngài:

- Mẹ ơi, con xin từ giã mẹ.

Quỷ cái bảo:

- Con ơi, nếu con không trở lại, mẹ không thể sống được.

Nó liền đấm vào ngực và ngay lập tức do sầu não vì con, tim nó tan nát ra nên nó chết tại chỗ.

Bồ- tát biết mẹ đã chết, liền gọi cha và đi làm giàn hoả thiêu xác mẹ. Sau khi dập tắt lửa, ngài cúng nhiều loại hoa đủ màu sắc, vừa than khóc, vừa cùng cha trở về Ba-la-nại.

Quân hầu tâu trình vua:

- Một cậu thanh niên có tài nhận ra dấu chân đang đứng chờ ở cửa.

Khi vua ra lệnh ngài vào chầu, ngài bước vào cung kính vái chào vua. Vua hỏi:

- Này Hiền hữu, khanh biết nghề gì?

- Tâu Chúa thượng, tiểu thần biết theo dõi dấu chân của người đã trộm cắp tài vật cách mười hai năm trước và bắt lấy họ.

- Thế thì vào đây hầu hạ trẫm. Vua bảo.

- Tiểu thần muốn phục vụ Chúa thượng với tiền công mỗi ngày một ngàn đồng.

- Tốt lắm, này Hiền hữu, nhất định khanh sẽ phục vụ trẫm.

Rồi vua ban cho ngài một ngàn đồng tiền mỗi ngày.

Một hôm, vị tế sư hoàng gia trình vua:

- Tâu Chúa thượng, chàng thanh niên chưa sử dụng xảo thuật để làm gì cả nên ta không biết chàng có tài hay không, vậy bây giờ ta quyết thử tài chàng.

Vua sẵn sàng chấp nhận. Hai vị thông báo cho các vị thủ kho và lấy các châu báu có giá trị nhất từ lầu thượng xuống, rồi sau khi đi lẩn quẩn ba vòng quanh cung điện, họ đặt cái thang trên nóc tường và theo đó đi ra ngoài.

Sau đó họ vào Pháp đình, ngồi xuống rồi trở ra đặt cái thang trên tường và leo xuống và đi vào thành. Khi đến bờ hồ nước, họ đi vòng quanh ba vòng rào trang nghiêm rồi thả các báu vật vào hồ và trèo lên lầu thượng như cũ.

Hôm sau có tiếng huyên náo và nhiều người kêu:

- Các báu vật đã bị mất khỏi cung rồi.

Vua giả vờ không biết gì, triệu Bồ-tát đến bảo:

- Này Hiền hữu, nhiều báu vật vừa bị mất trộm khỏi cung, ta phải tìm ra dấu vết.

- Tâu Chúa thượng, đối với một người có khả năng theo dấu vết bọn trộm cắp và thu hồi bảo vật cách mười hai năm trước, thì chẳng có gì thần kỳ khi tìm được tài vật chỉ mất sau một ngày đêm. Tiểu thần quyết đem lại đủ, xin Chúa thượng yên tâm.

- Vậy Hiền hữu hãy thu hồi báu vật.

- Tâu Chúa thượng, được lắm.

Ngài nói xong đi đảnh lễ hương hồn mẹ, rồi vừa niệm thần chú vừa đứng yên trên thượng lầu, rồi trình vua:

- Tâu Chúa thượng, dấu chân của bọn trộm sẽ được tìm ra.

Sau đó theo dấu chân vua và vị tế sư, ngài vào cung thất, từ đó ra đi, ngài bước xuống khỏi thượng lầu và sau ba vòng đi quanh hoàng cung, ngài đến gần cái hồ. Ðứng bên hồ, ngài bảo:

- Tâu Chúa thượng, bắt đầu ở nơi này từ bức tường, tiểu thân thấy dấu chân trên không. Xin đem cho tiểu thần một cái thang.

Sau khi nhờ đặt cái thang sát tường, ngài leo xuống và tiếp tục theo dõi dấu vết, ngài đến Pháp đình. Rồi trở vào cung, ngài bảo đặt cái thang sát tường và từ đó ngài leo xuống đi đến hồ nước. Sau khi đi quanh hồ nước ba lần, ngài bảo:

- Tâu Chúa thượng, bọn trộm đã vào hồ này.

Và vừa lấy báu vật ra như thể chính ngài đặt chúng vào đó, ngài dâng vua và trình:

- Tâu Chúa thượng, hai đạo tặc này là người đặc biệt, chúng đã vào cung bằng cách này.

Quần thần búng ngón tay biểu lộ hân hoan cực độ và rất nhiều khăn quàng tung vẫy lên. Vua suy nghĩ:

"Có lẽ chàng trai này theo dõi dấu chân nên biết nơi bọn trộm cất báu vật, nhưng chàng không bắt được chúng". Sau đó vua phán:

- Hiền hữu đã mang lại ngay báu vật được bọn trộm mang đi, nhưng khanh có thể bắt bọn trộm và đưa chúng cho trẫm chăng?

- Tâu Chúa thượng, bọn trộm ở đây, chúng không ở đâu xa.

- Chúng là ai thế?

- Tâu Ðại vương, bất cứ ai thích đều có thể làm kẻ trộm cả. Ðại Vương đã thu hồi báu vật rồi, sao Ðại Vương còn muốn bắt trộm làm gì nữa? Xin Ðại Vương hỏi chuyện ấy.

- Này Hiền hữu, trẫm ban cho khanh mỗi ngày một ngàn đồng tiền, vậy hãy đem bọn trộm đến cho trẫm.

- Tâu Chúa thượng, khi đã thu hồi báu vật, thì cần gì bắt bọn trộm nữa?

- Này Hiền hữu, đối với mọi người, bắt bọn trộm còn quan trọng hơn thu hồi báu vật.

- Thế thì, tâu Chúa thượng, tiểu thần sẽ không tâu với Chúa thượng: "Bọn trộm là những người này, người nọ", nhưng tiểu thần sẽ kẻ một chuyện xảy ra đã lâu. Nếu Chúa thượng thông thái, Chúa thượng sẽ biết ý nghĩa của nó.

Rồi sau đó ngài kể một chuyện cổ.

* Chuyện vũ công Pàtala

- Tâu Ðại vương, ngày xưa có một vũ công tên là Pàtala sống không xa thành Ba-la-nại, trong một ngôi làng bên bờ sông. Một hôm y vào Ba-la-nại cùng với vợ, và sau khi kiếm tiền được nhờ múa hát, y ăn cơm uống rượu no say vào dịp lễ hội chấm dứt.

Trên đường về làng cũ, y đến bờ sông ngồi ngắm dòng nước chảy vừa uống rượu nồng. Trong lúc đang say không biết mình sức yếu, y bảo: "Ta sẽ buộc ống sáo lớn vào cổ và đi xuống sông". Y dắt vợ trong tay bước dần xuống sông. Nước vào trong các lỗ ống sáo, rồi sức nặng của ống sáo làm y bắt đầu chìm xuống.

Nhưng khi vợ thấy y chìm dần, nàng bỏ mặc y, bước lên khỏi sông và đứng trên bờ.

Vũ công Pàtala lúc chìm lúc nổi và bụng trướng lên vì uống nước. Vì vậy vợ y suy nghĩ: "Chồng ta sắp chết, ta muốn xin chàng một bài hát và sẽ kiếm sống nhờ hát giữa đám đông", và nói:

- Chàng ơi, chàng sắp chìm xuống nước, xin hãy cho thiếp một bài hát nhờ đó thiếp tìm ra cách nuôi thân.

Rồi nàng ngâm vần kệ:

1.
Pà-ta bị cuốn bởi sông Hằng,
Ca vũ tài hoa tiếng lẫy lừng,
Chàng hởi! Chàng trôi theo sóng nước,
Xin chàng cho thiếp khúc ca ngâm.

Lúc ấy vũ công Pàtala nói:

- Nàng ơi, làm sao cho nàng một khúc ca bây giờ đây? Nước vốn là nguồn cứu khổ cho con người nay đang giết ta.

Và y ngâm một vần kệ:

2.
Những người đang bất tử mê man,
Nhờ nước vào để cứu thương,
Ta bị chết ngay trong sóng nước,
Nơi nương tựa đã hoá tai ương!

Bồ -tát muốn giải thích vần kệ này, bảo:

- Tâu Ðại vương, giống như nước là nơi nương tựa của mỗi con người, cũng vậy là vua chúa đối với dân. Nếu hiểm hoạ phát sinh từ vua chúa, thì còn ai đề phòng được hiểm hoạ ấy nữa? Tâu Ðại vương, đây là một vấn đề bí mật. Tiểu thần vừa kể một câu chuyện mà người hiền trí có thể hiểu được. Xin Ðại vương có thể hiểu nó.

- Này Hiền hữu, trẫm không hiểu chuyện bí mật như thế này đâu. Hãy bắt bọn trộm đến cho trẫm.

Sau đó Bồ-tát nói:

- Tâu Ðại vương, thế thì xin hãy nghe chuyện này và sẽ hiểu.

Rồi ngài lại kể một chuyện khác.

* Chuyện người thợ gốm

- Tâu Ðại vương, ngày xưa trong ngôi làng ngoài cổng thành Ba-la-nại, có một người thợ gốm thường tìm đất sét đem về làm đồ gốm, và bao giờ cũng lấy đất sét ở một nơi mà y đào thành một cái hố sâu vào một hang núi.

Bấy giờ, một hôm y đang đào đất sét, một cơn giông bão trái mùa bùng lên làm mưa rơi tầm tã, gây ngập lụt và làm sụp một bên hố khiến y bị vỡ đầu. Y liền ngâm vần kệ, khóc than rên rĩ:

3.
Cái vật nhờ hạt nẩy mầm
Ðể nuôi sống tất cả người trần,
Ðã làm ta vỡ đầu ra đấy,
Chỗ dựa thành tai hoạ bản thân.

- Tâu Ðại vương, giống như đại địa cầu vốn là nơi nương tựa của loài người, lại làm vỡ đầu chú thợ gốm, cũng vậy, khi vua vốn như là nơi nương tựa của toàn dân, lại đứng lên đóng vai kẻ trộm, thì còn ai có thể đề phòng hiểm hoạ ấy? Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có nhận ra tên trộm giả dạng trong câu chuyện này chăng?

- Này Hiền hữu, chúng ta không cần ý nghĩa ẩn kín trong đó. Hãy nói rõ: "Ðây là tên trộm" và bắt nó dẫn đến giao cho trẫm.

Vẫn bảo vệ nhà vua và không nói thành lời: "Chính Ðại vương là tên trộm", ngài lại kể một chuyện khác.

* Chuyện ngọn lửa

Tâu Ðại vương, ngay chính kinh thành này, có một nhà người kia bị cháy. Y ra lệnh một người khác vào nhà đem tài sản của y ra. Ðến khi chính chủ nhà này vào nhà và đem đồ vật ra thì cánh cửa chợt đóng lại. Y bị khói toả mù mịt không thể tìm đường thoát ra và bị ngọn lửa lên cao hành hạ đau đớn, y ở trong nhà khóc vừa than vừa ngâm vần kệ này:

4.
Cái vật làm tan vỡ giá băng
Và thiêu đốt hạt giống khô cằn,
Ðang thiêu huỷ tứ chi ta đó,
Chỗ dựa thành tai hoạ khổ thân.

- Tâu Ðại vương, có một người cũng giống như ngọn lửa, vốn là nơi nương tựa của quần chúng, lại đi ăn trộm một số lớn châu báu. Xin Ðại vương đừng hỏi tiểu thần về tên trộm này nữa.

- Này Hiền hữu, cứ đưa tên trộm đến cho trẫm.

Vẫn không nói rõ cho vua chính vua là kẻ trộm, ngài lại kể một chuyện nữa.

* Chuyện bội thực

- Tâu Ðại vương, ngày xưa chính tại kinh thành này có một người ăn thái quá nên không thể tiêu hoá thức ăn. Ðau đớn điên cuồng, y ngầm vần kệ than khóc:

5.
Thức ăn nuôi sống biết bao người
Ðạo sĩ, La-môn giữa đời,
Ðã giết chết ta đây trọn vẹn,
Nơi nương tựa hoá khổ đau rồi.

- Tâu Ðại vương, có một người vốn như lúa gạo, là nơi nương tựa của toàn dân, lại ăn trộm tài vật. Khi tài vật đã được thu hồi, tại sao còn hỏi về tên trộm làm gì?

- Này Hiền hữu, nếu khanh có tài thì cố đem tên trộm đến cho trẫm.

Ngài kể một chuyện khác để làm cho vua hiểu.

* Chuyện gió thổi

- Tâu Ðại vương, ngày xưa ngay chính kinh thành này có ngọn gió thổi lên làm gãy tay chân một người. Y ngâm vần kệ than khóc:

6.
Những bậc trí nhân vẫn nguyện cầu
Gió lành tháng sáu thổi lên mau.
Gió nay làm tứ chi ta gãy,
Chỗ dựa thành tai hoạ khổ đau!

- Tâu Ðại vương, như vậy quả thật hiểm nguy phát xuất từ nơi nương tựa của thần. Xin hãy hiểu chuyện này.

- Hiền hữu, hãy đem tên trộm cho trẫm.

Ðể làm cho vua hiểu, ngài lại kể một chuyện khác.

* Chuyện cành cây

- Tâu Ðại vương, ngày xưa trên triền núi Tuyết Sơn có một cây mọc lên chĩa ra nhiều nhánh làm nơi trú ẩn vô số chim muông. Một hôm hai cành cọ xát vào nhau. Khói bốc ra rừ đó và các đốm lửa rơi xuống. Thấy vậy, chim chúa ngâm vần kệ này:

7.
Lửa phát sinh ra ở ngọn cây
Chúng ta an trú bấy lâu nay,
Mau lên, giải tán bầy chim nhé,
Chỗ dựa thành nơi hiểm hoạ đầy.

- Tâu Ðại vương, giống như cây kia là nơi nương tựa của chim muông, cũng vậy, vua là nơi nương tựa của thần dân. Nếu vua đóng vai kẻ trộm, thì ai còn đề phòng hiểm hoạ ấy nữa? Xin Ðại vương lưu ý điều này.

- Này Hiền hữu, cứ đem tên trộm đến cho trẫm.

Sau đó ngài lại kể một chuyện khác nữa:

* Chuyện giết mẹ già

- Tâu Ðại vương, trong một làng ở Ba-la-nại, về phía tây một nhà quý tộc, có con sông đầy cá sấu hung dữ, gia đình ấy chỉ có một trai. Lúc cha mất, cậu con chăm sóc mẹ già chu đáo.

Dù con trai không muốn, bà mẹ vẫn đem một cô gái quý tộc về làm vợ chàng. Ban đầu, nàng tỏ ra yêu thương mẹ chồng, nhưng về sau dần dần nàng có đủ con trai con gái đông đúc, nàng muốn trừ khử bà đi.

Mẹ của nàng cũng ở nhà này. Trước mặt chồng, nàng tìm ra đủ mọi lỗi lầm của mẹ chồng để làm cho chồng có ác cảm với bà, và bảo:

- Thiếp không thể nuôi mẹ chàng được nữa. Chàng phải giết mẹ đi.

Khi chàng bảo:

- Sát nhân là chuyện hệ trọng, làm sao ta có thể giết mẹ được?

Nàng đáp:

- Khi nào mẹ chàng ngủ rồi, chúng ta sẽ đem bà đi, luôn cả giường chiếu đồ đạc, rồi ném bà vào sông cá sấu. Cá sấu sẽ kết liễu đời bà.

- Thế mẹ nàng ở đâu?

- Mẹ thiếp ngủ cùng phòng với mẹ chàng.

- Thế thì nàng đi đánh dấu vào chiếc giường mẹ ta nằm bằng cách buộc sợi dây thừng vào đó.

Nàng làm như vậy rồi bảo:

- Thiếp đã đánh dấu lên đó rồi.

Người chồng đáp:

- Hãy đợi ta một lát, để mọi người đi ngủ trước đã.

Rồi chàng nằm xuống giả vờ ngủ, sau đó, đi buộc sợi dây thừng vào giường mẹ vợ. Sau đó chàng đánh thức vợ dậy, cả hai cùng đi khiêng bà mẹ lẫn tất cả giường chiếu đồ đạc ném xuống sông. Bầy cá sấu giết chết bà ăn thịt ngay tại chỗ.

Hôm sau nàng khám phá mọi việc đã xảy ra cho chính mẹ mình, liền nói:

- Chàng ơi, mẹ thiếp đã chết rồi, nay ta hãy giết mẹ chàng.

Chàng bảo:

- Ðược lắm. Chúng ta làm một giàn hoả tại nghĩa địa, rồi thả bà vào đó để giết bà.

Thế là hai vợ chồng khiêng bà ra nghĩa địa trong lúc bà ngủ và đặt bà tại đó. Rồi người chồng hỏi vợ.

- Nàng có đem lửa theo không?

- Chàng ơi, thiếp đã quên rồi.

- Vậy đi tìm lửa đem về đây.

- Chàng ơi, thiếp không dám đi, còn nếu chàng đi, thiếp không dám ở lại đây. Vậy chúng ta cùng đi nhé.

Khi họ đi rồi, bà già tỉnh giấc vì gió lạnh, thấy đấy là nghĩa địa, bà suy nghĩ: "Chúng nó muốn giết ta, chúng đã đi tìm lửa. Chúng không biết ta mạnh dạn ra sao đâu".

Bà liền lấy một tử thi đặt lên giường và lấy khăn phủ kín, rồi chạy đi trốn trong hang núi ở nơi ấy. Hai vợ chồng đem lửa về, tưởng tử thi ấy là bà già, họ đốt xác rồi ra về.

Có một kẻ trộm kia dấu một gói đồ vật trong hang núi ấy, lúc trở về thấy bà già, y suy nghĩ: "Ðây chắc là quỷ Dạ-xoa. Gói đồ đạt của ta bị quỷ ám". Thế là y đi tìm thầy bùa trừ tà.

Thầy bùa đọc thần chú và đi vào hang. Bà già bảo:

- Ta không phải là quỷ Dạ-xoa, nào chúng ta cùng hưởng số báu vật này.

- Làm sao tin được chuyện này?

- Cứ đặt lưỡi ông trên lưỡi ta đây.

Thầy bùa làm theo, bà già cắn một khúc lưỡi của thầy và nhả xuống đất. Thầy bùa suy nghĩ: "Chắc chắn đây là quỷ Dạ-xoa". Thầy bùa vừa chạy vừa la to, với cái lưỡi chảy máu ròng ròng. Hôm sau bà già mặc y phục sạch sẽ và đi lấy gói báu vật đem về. Nàng dâu thấy bà vội hỏi:

- Mẹ ơi mẹ tìm gói này ở đâu thế?

- Con yêu quí ơi, hễ ai bị đốt cháy trên giàn hoả trong nghĩa địa này đều tìm được một gói như vậy.

- Mẹ yêu quí ơi, thế con có thể tìm được gói này chăng?

- Nếu con cũng làm như ta thì con cũng có được.

Thế rồi nàng không nói gì với chồng, và trong lòng ước muốn có được số châu báu để đeo, nàng đi đến đó tự thiêu sống. Hôm sau, chồng nàng thấy vợ vắng, liền hỏi:

- Mẹ yêu quí ơi, giờ này sao con dâu mẹ chưa đến?

- Này đồ bất nhân kia, người chết làm sao trở về được?

Rồi bà già ngâm vần kệ:

8.
Một gái xuân xanh đẹp biết bao
Với vòng hoa trắng đội trên đầu
Dầu thơm sực nức chiên-đàn toả,
Ðã được ta ngày trước đón dâu;
Nương tử hân hoan mong ngự trị
Trong nhà ta ở tự bao lâu;
Con dâu đuổi mẹ đi nơi khác,
Chỗ dựa thành tai hoạ thảm sâu!

- Tâu đại vương, giống như con dâu đối với mẹ chồng, cũng vậy, vua là nơi tựa của toàn dân. Nếu hiểm hoạ xuất phát từ đó, thì ta có thể làm gì được nữa? Xin đại vương hãy chú ý điều này.

- Này hiền hữu, trẫm không hiểu những việc khanh nói với trẫm. Cứ đem tên trộm lại đây cho trẫm.

Ngài suy nghĩ: "Ta muốn che chở vua", rồi ngài lại kể một chuyện khác.

* Chuyện đuổi cha già

- Tâu Ðại vương, ngày xưa nay trong kinh thành này, một người kia sinh con trai đúng như lời nguyện cầu. Khi đứa con ra đời, người cha vui mừng hớn hở vì ý tưởng có được con trai, nên yêu quí nó lắm.

Khi đứa trẻ lớn lên, người cha cưới vợ cho con rồi dần dần ông già yếu không làm được việc nữa. Vì thế con ông bảo:

- Cha không làm việc được nữa, cha phải ra khỏi đây.

Rồi nó đuổi cha ra khỏi nhà.

Ông cha hết sức chật vật kiếm sống bằng nghề hành khất, vừa ngâm vần kệ vừa khóc than:

9.
Kẻ mà ta ước muốn sinh ra,
Cũng chẳng hoài công mong đợi kia
Lại đuổi ta đi: Nơi trú ẩn
Hoá thành tai hoạ khổ thân ta.

- Tâu đại vương, giống như người cha già phải được đứa con khoẻ mạnh chăm sóc, cũng vậy, là toàn dân phải được vua bảo vệ, giờ đây mối hiểm hoạ lại xuất phát từ vua, người bảo vệ toàn dân. Tâu Ðại vương, xin hãy hiểu từ việc này rằng kẻ trộm là người như vậy như vậy.

- Trẫm không hiểu việc này, dù đó là sự thực hay không phải sự thực. Hoặc là ngươi phải mang kẻ trộm đến đây cho trẫm, hoặc chính ngươi là kẻ trộm ấy.

Vua cứ bảo chàng thanh niên như vậy mãi. Vì thế ngài hỏi vua:

- Tâu Ðại vương, Ðại vương thực sự muốn kẻ trộm bị bắt chăng?

- Ðúng vậy, Hiền hữu.

- Thế thì tiểu thần sẽ công bố giữa quần chúng rằng kẻ trộm là người như vầy như vầy.

- Hãy làm như vậy, này Hiền hữu.

Khi nghe vua nói, ngài suy nghĩ: "Vua này không cho phép ta che chở nữa. Ta sẽ bắt tên trộm bây giờ".

Khi quần chúng đã tụ tập đầy đủ, ngài vần kệ với họ:

10.
Này dân thành thị đến nông làng
Tề tựu lắng nghe tất cả rằng:
Kìa! Nước lạnh nay đang đang bốc cháy
Chốn bình an phát xuất kinh hoàng.
Ðại vương, Ðạo sĩ cùng than vãn
Quốc độ bị cường đạo phá tan.
Vậy mọi người dân lo tự vệ,
Nơi nương tựa bỗng hoá tai nàn.

Khi quần chúng nghe nói vậy, họ suy nghĩ: "Vị vua này, mặc dù phải bảo vệ thần dân, lại đổ lỗi cho người khác. Sau khi chính tay vua bỏ báu vật vào hồ, vua lại bảo đi tìm kẻ trộm! Ðể cho vua khỏi đóng vai kẻ trộm trong tương lai, chúng ta phải giết hôn quân vô đạo này".

Vì thế họ đứng lên với trượng, chùy trong tay đánh vua và vị tế sư cho đến chết tại chỗ. Rồi họ làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh phong vương) Bồ-tát và đưa ngài lên ngôi.

*

Sau khi kể chuyện này để làm sáng tỏ các Sự Thật, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này cư sĩ, không kỳ diệu gì khi nhận ra dấu chân trên mặt đất, vì các bậc trí ngày xưa còn nhận ra chúng trên không nữa.

Lúc kết thúc các Sự Thật, vị cư sĩ cùng con trai đắc Sơ quả (Dự Lưu).

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, người cha là Kassapa (Ca-diếp) và chàng thanh niên có tài nhận dấu chân chính là Ta.


From Cư Sĩ

LET IT BE !
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào

Leave a Reply